Lần đầu tiên, dự thảo Nghị quyết về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoàn chỉnh. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, với tư cách là trưởng ban chỉ đạo đã trình Bộ Chính trị. Nghị quyết được thông qua sẽ là món quà tinh thần đầy ý nghĩa cho Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay.
Có lẽ sau bức thư của Bác Hồ động viên giới công thương tham gia Công thương cứu quốc đoàn vào ngày 13-10-1945, đã được Thủ tướng quyết định chọn ngày 13-10 là ngày truyền thống Doanh nhân Việt Nam kể từ năm 2004, việc soạn thảo nghị quyết này tiếp tục khẳng định vị thế của doanh nhân trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Đây là những cột mốc quan trọng trên con đường đổi mới thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về doanh nghiệp (DN), doanh nhân. Sự nghiệp dân giàu, nước mạnh đòi hỏi phải xây dựng lực lượng xung kích hùng hậu là đội ngũ DN và doanh nhân có ý chí khao khát làm giàu cho mình và cho đất nước.
Theo VCCI, tính đến cuối năm 2009, cả nước có trên 460.000 DN, 1 triệu hộ kinh doanh đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 133 ngàn hợp tác xã, trang trại. Theo tính toán của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nếu tính bình quân mỗi DN, hợp tác xã có 2 - 3 doanh nhân và mỗi hộ kinh doanh, trang trại có một doanh nhân thì đội ngũ doanh nhân cả nước đã có gần 2,5 triệu người. Dưới sự lãnh đạo của các doanh nhân, khu vực DN đang đóng góp trên 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút trên 7,4 triệu lao động, chiếm 16,3% lực lượng lao động của toàn xã hội. DN - doanh nhân trở thành một lực lượng xã hội quan trọng.
Trên thực tế, DN - doanh nhân không chỉ là một lực lượng biết kiếm tiền, phụng sự cho chính mình, cho đất nước mà hơn lúc nào hết họ đã bắt đầu thể hiện mạnh mẽ trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội qua việc đóng góp bằng tiền của để thực hiện hàng loạt chương trình rất có ý nghĩa như: Mùa xuân biên giới, Nghĩa tình Trường Sơn, Ngôi nhà mơ ước, Vượt lên chính mình; hay hàng loạt các DN chung tay, góp sức cho Quỹ Vì người nghèo, xây trường học cho trẻ em được cắp sách đến trường… là những hình ảnh đẹp về doanh nhân Việt Nam.
Có thể nói, quan điểm chủ trương của Đảng ta đối với DN, doanh nhân trong thời kỳ đổi mới là tương đối toàn diện, phù hợp với yêu cầu khách quan của đời sống xã hội và với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng trong thực tiễn, nhận thức của xã hội cũng như việc thể chế hóa và thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về doanh nhân vẫn còn bất cập. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có được một chiến lược tổng thể phát triển DN cũng như định hướng phát huy vai trò của doanh nhân. Cơ chế chính sách phát triển DN, doanh nhân còn thiếu đồng bộ, trong nhiều lĩnh vực vẫn còn một khoảng cách khá xa với chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, các chính sách điều hành vĩ mô chưa nhất quán, còn thay đổi bất ngờ… khiến nhiều DN rơi vào tình trạng khó khăn.
Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ, trong đó doanh nhân trở thành lực lượng quan trọng trong công cuộc phát triển và cạnh tranh giữa các quốc gia. Để có một đội ngũ doanh nhân giỏi, dẫn dắt các DN cạnh tranh tốt hơn nữa thì cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Việc soạn thảo Nghị quyết về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, có lẽ không nằm ngoài mục đích này. Tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo thuận lợi cho doanh nhân phát triển cũng là vấn đề cốt lõi để các DN - doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hải Hà