
Hôm qua 28-7, dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) thống nhất đã được Chính phủ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến với hàng loạt đổi mới.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, dự luật này mang tư tưởng chủ đạo là tiếp tục duy trì, mở rộng và phát triển quyền tự do kinh doanh: nhà đầu tư và DN thuộc mọi thành phần kinh tế, DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài đều có quyền đầu tư và kinh doanh tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm, có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, được lựa chọn, thay đổi hình thức quản lý nội bộ, hình thức đầu tư thích ứng với yêu cầu kinh doanh và được Nhà nước bảo hộ.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh: “Nhà nước tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh hợp pháp của DN, áp dụng phổ biến chế độ đăng ký (thay cho cấp phép), xóa bỏ những quy định “xin - cho”, “phê duyệt”, “chấp thuận” bất hợp lý, gây phiền hà cho DN”.
- Không nên tiếp tục phân biệt DNNN và DN khác

Tại Hội thảo lấy ý kiến dự án Luật doanh nghiệp thóng nhất.
Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có thuộc đối tượng điều chỉnh của luật? Sau khi xem xét kỹ dự luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho rằng đã nổi lên “một vấn đề rất lớn”: đó là Luật DN thống nhất chỉ thay thế Luật DN năm 1999, mà không thay thế cả Luật DNNN năm 2003. Ông hỏi: “Vậy soạn thảo ra luật mới này làm gì?”.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu, tư tưởng chỉ đạo của Quốc hội là xây dựng Luật DN thống nhất phải thay thế cho 2 đạo luật về DN hiện nay nên làm không đúng tinh thần này thì khi trình ra Quốc hội sẽ “khó”.
Theo dự thảo được Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trình ra UBTVQH, phạm vi điều chỉnh của Luật DN thống nhất không đề cập đến DNNN. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế-Ngân sách của QH cho biết ủy ban này không đồng tình, và đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của luật quy định việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN. Đồng thời, đưa DNNN vào đối tượng áp dụng của luật.
“Không nên tiếp tục có sự phân biệt về pháp luật giữa DNNN và các DN thuộc các thành phần kinh tế khác” – ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của QH nói. Tham gia thảo luận, Phó Ban chỉ đạo sắp xếp, đổi mới DNNN Trung ương Hồ Xuân Hùng cho biết, trong những ngày qua, ông nhận được nhiều ý kiến băn khoăn: DNNN có ở ngoài “cuộc chơi” của Luật DN thống nhất?
Giải trình với UBTVQH, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc phân tích: Luật DN thống nhất là luật về tổ chức DN, quy định về thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các loại hình pháp lý của DN, không phân biệt thành phần kinh tế. Do vậy, luật này chỉ có thể thay thế phần quy định về tổ chức và quản lý công ty nhà nước đang được điều chỉnh theo Luật DNNN năm 2003.
Luật DNNN năm 2003 có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, cơ quan đại diện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với DN. Do đó, chỉ đưa một chương riêng về DNNN trong Luật DN thống nhất sẽ chưa giải quyết được hết các vấn đề đang điều chỉnh trong hệ thống pháp luật về DNNN; và công ty nhà nước về cơ bản vẫn phải tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật DNNN năm 2003.
Bộ trưởng Phúc khẳng định: “Nếu đưa quy định về DNNN trong Luật DN thống nhất, không những sẽ không tạo ra được luật “chung và thống nhất” không phân biệt thành phần kinh tế, mà trái lại có thể tạo ra sự chồng chéo, trùng lắp và kém ổn định của hệ thống pháp luật”.
- DNNN sẽ hoạt động theo Luật DN thống nhất sau 3 năm?
Những điểm đổi mới căn bản của dự thảo Luật DN thống nhất |
“Nhưng nếu cùng thực hiện song song 2 luật về lâu dài là không được” – Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu phản bác. Lập tức, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trấn an: “Chúng tôi đã tính đến phương án chuyển đổi dần dần, sau khi chuyển đổi DNNN sẽ hoạt động theo Luật DN thống nhất”.
Ông Phúc cũng cho hay, theo tính toán của Chính phủ, 3 năm sau khi Luật DN thống nhất có hiệu lực (dự kiến từ 1-7-2006), toàn bộ DNNN hiện nay sẽ được chuyển đổi. Theo ông Hồ Xuân Hùng, hiện nay cả nước còn khoảng 3.000 DNNN chưa được chuyển đổi. Theo dự kiến, đến thời điểm Luật DN thống nhất có hiệu lực, con số này sẽ giảm xuống khoảng 1.800 DN.
Trao đổi tiếp về vấn đề này, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu vẫn kiên quyết giữ quan điểm: “Cần có thêm quy định về lộ trình chuyển đổi trong Luật DN thống nhất, và phải rõ quan điểm, từ nay không thành lập DNNN mới theo Luật DNNN năm 2003”.
Đồng tình về vấn đề này, nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của QH Tào Hữu Phùng cho rằng, lộ trình 3 năm để chuyển đổi hết DNNN là không khả thi. Ông lý giải: “Ở bất cứ nước nào, cũng đều phải giữ lại một tỷ lệ các DNNN ở các vị trí then chốt. Vì thế, cần phải có các quy định về đặc thù riêng của DNNN trong Luật DN thống nhất”.
Ông Đặng Văn Thanh cũng tỏ ra nghi ngờ về việc chuyển đổi tới 3.000 DNNN chỉ trong 3 năm. Thực tế hơn, ông Hồ Xuân Hùng chỉ rõ: Trong số 3.000 DNNN chưa chuyển đổi, có khoảng 450 DN thuộc lĩnh vực “nhạy cảm”, chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH 1 thành viên là rất “nan giải”. Nhưng ông Hùng nói: có quyết tâm là sẽ làm được, và cần đưa ra một lộ trình như vậy để làm sức ép đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới DNNN.
BẢO MINH