Liên quan vụ 23 DN nhập khẩu ô tô bị nghi vấn gian lận thuế

Doanh nghiệp phá sản hay nhà nước mất thuế?

Doanh nghiệp phá sản hay nhà nước mất thuế?

Như báo SGGP đã đưa tin, Tổng cục Hải quan đã ra công văn thông báo 23 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô tô bị xếp vào diện nghi vấn trong gian lận tính thuế. Hôm qua 9-5, trong cuộc đối thoại với lãnh đạo Tổng cục Hải quan tại Hà Nội, các DN này đã phản đối thông báo trên và cho rằng đã kê khai đúng hợp đồng mua bán; nếu bị truy thu thuế thì “chỉ có nước phá sản”. Trong khi đó, lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định đã có chứng cớ về việc DN gian lận thuế.

  • Hải quan làm sai, DN sẽ phá sản?
Doanh nghiệp phá sản hay nhà nước mất thuế? ảnh 1

Theo ông Bùi Huy Thức, Giám đốc Chi nhánh Công ty XNK thiết bị toàn bộ và kỹ thuật tại Hải Phòng – một đơn vị trong “danh sách đen”, từ cuối năm 2004 và đầu năm 2005, DN này đã nhập 45 chiếc xe nguyên chiếc 5 - 8 chỗ ngồi qua cửa khẩu cảng Hải Phòng.

“Hải quan đã có thông báo thuế chính thức là chúng tôi đã nộp thuế đầy đủ và được cấp Giấy chứng nhận nguồn gốc xe. Xe cũng đã bán hết, nhưng sau đó, họ lại yêu cầu chúng tôi tham vấn về các tờ khai nhập khẩu, và kể từ 4-4-2005, Cục Hải quan Hải Phòng đã liên tục ra các thông báo kết quả tham vấn giá tính thuế, bác bỏ các trị giá khai báo của chúng tôi. Cơ quan hải quan cũng liên tiếp ra các quyết định điều chỉnh tăng thuế với số tiền gần 13 tỷ đồng” – ông Thức kể, và cho rằng cách làm của Hải quan là không đúng quy định, vì mặt hàng công ty ông nhập khẩu “đủ điều kiện áp dụng phương pháp xác định trị giá tính thuế theo trị giá giao dịch” và “không thuộc diện bảo lưu áp dụng hạn chế giá tính thuế tối thiểu để bảo vệ lợi ích của nhà nước và sản xuất trong nước” theo Nghị định số 60/NĐ-CP của Chính phủ.

Một số DN khác cũng phản ánh việc thông báo thuế và cưỡng chế đã làm cho họ phải tạm ngừng hoạt động. Nếu thực hiện đúng yêu cầu của Tổng cục Hải quan, mỗi DN phải nộp thêm từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng, các DN sẽ đều đi đến phá sản vì không đủ tiền thuế để nộp, vì lợi nhuận nhập một chiếc xe ô tô trung bình chỉ đạt 500 USD/chiếc.

Ông Phạm Sơn Động, Giám đốc Công ty TNHH Minh Đạo (Hà Nội) cho hay, công ty của ông nhập khẩu 11 xe Toyota Parado, đã nộp gần 8 tỉ đồng tiền thuế, nhưng sau đó đã bị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III ra quyết định phải nộp bổ sung thuế trên 4,36 tỉ đồng. “Chúng tôi có thể phá sản vì quyết định này” – ông Động nói.

  • Hải quan sẽ đưa ra chứng cứ

Trả lời kiến nghị của DN, bà Đặng Thị Bình An, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định rằng, kể từ tháng 10-2004, ngành Hải quan đã không sử dụng bảng giá tối thiểu để xem xét, mà dựa theo điều 7 của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), xem xét giá tính thuế nhập khẩu theo giá thực tế giao dịch trên môi trường cạnh tranh bình thường. Về thời gian tính thuế, theo bà An, cơ quan hải quan có quyền xem xét lại trong thời hạn 5 năm chứ không phải 5 ngày, nếu phát hiện có gian lận về thuế, có sự không chính xác trong kê khai, tính thuế...

Bà An khẳng định, nếu có sai sót trong việc thực hiện quy trình, Tổng cục Hải quan sẽ “chấn chỉnh, sửa đổi”. Tuy nhiên, theo bà An, những mức giá mà cơ quan Hải quan đã đưa ra, yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế là “có căn cứ”, trên cơ sở những thông tin thu thập được từ Cục Cảnh sát Kinh tế, từ việc hợp tác với Hải quan các nước, từ mức giá bán của các hãng sản xuất, kinh doanh ở các nước, hoặc trên thị trường nội địa...

Bà An cũng không ngần ngại đề cập tới các biện pháp mà cơ quan bảo vệ pháp luật có thể áp dụng với DN để truy thu lại thuế cho nhà nước. “Chúng tôi không nói gì, không có nghĩa chúng tôi sai. Nếu chỉ đạo sai chúng tôi cũng mất chức. Còn nếu các anh chứng minh được giá của các anh đúng thì không phải sợ gì cả” – bà An nói.

Vậy là câu chuyện giữa hải quan và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô vẫn chưa có hồi kết!

BẢO MINH
 

Tin cùng chuyên mục