Đoàn kết các dân tộc vì một Tây Nguyên phát triển

Đoàn kết các dân tộc vì một Tây Nguyên phát triển

Đến TP Buôn Ma Thuột và các địa phương của tỉnh Đắc Lắc trong những ngày đầu năm mới, đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được không khí hào hứng, phấn khởi của đồng bào các buôn làng đang hướng về Đại hội đại đoàn kết các dân tộc tỉnh – lần đầu tiên được tổ chức tại Đắc Lắc. Có mặt tại một số buôn làng có đại biểu là những già làng, cá nhân tiêu biểu tham dự đại hội, chúng tôi được nghe những câu chuyện đầy nghĩa tình, chung sức, gắn bó của đồng bào các dân tộc đang ra sức phấn đấu vì một Tây Nguyên phát triển.

Già làng Ama H’Rin buôn Akô-Dhông (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột):

  • Cấm không được...nghèo !

“Già làng có uy tín hả? Lại phải biết làm kinh tế và nặng lòng với việc giúp bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc à? Thế thì nhà báo đến gặp Ama H’Rin đi thôi!”. Với cánh nhà báo, hễ đến Văn phòng UBMTTQ tỉnh Đắc Lắc và trình bày những “tiêu chuẩn chọn nhân vật” như vừa kể, cán bộ ở đây lại tự hào đánh xe đưa vào buôn Akô-Dhông. Ở đó có Ama H’rin, một già làng 76 tuổi, làm người tiếp xúc ngạc nhiên với mũ phớt, quần Âu và chức danh giám đốc một công ty TNHH thương mại, dịch vụ, du lịch nhưng lại cực kỳ yêu quý những nếp nhà rông, nâng niu từng cái cồng, cái ché và có những sáng kiến mới mẻ để giúp dân vừa làm giàu, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Đoàn kết các dân tộc vì một Tây Nguyên phát triển ảnh 1

Già làng Ama H’Rin buôn Akô-Dhông

Buôn Akô-Dhông có vẻn vẹn 66 hộ gia đình, trong đó chiếm hơn 90% là đồng bào Êđê. Nhìn bà con trong buôn sống mãi với cây cà phê, niềm vui nhìn hoa cà phê nở trắng trên rẫy chưa kịp vơi thì đã héo lòng vì cà phê rớt giá mà già Ama H’rin nẫu cả ruột. Thế là Bố (tên gọi thân mật của bà con trong buôn gọi ông) đứng ra vận động mọi người chuyển sang trồng điều, bơ, bắp lai. Nhưng người càng ngày càng đông, đất mỗi ngày một ít, Bố Ama H’rin nghĩ cách nuôi rừng làm du lịch.

Hiện mỗi ngày, vị già làng 76 tuổi này lại cuốc bộ gần 2 cây số lên khu rừng rộng khoảng 6 ha mà ông đang bỏ tiền thuê người ủi đất, đào ao, dự định làm khu du lịch sinh thái. Ama H’rin hồ hởi: “Trước đây, người Êđê không biết đào ao thả cá đâu. Bây giờ, Bố cho đào ao thế này rồi hỏi người trong buôn thích nuôi cá gì: mè, tai tượng hay ba ba là Bố cho nuôi cái ấy. Rồi còn phải vận động mọi người đem cây quý về trồng, mang đá lên làm lại con đường đất đỏ này nữa, để mà rước khách du lịch vào chơi nữa mà...”

Với cương vị già làng, Ama H’rin nghiêm lắm, cấm nhiều thứ lắm: cấm người trong buôn bán đất lấy tiền tiêu, cấm không được… nghèo để “lợi dụng” nhà nước vì theo Ama h’Rin “có đất, có chịu khó làm thì không thể nghèo được”; cấm nghe lời bọn xấu, cấm mê tín dị đoan, ai muốn xây nhà theo kiểu mới đều phải xây đằng sau cái nhà dài, phải giữ lại cồng chiêng… Mặc dù “khó tính” như thế nhưng từ ngày giải phóng đến nay, dân trong buôn chỉ tín nhiệm mỗi Ama H’rin thôi. Bố là niềm tin, niềm tự hào của cả buôn làng.

Mục sư Y Ky ÊBan
(Quản nhiệm Chi hội TinLành Ea Tul, huyện Cư M’Gar):

  • Bà con tín hữu giờ chỉ tin vào Đảng và Nhà nước thôi

Giới thiệu với chúng tôi về đời sống của bà con tín hữu trong buôn Ea Tul, Mục sư Y Ky ÊBan cười thật tươi và nói: bà con tín hữu rất vui mừng vì năm qua kinh tế gia đình nào cũng phát triển lên. Bây giờ ai cũng chỉ mong làm giàu lên thôi. Nhớ lại vụ gây rối cách nay gần 2 năm, giọng mục sư như chùng xuống: “Thì cũng vì cái nghèo và thiếu hiểu biết mà đồng bào mình nghe theo bọn xấu xúi giục. Chứ bây giờ thì không đâu. Người dân trong buôn đã dần hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chỉ lo cho dân thôi, nên ai nấy rất vui và chí thú làm ăn - mong được nhanh giàu lên”.

Đoàn kết các dân tộc vì một Tây Nguyên phát triển ảnh 2

Mục sư Y Ky ÊBan

Để giúp đồng bào hiểu được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đi đến đâu mục sư cũng đem chuyện đường sá, chuyện chuyển đổi giống cây trồng, mô hình làm giàu ra để động viên bà con yên tâm sản xuất, làm tròn trách nhiệm người công dân của mình. Mục sư Y Ky ÊBan kể: “Trong thực hiện tín ngưỡng tôn giáo của đạo Tin Lành, chúng tôi thường động viên các tín hữu, Nhà nước bỏ tiền của ra để đầu tư cho đồng bào mình làm ăn, sinh sống thuận tiện và phát triển lên. Là tín hữu của đạo Tin Lành phải luôn làm tròn trách nhiệm của người công dân đối với Nhà nước, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở thôn, buôn. Tôn giáo phải gắn với dân tộc, mỗi gia đình tín hữu Tin Lành phải phấn đấu trở thành gia đình văn hóa”.

Đến buôn Ea Tul, một điểm “nóng” trong vụ gây rối trật tự công cộng cách nay gần 2 năm, điều đập vào mắt chúng tôi là sự đổi thay đến chóng mặt. Cả buôn có hơn 100 nóc nhà thì đã hơn một nửa được ngói hóa. Con đường từ phố huyện Cư M’gar về buôn Ea Tul gần 20 cây số trước kia gồ ghề, lầy lội – nay được san ủi phẳng lỳ, rộng thênh thang. “Nhà nào bây giờ cũng có xe máy và tivi hết rồi. Năm nay, buôn Ea Tul phấn đấu đưa tiếp hơn 20 hộ còn lại ra khỏi diện nghèo” – Mục sư Y Ky ÊBan khoe với chúng tôi.

Buôn trưởng buôn Ea Răng Y soan EBan:

  • Nhờ khuyến nông mà đồng bào mình thoát nghèo

Làm buôn trưởng từ năm 1992, anh Y soan EBan ở buôn Ea Rang nổi tiếng là một trưởng buôn dám nghĩ dám làm, tích cực làm kinh tế giúp bà con thoát nghèo. Nhớ lại sau ngày giải phóng, buôn Ea Rang là vùng nghèo nhất nhì trong tỉnh. Từ làm rẫy, bà con chuyển sang làm ruộng nhưng lại “mù tịt” về kỹ thuật. Y soan bèn đánh bạo theo học lớp khuyến nông. Đi học về xong, Y soan nói nhưng chẳng ai nghe. “Nghe Y soan thế nào được, mỗi sào ruộng nó bảo chỉ gieo có 5 kí thóc giống theo cách sạ hàng gì gì đấy. Thóc bỏ xuống ít thế, lúa lên cũng ít lắm thôi”. Già trẻ trong buôn kháo nhau như thế rồi bỏ mặc Y soan. Y soan mò mẫm tự làm lấy. Ngày thu hoạch, anh mời bà con đến, tổ chức hội thảo ngay tại đầu bờ ruộng: kết quả sờ sờ ngay trước mắt đây rồi: Y soan đạt năng suất từ 8 tạ - 1 tấn/1.000 mét vuông, trong khi người trong buôn gieo thóc giống nhiều gấp 10 lần vẫn chỉ thu được nhiều lắm là 8 tạ/1.000 mét vuông đất.

Đoàn kết các dân tộc vì một Tây Nguyên phát triển ảnh 3

Buôn trưởng buôn Ea Răng Y soan EBan:

Y soan cười tít mắt: “Cơ chế của Đảng và Nhà nước bây giờ tốt rồi. Người nào siêng năng thì làm giàu không khó đâu. Ngày trước, bà con ở đây còn phải chịu đói, chỉ thích Y soan mang giống lúa nào trổ thật nhiều hạt, thu hoạch được đầy bồ. Bây giờ đủ ăn rồi, bà con lại thích ăn giống lúa thơm thôi. Y soan còn đang khuyến khích mọi người nuôi thêm bò, lợn nữa”.

Từ chỗ là một nông dân nghèo rớt, bà con nội ngoại hai bên không còn ai, tài sản bố mẹ để lại chẳng có gì, Y soan đã không sợ cái nghèo để rồi giờ đây trở thành chỗ dựa cho người nghèo trong buôn. Năm ngoái, Y soan còn đứng ra làm “chủ nợ” nữa chứ: anh cho bà con trong buôn vay 3 tấn gạo, 1 tấn lúa và những 25 triệu đồng không tính lãi. Cái thời người Ea Rang nằm mơ cũng không dám nghĩ mình được cầm tiền triệu đã qua đi. Giờ đây, họ đang cùng vị trưởng buôn của mình tính kế làm giàu từ chính mảnh đất này, bằng chính đôi tay của họ 

 MAI HƯƠNG – HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục