Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hỗ trợ

“Hơn 90% doanh nghiệp nước ta nói chung và TPHCM nói riêng là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trong bối cảnh doanh nghiệp ngoại (mạnh cả vốn và năng lực) đang ồ ạt đầu tư vào nước ta, doanh nghiệp nội sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Đó là khẳng định đại diện Sở Công thương TPHCM vừa đưa ra tại cuộc họp bàn giải pháp phát triển sản phẩm chủ lực cho doanh nghiệp thành phố. 

Yếu cả nội lực lẫn ngoại lực Hiện trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, DNNVV chiếm đa số nên khi xét về quy mô doanh nghiệp rất khó so sánh hoặc cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài vốn có quy mô toàn cầu. Về công nghệ, hiện đa số DNNVV chưa tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, trình độ khoa học công nghệ và năng lực đổi mới còn thấp. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ rất ít, máy móc và công nghệ sử dụng trong các DNNVV phần lớn đã lạc hậu. Chưa kể, chất lượng nguồn lao động trong các DNNVV còn thấp, đa số chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đội ngũ quản lý cũng ít được đào tạo về kiến thức kinh tế và quản trị doanh nghiệp, các lớp về pháp luật trong kinh doanh... Điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc lập chiến lược phát triển, định hướng kinh doanh và quản lý, phòng tránh rủi ro pháp lý của các doanh nghiệp. Một yếu tố khác là năng lực tiếp cận với các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế trong kinh doanh của đa số doanh nghiệp còn hạn chế, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn là do chủ quan. Các DNNVV chưa thực sự tìm hiểu các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế để nâng cao năng lực trong kinh doanh nên thường gặp nhiều rủi ro trong giao dịch thương mại.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hỗ trợ ảnh 1 Nhiều DNNVV của Việt Nam rất cần hỗ trợ vốn và công nghệ để mở rộng quy mô sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường
  Về yếu tố khách quan, doanh nghiệp nội, nhất là doanh nghiệp tại TPHCM, đang vấp phải hàng loạt rào cản từ sự quá tải về cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông do dân số gia tăng quá nhanh (cứ 5,5 năm, dân số TPHCM tăng thêm 1 triệu người, bằng 1 tỉnh trong cả nước). Thành phố còn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nguy cơ ngập nước nghiêm trọng đã gây trở ngại cho sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố; ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Dù các cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động đã được quan tâm thực hiện, nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn. Chẳng hạn công tác cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến nhưng chưa đồng bộ và hiệu quả đạt không cao, chưa tạo ra sự hài lòng thật sự cho doanh nghiệp và người dân thành phố.
Cải thiện hạ tầng lẫn chính sách hỗ trợ Để doanh nghiệp cải thiện năng lực phát triển, ở góc độ doanh nghiệp nước ngoài, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, cho rằng Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cần hoạch định chính sách cởi mở, minh bạch và hướng đến phát triển bền vững. Các nhân sự cấp cao cần nâng cao năng lực, đặc biệt trong bối cảnh thành phố có cơ chế đặc thù. Còn đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc nhấn mạnh, Việt Nam cần phát triển ngành logistics, giảm chi phí vận tải để doanh nghiệp có thể cạnh tranh và phát triển. Ngoài ra, các lĩnh vực thuế, hải quan cần ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, số hóa trong tất cả vùng, miền của Việt Nam. TS Huỳnh Thanh Điền (Đại học Nguyễn Tất Thành) cho rằng, thành phố cần tạo ra cơ chế trợ giúp doanh nghiệp, tập trung kết nối doanh nghiệp sản xuất phụ trợ với doanh nghiệp đầu cuối, thông qua việc nâng cao năng lực của các hội doanh nghiệp theo hướng giữ vai trò tập hợp các DNNVV. Qua đó, giúp doanh nghiệp nói lên tiếng nói của họ, năng lực của họ, những gì họ có thể làm nhằm tạo lợi thế theo quy mô lớn để tiếp cận chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp lớn. Đồng thời, sớm hình thành các cơ sở dữ liệu, trung tâm kết nối cung cầu sản phẩm hỗ trợ. Bởi hiện nay các doanh nghiệp đầu cuối FDI còn e ngại khi đặt hàng vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng, tiến độ, số lượng. Vì thế mà đơn hàng sản xuất nhỏ, chủ yếu là làm thử, không tạo sự hấp dẫn cho từng DNNVV. Còn DNNVV cung ứng hỗ trợ thì không nắm được thông tin và các tiêu chuẩn sản phẩm từ doanh nghiệp lớn.  Việc liên kết giữa trường, viện với doanh nghiệp trong phát triển công nghệ và đào tạo nhân lực cũng cần tính đến. Theo đó, các hội ngành nghề giữ vai trò tổng hợp các vấn đề cần nghiên cứu công nghệ, các yêu cầu về nhân lực từ doanh nghiệp để đặt hàng các trường, viện và nhà khoa học. Trên cơ sở đó, trường, viện, nhà khoa học sẽ thực hiện các đề tài nghiên cứu, thiết kế chương trình, phát triển đội ngũ để đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trên thực tế, việc phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực đang là nỗ lực đơn phương của các trường, viện, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước về khoa học. Trong khi đó, doanh nghiệp là đối tượng sử dụng kết quả nghiên cứu, sản phẩm đào tạo, song lại chưa tham gia vào tiến trình này. Cuối cùng là tổ chức thực hiện được liên kết giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp thông qua các chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, các chương trình cho vay tín chấp theo hướng các hiệp hội đảm nhận vai trò bảo lãnh uy tín trả nợ cho doanh nghiệp. Hiện nay, các tổ chức tín dụng ngại cho DNNVV vay vì thiếu tài sản đảm bảo, hạn chế trong chứng minh tính khả thi của dự án và khả năng trả nợ. Khi DNNVV được kết nạp vào hội, được hội phân chia cho thị phần và cơ hội kinh doanh thì đảm bảo các đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp sẽ ổn định hơn. Nếu hội làm được như vậy thì tính khả thi của các chương trình kết nối ngân hàng vào doanh nghiệp sẽ được đảm bảo.

Tin cùng chuyên mục