- Giá điện không nên tăng đột biến và đồng loạt
Hôm qua 24-10, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2006 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2007. Bên hành lang kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của QH Tào Hữu Phùng đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
- Phóng viên: Phát biểu trước Quốc hội, ông cho rằng dự toán thu ngân sách của Chính phủ là chưa sát?
- Ông TÀO HỮU PHÙNG: Tôi nhất trí với đánh giá của Chính phủ về số ước thu ngân sách Nhà nước năm 2006, nhưng theo kinh nghiệm của nhiều năm, thì thực tế sau khi đánh giá trình Quốc hội tại kỳ họp này, và số đánh giá vào cuối năm bao giờ cũng có sự chênh lệch.
Theo tôi, mức ước thực hiện của Chính phủ trong năm 2006 có thể cao hơn từ 3.000 đến 4.000 tỷ đồng nữa thì mới sát thực tế. Giá dầu hiện nay đang biến động, nhưng sắp tới sẽ còn tăng nữa. Như thế, dự toán thu năm 2007 cũng sẽ tăng thêm khoảng 6.000 - 8.000 tỷ đồng nữa mới sát thực tế, thu mới tăng nhanh hơn chi, ngân sách mới lành mạnh.
- Thưa ông, đó là chưa tính đến thất thu thuế, nợ đọng thuế hiện còn rất lớn?
- Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nợ đọng 5.691 tỷ đồng; còn nợ đọng thuế nội địa là 4.210 tỷ đồng, trong đó có khoảng 2.000 tỷ đồng vẫn có thể thu hồi được. Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo truy thu số thuế nợ đọng, không để phát sinh nợ mới. Có được thêm khoản này, sẽ có thêm nguồn chi. Với những địa phương khó khăn, có thêm 200-300 tỷ đồng cũng giúp họ được rất nhiều.
- Để giảm gánh nặng bù lỗ của ngân sách, Chính phủ đã đề ra phương án điều hành giá cả một số mặt hàng thiết yếu. Ông có đồng tình với phương án này?
- Năm 2007, cần đẩy nhanh tiến độ xóa bù lỗ đối với mặt hàng dầu. Mặt hàng xăng thì tuyệt đối không bù lỗ nữa, thực hiện điều chỉnh giá xăng theo giá thị trường thế giới. Với giá điện thì nên tăng theo lộ trình do Chính phủ xây dựng, bảo đảm có nguồn tài chính đầu tư thêm các nhà máy điện. Tuy nhiên, giá điện cần tăng từ từ, không nên tăng đột biến. Theo tôi, trước hết nên tăng giá với điện sản xuất; còn điện sinh hoạt của người dân thì tính mức tăng theo giờ cao điểm, giờ thấp điểm, không nên tăng đồng loạt. Vừa mới tăng lương xong mà tăng giá ngay thì không ổn.
- Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội nói rằng năm 2007 sẽ “không bù lỗ tràn lan”. Có thể hiểu điều này thế nào, thưa ông?
- Nghĩa là chỉ bù lỗ cho những lĩnh vực nào thật cần thiết cho cộng đồng, mà nếu không bù lỗ thì không hoàn thành được, ví dụ như xe buýt. Còn xăng chẳng hạn thì không bù lỗ, chỉ bù lỗ phần nào với dầu diesel vì đây là nguyên liệu phục vụ sản xuất. Sắp tới, đối với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, Quốc hội đang đề nghị là không miễn giảm thuế nữa, buộc các doanh nghiệp này phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
- Theo ông thì cần điều hành giá xăng theo giá thị trường thế giới. Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ, trong điều kiện hiện nay, điều này là không thể được, bởi lẽ từ khi ký hợp đồng nhập khẩu đến khi xăng về đến Việt Nam đã mất 15 ngày, khi đó giá thế giới có khi đã biến đổi khác?
- Vấn đề đó phụ thuộc vào nghệ thuật kinh doanh. Cho dù có cái khó như thế nhưng nếu có đối sách phù hợp thì vẫn có thể áp dụng được. Bây giờ chúng ta sắp gia nhập WTO, không gắn với diễn biến giá thế giới làm sao được. Việc cần bây giờ là làm thế nào để khắc phục khó khăn đó. Đã hội nhập, doanh nghiệp phải tự bơi, không thể trông mãi vào “phao đỡ” của Nhà nước.
- Xin cảm ơn ông!
BẢO MINH