Ngày 15-8, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tiếp tục làm việc, thảo luận và cho ý kiến dự án Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tại kỳ họp thứ 9 mới đây, nhiều ý kiến ĐBQH tỏ ra băn khoăn về hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân nằm trong phạm vi điều chỉnh của dự luật. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu nêu rõ: Luật cần điều chỉnh cả hình thức này để thống nhất quản lý, và có cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Trên cơ sở lập luận đó, dự thảo lần này đã quy định rõ hơn về điều kiện, nội dung hợp đồng; thủ tục hồ sơ đăng ký hợp đồng và quyền, nghĩa vụ của người lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng cá nhân. Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị phải bổ sung quy định bảo hộ nhà nước về lãnh sự cho người lao động, bởi theo ông, “như ở Lebanon vừa qua, may mắn là có tiền của quốc tế, chứ nếu kinh phí chúng ta bỏ ra thì chưa chắc đã đưa được lao động về nước”.
Ông Thuận cũng kiến nghị nên có quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc đứng ra ký các hiệp định đưa người lao động Việt Nam đến làm việc ở các nước sở tại, để bảo đảm về mức lương và các điều kiện an toàn lao động khác.
Nhiều ĐBQH không tán thành việc dự luật quy định doanh nghiệp chỉ được phép thành lập không quá 2 chi nhánh, vì như thế là ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo lần này đưa ra 2 phương án: được phép thành lập tối đa 3 chi nhánh; và không hạn chế số lượng chi nhánh. Nhiều ĐBQH ủng hộ phương án thứ hai.
Về quy định doanh nghiệp đưa người đi lao động ở nước ngoài phải ký quỹ, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) đề nghị: Như ở Trung Quốc, quy định mức ký quỹ tối thiểu là 500.000 nhân dân tệ. Cũng nên quy định rõ việc quản lý quỹ này ra sao để trong trường hợp quyền lợi của người lao động bị xâm phạm, có thể chi trả ngay cho họ.
MINH GIANG