Doanh nghiệp bán lẻ đón cơ hội bứt phá

Với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao, kinh tế phát triển ổn định, giới phân tích đánh giá Việt Nam tiếp tục là một thị trường bán lẻ hàng hóa đầy tiềm năng. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay thì đến năm 2025, quy mô thị trường bán lẻ Việt sẽ đạt con số 359 tỷ USD và đây là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) bán lẻ tận dụng bứt phá.
Bán lẻ tận dụng cơ hội bứt phá
Bán lẻ tận dụng cơ hội bứt phá

Thị trường hồi phục rõ nét

 Mặc dù tăng trưởng chậm lại trong 2 năm đại dịch, nhưng kinh tế Việt Nam được kỳ vọng phục hồi nhanh chóng trong năm 2022. Triển vọng về bức tranh kinh tế sáng màu sẽ có những tác động tích cực đến lĩnh vực bán lẻ vốn đã và đang có nhiều chuyển biến. 

Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2022 có quy mô cũng như tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây và tăng 14,2% so với 9 tháng đầu năm 2019. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 9 ước đạt hơn 493.091 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng 8-2022 và tăng 36,1% so với cùng kỳ.

Những con số biết nói trên đã phần nào khẳng định, thị trường bán lẻ Việt rất tiềm năng và đã có rất nhiều DN cả trong nước lẫn quốc tế đang đầu tư vào lĩnh vực này. 

Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ sau đại dịch cũng đang có nhiều thay đổi. Cụ thể, theo khảo sát của Vietnam Report, mô hình phát triển siêu thị, cửa hàng thành điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính (gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và cổng thanh toán kỹ thuật số) đang tiếp tục đi lên với tỷ lệ DN đang triển khai quy mô lớn tăng lên 21,5% so với cách đây một năm. Trong khi đó, các mô hình như cửa hàng trong cửa hàng (shop-in-shop), cửa hàng đa thương hiệu (multi-brand store) và bán lẻ lưu động dường như đang thoái trào khi tỷ lệ DN triển khai có xu hướng giảm từ 40% xuống còn 30,8%. Hệ thống siêu thị cao cấp, có quầy tính tiền cho khách tự thanh toán hiện đang phát triển ở nhiều nước trên thế giới cũng được DN trong nước quan tâm, đầu tư nghiên cứu.

Nằm trong xu thế hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, khảo sát của Vietnam Report cho thấy, hơn 2/3 số DN đã và đang áp dụng sáng kiến bền vững về môi trường trong ngành bán lẻ (tăng cung cấp các sản phẩm được làm bằng vật liệu tái chế, thay đổi cách đóng gói chọn loại bao bì thân thiện với môi trường hơn…) với quy mô lớn, tăng gần gấp đôi tỷ lệ của năm trước.

Ngoài ra, trong báo cáo “Ngành bán lẻ Việt Nam: Mô hình đa kênh (Omnichannel) cất cánh” vừa được Deloitte Việt Nam phát hành đầu tháng 10-2022 cũng cho biết, các chuỗi cửa hàng tiện lợi đã nhanh chóng phát triển và xuất hiện trên nhiều kênh, trong đó có cả nền tảng giao đồ ăn. Nhiều thương hiệu đã phát triển và cho ra mắt ứng dụng điện thoại độc quyền để tương tác trực tiếp với khách hàng. 

Cơ hội để doanh nghiệp bứt phá

 Trước xu thế trên, để cạnh tranh, các nhà bán lẻ nội địa đã và đang tích cực chuyển đổi để nâng cao sức cạnh tranh và giữ vững thị phần. Đơn cử như Saigon Co.op. Theo đó, liên tục trong những năm qua, nhà bán lẻ này đã đa dạng hóa các kênh bán lẻ hiện đại như cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, siêu thị, trung tâm thương mại, kênh bán hàng online; đồng thời tập trung chuyển đổi số mô hình bán lẻ để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. 

Một trong những đột phá của nhà bán lẻ Saigon Co.op là giữa năm 2020 đã tung ra  app Saigon Co.op để nhà bán lẻ, nhà cung cấp chăm sóc khách hàng tốt hơn, trong khi người mua sẽ có cơ hội săn khuyến mãi. Nhà bán lẻ này cũng liên kết với ứng dụng grab để người tiêu dùng khi sử dụng nền tảng này mua sắm thực phẩm tại các cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile, cửa hàng Cheers… Đặc biệt, thích ứng với xu hướng kinh tế tuần hoàn, Saigon Co.op đã không ngừng nỗ lực thực hiện các biện pháp xanh hóa kênh bán lẻ như loại bỏ ống hút nhựa ra khỏi quầy kệ, thực hiện chiến dịch “Tháng tiêu dùng xanh”, ưu tiên bán sản phẩm của DN xanh…

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, đứng trước những thay đổi của thị trường, Saigon Co.op đã nhìn nhận lại chính mình và có những thay đổi. Cụ thể, thay vì tập trung vào các chiến lược tiếp thị đại trà và dịch vụ đại trà, DN đi sâu vào tìm hiểu sở thích nhu cầu của khách hàng từng vùng, miền. Từ đó đa dạng hóa mô hình kinh doanh, chủng loại sản phẩm, tăng cường tiện ích, dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, tại Saigon Co.op, khi khách hàng trải nghiệm mua sắm ở những cửa hàng vật lý sẽ có cơ hội tận hưởng những giá trị cộng thêm từ các cửa hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, thay vì đầu tư nguồn khổng lồ để xây dựng những nền tảng trực tuyến lớn với tỷ lệ rủi ro cao, Saigon Co.op sẽ dựa trên cửa hàng vật lý đã có để biến những cửa hàng đó thành cửa hàng bán lẻ phục vụ riêng cho mua sắm trực tuyến.

Thực tế cho thấy, chiến lược của Saigon Co.op đang có hiệu quả nhất định khi một số phân khúc như siêu thị Co.opmart, cửa hàng Co.op Food đang chiếm thị phần nhất định và tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng.

“Bán lẻ truyền thống trước đây vốn chỉ tập trung vào sản phẩm mô hình chuỗi cung ứng như mua rẻ bán đắt, tối ưu hóa các khâu trung gian và trải nghiệm tại cửa hàng. Nhưng nay với bán lẻ kỹ thuật số sẽ tập trung vào trải nghiệm khách hàng, mô hình chuỗi giá trị số, thu thập dữ liệu khách hàng, sản phẩm, địa điểm và biến dữ liệu này thành hành động”, ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục