
Ngày 7-2-2006, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ. Tham dự có các đồng chí: Phạm Phương Thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Lê Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Thường trực HĐND và Trưởng ban HĐND của 9 tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường và giữa hai kỳ họp; thẩm tra, phân bổ ngân sách; tiếp công dân, giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Báo SGGP trích đăng một số ý kiến.
Ông Vũ Đức Thành, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương:
Bồi dưỡng kỹ năng thu thập, xử lý thông tin cho các đại biểu HĐND

Cầu Chợ Cầu quận 12 - công trình được các đại biểu HĐND TPHCM giám sát và chất vấn trong kỳ họp.
Thực tiễn hoạt động của HĐND các cấp trong thời gian qua cho thấy vị trí, vai trò của HĐND đã có những chuyển biến tích cực. HĐND đã quyết định nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng ở địa phương, đồng thời giám sát các hoạt động của cơ quan hành chính, tư pháp cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, thực hiện các nghị quyết của HĐND và từng bước làm tốt công tác dân nguyện.
Tuy nhiên, địa vị pháp lý của HĐND còn bộc lộ nhiều bất cập trong cả hoạt động thực tiễn và trong các quy định của pháp luật. Vai trò của HĐND vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ…
Điều này nếu chỉ đòi hỏi một chiều là trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và theo quy định của pháp luật, HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND và đại biểu HĐND phải cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức, phương thức hoạt động để từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND thì cũng chưa đủ. Vấn đề cốt lõi là phải bảo đảm địa vị pháp lý của HĐND thực sự là cơ quan quyền lực ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân…
Hiện nay, có một vấn đề khó khăn trong hoạt động của HĐND là còn ít đại biểu hoạt động chuyên trách hoặc đại biểu ngoài công chức, phần lớn các đại biểu đều hoạt động kiêm nhiệm và từ các cơ quan chuyên môn thuộc UBND. Các vị đại biểu này phải tập trung hết sức lực để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao nên không còn nhiều thời gian cho hoạt động HĐND; thậm chí có đại biểu còn xem nhẹ trách nhiệm của người đại biểu dân cử.
Một khó khăn khác là trong một nhiệm kỳ 5 năm, số đại biểu HĐND mới trúng cử chiếm tỷ lệ khoảng 2/3 tổng số đại biểu nên kinh nghiệm hoạt động chưa nhiều, điều kiện tham dự các lớp bồi dưỡng, đào tạo tổ chức rất hạn chế. Trong khi đó, khối lượng văn bản, tài liệu của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong một nhiệm kỳ là rất lớn. Nếu không có khả năng thu thập, phân tích, xử lý các nguồn thông tin thì sẽ rất khó khăn trong hoạt động HĐND. Việc bồi dưỡng kỹ năng thu thập, xử lý thông tin cho các đại biểu HĐND là hết sức cần thiết.
Bà Hoàng Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng:
Chẻ nhỏ những vấn đề thảo luận trong giao ban
Trước mỗi lần giao ban, Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng thường tổ chức một đoàn công tác gồm thường trực, các trưởng, phó ban HĐND và Văn phòng HĐND tỉnh đi làm việc với một số huyện để nắm tình hình và tìm hiểu trước những khó khăn. Tại đó, đoàn trực tiếp tháo gỡ một số vướng mắc.
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo một số vấn đề nổi lên của đoàn công tác, Thường trực HĐND tỉnh quyết định chủ đề chung của hội nghị giao ban để các HĐND huyện, thị xã chuẩn bị trước những nội dung cần đưa ra thảo luận. Để các đại biểu tham dự đều góp ý kiến, Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND góp ý thảo luận bằng cách chẻ nhỏ những vấn đề thảo luận. Nội dung chính các hội nghị giao ban tập trung những vấn đề: công tác thẩm tra báo cáo, đề án trình ra kỳ họp, công tác tổ chức tiếp xúc cử tri…
Ông Võ Lê Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An:
Sau mỗi cuộc giám sát đều kiến nghị cụ thể
Ngay từ đầu năm, Thường trực HĐND tỉnh Long An đã xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra. Nội dung giám sát được chọn lọc, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, bức thiết và yêu cầu của từng kỳ họp. Đoàn giám sát được tổ chức gọn, gồm đại diện Thường trực HĐND, UBMTTQ, các trưởng ban HĐND tỉnh, lãnh đạo cơ quan chuyên môn tỉnh có liên quan và chính quyền địa phương nơi đoàn giám sát. Sau mỗi cuộc giám sát, Thường trực HĐND tỉnh có thông báo kết quả giám sát và kiến nghị cụ thể đối với các ngành chức năng nhằm giúp các đơn vị kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc.
LÊ ĐỖ - THÙY TRANG
Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM: Tạo cơ chế cho các địa phương liên kết với nhau Cho đến nay, các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và TPHCM là khu vực kinh tế phát triển có hiệu quả của nước ta. Với diện tích 28.000km2 (chiếm 8,6% diện tích cả nước), dân số chiếm 15,2% cả nước, khu vực kinh tế này đã thu hút 40% tổng vốn đầu tư trong nước, 60% tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tỷ lệ đầu tư/GDP chiếm 50%, cao 1,5 lần so với cả nước…Nhưng khu vực này cũng có một số khó khăn, tồn tại như : việc phối hợp xây dựng quy hoạch phát triển vùng, các ngành trong vùng còn chậm; cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch; thiết bị, công nghệ chậm đổi mới và không đồng đều; chất lượng sản phẩm chưa cao; sự chênh lệch giữa các tỉnh, thành phố còn khá lớn… Do vậy, việc chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố sẽ góp phần cho lãnh đạo địa phương có chủ trương phát triển phù hợp, tạo cơ chế cho các địa phương liên kết với nhau để phối hợp đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở từng địa phương trên cơ sở phân công và hợp tác có hiệu quả giữa các tỉnh, thành phố trong vùng theo quy hoạch chung. |