Vì thế, nhiều doanh nghiệp xem việc tìm kiếm cơ hội tăng trưởng ngành hàng FMCG hiện nay là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh.
Cửa hàng tiện lợi 24h với thương hiệu Cheers
Ngành thực phẩm tăng trưởng nhanh
Báo cáo “Những bước chuyển trong ngành hàng thực phẩm” vừa được công bố trong tháng 5-2018 bởi Nielsen - Công ty Đo lường hiệu quả kinh doanh toàn cầu cho thấy doanh số toàn cầu của ngành hàng thức ăn nhẹ đạt mức tăng trưởng 3,4 tỷ USD trong năm 2017.
Tại Việt Nam, ngành hàng thực phẩm là 1 trong 3 nhóm tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2017. Dữ liệu đo lường bán lẻ của Nielsen tại cả 2 kênh truyền thống và hiện đại tại Việt Nam đã chỉ ra rằng, doanh số ngành hàng thực phẩm năm 2017 tăng trưởng 7% so với năm 2016, đóng góp 16,3% vào tổng doanh số của FMCG. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ hơn 2 nhóm chính của ngành hàng thực phẩm, các sản phẩm thuộc nhóm thông dụng hàng ngày (regular categories) như mì gói, nước tương, dầu hào, nước mắm, bột ngọt, bột nêm… lại không thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ như nhóm sản phẩm được mua “ngẫu hứng” (impulse categories) gồm bánh quy, bánh xốp mềm, snack… Trong đó, sản phẩm snack tăng trưởng ấn tượng, đạt mức tăng trưởng 21% trong năm 2017.
Theo ông Nguyễn Anh Dzũng - Giám đốc cấp cao bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ, Nielsen Việt Nam - các sản phẩm snack tại nhiều thị trường trên toàn cầu đều tăng trưởng mạnh trong các năm qua do nhu cầu của người tiêu dùng, chứ không riêng gì thời gian gần đây. Các sản phẩm này được sử dụng ngay để thỏa mãn sự tận hưởng của người tiêu dùng. Sự tăng trưởng ấn tượng này là dấu hiệu tốt cho thấy người tiêu dùng đã sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, vượt trên cả chi tiêu cho các sản phẩm phục vụ nhu cầu cấp thiết mỗi ngày. Điều này đã và đang tạo ra cơ hội tuyệt vời cho các nhà sản xuất FMCG tại nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam.
Trong năm 2017, đã có hơn 2.000 sản phẩm mới được các nhà sản xuất thực phẩm tung ra thị trường toàn cầu; đồng thời, các đơn vị sản xuất kinh doanh rất chủ động trong việc giới thiệu sản phẩm mới đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, thống kê trên thực tế không quá 15% trong số đó đạt được thành công như mong đợi. Lý giải nguyên nhân, một số chuyên gia phân tích rằng, các sản phẩm thành công có điểm chung là đáp ứng được nhu cầu thỏa mãn, mang lại những trải nghiệm mới cho người tiêu dùng (thông qua các giá trị hoặc đặc tính mới mà sản phẩm cung cấp) và cuối cùng là các sản phẩm này tiếp cận người tiêu dùng ở đúng kênh phân phối.
Anh Hàng Thành Hiển (ngụ tại quận 1, TPHCM) nhận định, giá cả không phải yếu tố quan trọng nhất để định nghĩa như thế nào là cao cấp. Người tiêu dùng đang tìm kiếm sản phẩm cung cấp những giá trị mới, có chất lượng tốt và mẫu mã, bao bì đặc trưng, tạo sự đột phá. Tiếp theo, đối với người tiêu dùng trên thị trường có sự thay đổi nhanh chóng và liên tục như Việt Nam thì luôn có nhu cầu cao trong việc đáp ứng sự tiện lợi. Xu hướng này đòi hỏi các nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm phải tập trung nhiều hơn trong việc phát triển các chiến lược kinh doanh, đáp ứng nhu cầu về gói sản phẩm nhỏ, tiện lợi để mang theo sử dụng trên đường đi…
Đa dạng cửa hàng tiện lợi
Cũng theo kết quả khảo sát của Nielsen, hiện nay tại thị trường Việt Nam có khoảng 37% người tiêu dùng Việt rất quan tâm đến sức khỏe của họ, 80% quan tâm đến những tác động lâu dài mà các phụ chất nhân tạo có thể gây ra. Họ muốn biết rõ những chất cấu tạo nên thức ăn mà họ sử dụng hàng ngày (76%). Do đó, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chủ động điều chỉnh những thói quen để đảm bảo sức khỏe của bản thân. Chính vì thế, nếu nhà sản xuất có những nỗ lực xây dựng hình ảnh “tốt cho sức khỏe” sẽ đáp ứng được nhu cầu này của người tiêu dùng và thành công trên thị trường.
Mặt khác, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cũng tạo ra nhu cầu cao trong việc sử dụng sản phẩm tốt hơn, cao cấp hơn, đi kèm với chất lượng nổi bật và đem đến những trải nghiệm đặc biệt. Từ đó, số lượng cửa hàng định dạng nhỏ như cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đã được mở rộng mạnh mẽ trong 2 - 3 năm qua, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng về lối sống của người tiêu dùng Việt. Đơn cử, từ năm 2017 đến nay, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra) đã đưa vào hoạt động mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods, tích hợp kinh doanh ẩm thực và cửa hàng tiện lợi chuyên doanh thực phẩm. Với khu kinh doanh ẩm thực, tại Satrafoods có bán các loại cà phê, nước ép trái cây, sinh tố, trà sữa; các loại cơm nắm cá hồi nướng, thịt xông khói Mayo, cá ngừ bắp… với giá dao động từ 4.000 - 30.000 đồng/phần.
Tương tự, liên doanh giữa Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) của Việt Nam và NTUC Fair Price của Singapore, cũng chính thức đưa vào hoạt động cửa hàng tiện lợi 24h với thương hiệu Cheers. Đây là cửa hàng tiện lợi phục vụ 24h các loại nhu yếu phẩm, đồ dùng cá nhân, thức ăn nhanh, gồm: sandwich, sushi, cơm phần, mì, salad, trái cây tươi, đồ tráng miệng, nước giải khát, các loại bánh, kẹo trong nước và nhập khẩu. Cửa hàng Cheers còn trang bị wifi miễn phí và các dịch vụ cộng thêm tiện lợi Co.op + như thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại, truyền hình cáp; đặt vé xe, vé xem phim và gia hạn thuê bao K+; bán thẻ cào các loại; mua mã thẻ, topup nạp tiền; vay tiêu dùng và bảo hiểm. Điểm nhấn của chuỗi cửa hàng tiện lợi Cheers là có khu vực ăn uống với bàn ghế sạch sẽ, rộng rãi thoáng mát.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Thường trực Saigon Co.op, hệ thống cửa hàng tiện lợi Cheers đáp ứng tốt nhu cầu của nhóm khách thuộc giới học sinh, sinh viên và người đang đi làm, nhất là khách hàng có lối sống năng động tại các thành phố lớn. Cheers cũng hướng đến đối tượng khách hàng trẻ muốn tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tiện lợi theo xu hướng thân thiện và hiện đại. Do đó, Cheers sẽ luôn tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ mới, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Ngoài ra, Cheers còn sở hữu một lợi thế mà không phải mô hình cửa hàng tiện lợi nào ở Việt Nam cũng có, đó là sự liên kết với mô hình siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng thực phẩm của Saigon Co.op nhằm tăng quyền lợi cho khách hàng.
Báo cáo về xu hướng thị trường bán lẻ toàn cầu do Công ty Savills Việt Nam công bố cho thấy, trong năm 2017, ngành bán lẻ Việt Nam đạt doanh thu khoảng 129,6 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2016. Bên cạnh sự chuyển mình của mô hình bán lẻ truyền thống, những đầu tư về công nghệ như ứng dụng (app), điện thoại thông minh, thương mại điện tử… dẫn đến việc mua bán hàng hóa trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát Chỉ số bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Tập đoàn tư vấn A.T. Kearney, mô hình cửa hàng 24h và siêu thị nhỏ (mini-mart) là phân khúc phát triển nhanh nhất của thị trường bán lẻ Việt Nam. Trước đó, báo cáo ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) năm 2016 của Công ty Kantar Worldpanel cũng cho thấy, doanh thu của mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini ở khu vực thành thị tăng mạnh và đang là lực tăng trưởng chính.