Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM

Đội Thanh tra xây dựng cơ động “chia lửa” với quận - huyện

Đội Thanh tra xây dựng cơ động “chia lửa” với quận - huyện

Thực hiện quyết định của UBND TPHCM, Đội Thanh tra xây dựng cơ động (TTXDCĐ) trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM (60 Trương Định, quận 3), sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 5-2006. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hoạt động của Đội TTXDCĐ trên địa bàn TPHCM, chúng tôi đã gặp bà Hồ Thị Kim Loan, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM, để trao đổi về việc này.

- PV:
Sự ra đời của Đội TTXDCĐ sẽ giúp ích gì cho người dân, thưa bà?

Đội Thanh tra xây dựng cơ động “chia lửa” với quận - huyện ảnh 1
Bà Hồ Thị Kim Loan

- Bà HỒ THỊ KIM LOAN: Đội TTXDCĐ có chức năng kiểm tra hoạt động của các đội QLTTĐT, tổ QLTTĐT trên địa bàn quận - huyện, phường - xã - thị trấn; tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân qua đường dây nóng, các phương tiện thông tin đại chúng; trực tiếp kiểm tra hoặc thông báo, phối hợp với các Đội QLTTĐT quận - huyện kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng theo quy định của pháp luật (nếu hành vi vi phạm đó đã được phản ánh nhiều lần nhưng địa phương không xử lý). Đội TTXDCĐ không những có trách nhiệm góp phần lập lại trật tự trong xây dựng mà còn giúp nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật: xây dựng phải có giấy phép và đúng theo giấy phép.

- Cùng công việc xử phạt vi phạm về xây dựng, liệu có dẫn đến sự chồng chéo, giẫm chân lên nhau giữa cấp TP và quận - huyện?

- Hiện 24 quận - huyện đều có Đội QLTTĐT trực thuộc UBND quận - huyện. Việc kiểm tra xây dựng trái phép của các chủ đầu tư trên địa bàn thuộc trách nhiệm chủ yếu của đội QLTTĐT quận - huyện (lĩnh vực xây dựng là một trong những công việc mà Đội QLTTĐT đảm trách). Nếu đúng thẩm quyền, đội QLTTĐT quận - huyện sẽ lập biên bản chuyển cho chủ tịch UBND quận - huyện ra quyết định xử phạt. Trong quá trình kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm nào không thuộc thẩm quyền của mình, Đội QLTTĐT quận - huyện sẽ lập hồ sơ chuyển đến Chánh Thanh tra Sở Xây dựng - nếu thuộc thẩm quyền quản lý của ngành xây dựng - hoặc chuyển lên UBND TP - nếu hành vi vi phạm đó thuộc thẩm quyền của TP. Giám đốc Sở Xây dựng TP sẽ ban hành quy chế hoạt động của Thanh tra Sở, trong đó có xác lập mối quan hệ phối hợp giữa Đội TTXDCĐ của Sở với các đội QLTTĐT quận - huyện.

- Theo bà, Đội TTXDCĐ sẽ góp phần cải thiện tình hình xây dựng trái phép?

Đội Thanh tra xây dựng cơ động “chia lửa” với quận - huyện ảnh 2
Nhà xây dựng trái phép tại quận 8. Ảnh: C.TH.

- Với 20 thành viên ban đầu, Đội TTXDCĐ sẽ không đủ sức và cũng không có chức năng kiểm tra xử lý tất cả những hành vi vi phạm về xây dựng ở 24 quận - huyện thay cho các đội Quản lý trật tự đô thị (QLTTĐT) quận - huyện. Đội TTXDCĐ được chia thành những tổ sẽ đi tuần tra, kiểm tra tình hình xây dựng trên địa bàn TPHCM. Quá trình đi kiểm tra 24 quận - huyện, Sở Xây dựng sẽ có cơ chế phối hợp giữa Đội TTXDCĐ với các đội QLTTĐT quận - huyện: nếu phát hiện những hành vi vi phạm thuộc quận - huyện nào mà quận - huyện đó chưa kiểm tra, xử lý, Đội TTXDCĐ sẽ yêu cầu địa phương xử lý hoặc phối hợp với địa phương xử lý vi phạm hành chính về xây dựng; nếu phát hiện những hành vi vi phạm nào thuộc thẩm quyền xử lý của Chánh Thanh tra Sở, Đội TTXDCĐ sẽ lập biên bản vi phạm trình Chánh Thanh tra Sở ban hành quyết định xử phạt.

- Nếu Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP ban hành quyết định thì cơ quan nào có trách nhiệm thi hành?

- Cái khó hiện nay của Sở Xây dựng TP chỉ có lực lượng kiểm tra xử phạt, chứ không có lực lượng cưỡng chế. Lãnh đạo Sở Xây dựng sẽ kiến nghị UBND TP xin cơ chế phối hợp với quận - huyện trong việc cưỡng chế nếu chủ công trình không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả (buộc khôi phục hiện trạng)

- Xin cảm ơn bà.

Tin cùng chuyên mục