
Chiều 25-3, đoàn nhà báo nước ngoài tới TPHCM đưa tin nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã tới thăm làng Hòa Bình thuộc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TPHCM.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc bệnh viện đã giới thiệu công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và Mỹ về chất độc da cam với các phóng viên nước ngoài, trong đó có các bằng chứng không thể chối cãi về tác hại của chất độc này đối với hàng triệu người Việt Nam.

Các phóng viên nước ngoài đang ghi hình em Phạm Thùy Linh, 11 tuổi tại Làng Hòa Bình TPHCM.
Trả lời câu hỏi của phóng viên hãng tin AP (Mỹ) về tổng số trẻ em Việt Nam bị ảnh hưởng chất độc da cam, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết hiện nay có khoảng 500.000 trẻ em trong tổng số từ 3 đến 4 triệu nạn nhân mắc các bệnh tật do chất độc da cam gây ra.
Cả hội trường như lặng đi khi bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng thông báo: “Rạng sáng nay (25-3), lại thêm một em bé ra đời không có mắt”. Màn hình chiếu ảnh một em bé đang nằm đỏ hỏn với một bên mắt không hoàn chỉnh, một bên không có mắt. Đó là con trai của chị N.T.L, 35 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Phước, một trong những khu vực bị quân đội Mỹ rải chất độc da cam thời chiến tranh.
Phóng viên AP hỏi thêm: “Có bằng chứng khoa học gì trong các đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam?”. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho rằng các công ty hóa chất Mỹ chối bỏ trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cho dù đã có nhiều bằng chứng xác nhận tác hại của chất độc này đối với hàng triệu người Việt Nam.
Bác sĩ Phượng dẫn chứng thêm: “Ngay cả Chính phủ Mỹ thời Tổng thống Clinton đã thừa nhận tác hại của chất độc da cam và các công ty hóa chất Mỹ đã đền bù cho các cựu binh Mỹ”.
Trao đổi với các phóng viên Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết đã chuẩn bị đầy đủ bằng chứng khoa học về tác hại của chất độc da cam do quân đội Mỹ gây ra đối với người Việt Nam. Những bằng chứng này sẽ được trình bày trước tòa án một khi đơn kháng án thành công, buộc tòa án Mỹ phải xét xử.
Vấn đề quan trọng giờ đây là chúng ta cần sự ủng hộ của quần chúng không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nhiều nước, đặc biệt là nhân dân Mỹ, với áp lực như vậy, chúng ta mới có thể thay đổi được phán quyết của tòa án New York. Bác sĩ Phượng nói: “Nhiều luật sư của Mỹ cho biết, phán quyết của tòa án Mỹ phụ thuộc vào 50% áp lực của quần chúng”.
Kết thúc buổi gặp, bác sĩ Phượng kêu gọi các nhà báo quốc tế bằng ngòi bút của mình hãy góp tiếng nói đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Sau đó, bác sĩ Phượng cùng nhiều bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ hướng dẫn đoàn nhà báo xuống tận phòng nuôi các em bị dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam đang được nuôi dưỡng tại làng Hòa Bình. Nhiều nhà báo đã bức xúc sau khi tận mắt chứng kiến những cảnh tượng đau lòng.
Nhà báo Suzuki Katsuhiko, phóng viên báo Akahata, cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản (phân xã tại Hà Nội) khẳng định: “Rõ ràng đây là tác hại của chất độc da cam. Quân đội Mỹ đã rải chất độc da cam, các công ty đã đền bù các cựu binh Mỹ bị ảnh hưởng chất độc này. Tại sao họ không đền bù cho nạn nhân của Việt Nam? Mỹ phải có trách nhiệm điều tra và bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Ông Katsuhiko hứa sẽ dùng ngòi bút của mình lên án tội ác này.
* Sáng 25-3, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 50 phóng viên báo chí quốc tế đã có cuộc tiếp xúc, phỏng vấn 4 người nguyên là các sĩ quan cao cấp và quan chức làm việc trong bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa (cũ) để tìm hiểu về cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của họ sau 30 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Dự cuộc gặp gỡ có các ông: Nguyễn Hữu Hạnh, nguyên Chuẩn tướng, Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Sài Gòn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa; Nguyễn Hữu Có, nguyên Thiếu tướng, Tổng trưởng Quốc phòng; Triệu Quốc Mạnh, nguyên Chuẩn tướng, Chỉ huy trưởng Cảnh sát quốc gia Sài Gòn - Gia Định và Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu sử học, đại diện cho thành phần thứ 3 trong giai đoạn thực hiện Hiệp định Paris.
Trả lời câu hỏi của phóng viên các hãng AFP, Reuters và báo New York Times về cuộc sống của các sĩ quan cao cấp, quan chức làm việc trong bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa (cũ) kể từ sau 30-4-1975 đến nay, ông Nguyễn Hữu Hạnh cho biết: ông và gia đình đang có cuộc sống ổn định tại TPHCM như mọi người dân khác.
Ông Hạnh nói, bản thân ông rất phấn khởi trước những đổi thay tốt đẹp của đất nước trong 30 năm qua, đặc biệt là việc Việt Nam đã hoàn toàn tự chủ trong phát triển, không bị lệ thuộc kinh tế vào bất cứ nước nào, người dân Việt Nam đã hoàn toàn chủ động trong sản xuất và xuất khẩu để có ngoại tệ, khác hẳn tình trạng trước năm 1975.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ trả lời phỏng vấn về các nạn nhân chất độc da cam.
Ông Hạnh nói đây chính là điều khiến ông thấy thực sự vui mừng cùng đất nước và khẳng định: Chúng tôi thấy hạnh phúc vì đang được chung sống trong tình thương yêu và hòa hợp dân tộc. Ông Nguyễn Hữu Có cũng khẳng định ông đang có một cuộc sống hạnh phúc cùng toàn gia đình, tự do đi dự lễ nhà thờ, thăm bạn bè cũng như sang Hoa Kỳ để thăm con cháu.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tân Hoa xã về những nhận định cá nhân của người từng sống qua hai chế độ về tình hình của Việt Nam ngày nay, các ông Nguyễn Hữu Có, Nguyễn Hữu Hạnh, Triệu Quốc Mạnh đều cho rằng Việt Nam đang phát triển hết sức tốt đẹp.
TPHCM đang được mở mang với tốc độ phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất nước, các phương tiện phục vụ đời sống người dân được cung cấp tốt hơn hẳn 30 năm trước, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố ngày càng gia tăng, du khách quốc tế tới thăm ngày càng đông, cuộc sống của người dân được thuận lợi về mọi mặt.
Trả lời câu hỏi của phóng viên một số hãng thông tấn của Nhật Bản, Pháp... về những nhận định xung quanh mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện nay, các ông Nguyễn Hữu Có, Nguyễn Hữu Hạnh, Triệu Quốc Mạnh, Nguyễn Đình Đầu đều khẳng định sự quan tâm sâu sắc của bản thân đối với những chương trình hợp tác giữa hai chính phủ, cho rằng đây là một mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh đề nghị phóng viên các hãng thông tấn, báo chí quốc tế chuyển tải thông điệp của cá nhân ông đối với nước Mỹ: Chúng ta là những dân tộc cùng sống chung trong thế giới này, hãy cùng nhau hòa hợp để sống tốt đẹp hơn. Nói về cuộc chiến tranh đã qua, ông Nguyễn Hữu Có nhắc đến cuốn sách của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mac Namara (trong đó nhận định việc Chính phủ Hoa Kỳ đã sai lầm khi đưa quân sang Việt Nam), cho rằng cuốn sách đã được rất nhiều người đọc và đồng tình.
V.M. – TTXVN