Đại hội đại đoàn kết các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ nhất

Đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước

Đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước

Hôm qua 20-2, tại TP Pleiku đã diễn ra Đại hội đại đoàn kết các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ nhất. Tham dự có 300 đại biểu là những già làng, cá nhân tiêu biểu được bầu chọn tại các buôn làng – đại diện cho 35 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ảnh 1

Đồng chí Pham Thế Duyệt thăm hỏi các đại biểu dân tộc xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư.

Các đồng chí Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Tráng A Pao, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Ksor Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Đắc Lắc đã tham dự đại hội.

Sau nghi thức khai mạc đại hội, lễ đón và đọc thư Bác Hồ đã được diễn ra trong không khí trang trọng và thể hiện tình cảm tôn kính của đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai.

Thay mặt đồng bào các dân tộc trong tỉnh, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Gia Lai Rơ Chăm H Yéo phát biểu ôn lại chặng đường 60 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ trong thư gửi Đại hội đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku (Gia Lai) ngày 19-4-1946.

Phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó một lòng, một dạ với Đảng, Bác Hồ, trong 60 năm qua, đồng bào các dân tộc trong tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây nguyên nói chung đã có những đóng góp to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, lời huấn thị của Bác về khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trên mảnh đất Tây nguyên hùng vĩ này đã trở thành động lực và sức mạnh để đại gia đình các dân tộc trong tỉnh Gia Lai viết tiếp trang sử mới – xóa đi cái nghèo nàn, lạc hậu xưa kia, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đại hội đã tôn vinh, giới thiệu các già làng, cá nhân tiêu biểu trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, trong đấu tranh chống lại những âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết của kẻ địch, trong giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây nguyên. Tiêu biểu có các già làng Kpă Khun, làng Marin 2, xã Ma Rơn, huyện IaPa; già làng Siu Tong, huyện A Yun Pa; mục sư Úy, dân tộc Banar, Trưởng Ban đại diện Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) tỉnh Gia Lai…

Các đại biểu tham dự đại hội đã cùng nhau ký bản Quyết tâm thư gửi tới Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Gia Lai bày tỏ lòng trung thành tuyệt đối vào Đảng Cộng sản Việt Nam, vào thắng lợi trong công của công cuộc đổi mới 20 năm qua do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Đại hội kêu gọi các dân tộc trong tỉnh Gia Lai cùng nhau hiệp lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2006 – 2010; tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tăng cường khối đoàn kết các dân tộc, đấu tranh vạch trần các luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc của các thế lực thù địch.

M.H. - H.N.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt:
Năm 2010, không còn hộ nghèo trong đồng bào các dân tộc Tây nguyên

Tham dự Đại hội đại đoàn kết các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ nhất, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đã có bài phát biểu quan trọng, đánh giá và biểu dương tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong những năm qua. Bên lề đại hội, Chủ tịch Phạm Thế Duyệt đã có cuộc trao đổi riêng với PV Báo SGGP về việc thực hiện các chính sách thúc đẩy sự phát triển, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

- PV:
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến sự phát triển của Tây Nguyên, Chủ tịch có đánh giá gì về kết quả của các chính sách này?

- Chủ tịch Phạm Thế Duyệt:
Sự thay đổi của các địa phương ở Tây Nguyên những năm qua là hết sức quan trọng. Chúng ta có thể thấy hình ảnh của Tây Nguyên hôm nay qua sự phát triển của các địa phương như: TP Buôn Ma Thuột, Pleiku, Đà Lạt, Gia Nghĩa… Rồi hình ảnh của các khu công nghiệp, nhà máy thủy điện lớn, các công trình giao thông tại các buôn làng đã khẳng định được sự phấn đấu, đi lên của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi phát triển chưa đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc vẫn còn cao; diện nhà tranh tre, dột nát vẫn còn nhiều…

- Để xóa đi hình ảnh của sự nghèo nàn, chậm phát triển trong đồng bào các dân tộc ở một số địa phương, sắp tới cần có những chủ trương, chính sách gì, thưa Chủ tịch?

- Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với Tây Nguyên nói riêng và các vùng đồng bào dân tộc nói chung đã rõ. Cái chính là làm sao các chủ trương, chính sách đó phải được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận vận dụng đưa vào thực tế một cách nhanh nhất. Chủ trương giao đất, làm nhà cho người nghèo, làm thủy lợi, làm đường giao thông, nâng cao dân trí, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số… phải được thực hiện một cách rõ ràng, rành mạch. Không thể chấp nhận được như ở một số nơi vẫn còn tình trạng nói nhiều nhưng làm không được nhiều; hoặc nói nhưng không làm. Điều này, mong rằng phải được khắc phục ngay.

- Thế còn vai trò của hệ thống MTTQ trong thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào các dân tộc như thế nào?

- MTTQ lấy 2 cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “ Ngày vì người nghèo” làm nội dung hoạt động trọng tâm đến tận cơ sở và buôn làng, trong đó buôn làng là địa bàn quan trọng nhất để triển khai các chương trình giúp nhau làm kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa… Mục tiêu là làm sao đến năm 2010, trên địa bàn Tây Nguyên sẽ không còn hộ nghèo, không còn nhà tranh tre, vách lá trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Xin cảm ơn Chủ tịch.

HOÀI NAM - MAI HƯƠNG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục