
Trận động đất và sóng thần vừa xảy ra ở Nam Á và Đông Nam Á có thể nói là thảm họa thiên nhiên lớn nhất kể từ bốn thập kỷ qua. Nằm trong khu vực châu Á, liệu Việt Nam có phải gánh chịu những hậu quả thiên tai đang hoành hành trong thời gian tới? Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thủy, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu xung quanh vấn đề trên.
- Ông có thể cho biết về thực tế nghiên cứu động đất ở Việt Nam của Viện Vật lý Địa cầu?
- Hiện nay chúng tôi đã hoàn thành bản đồ động đất ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi có hai đề tài cấp Nhà nước (năm 1994 và 2004) về nghiên cứu động đất.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thủy, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu.
Ở nước ta, chúng tôi chia ra nhiều khu vực có động đất. Trong đó, khu vực dự báo động đất mạnh nhất là Tây Bắc. Cụ thể, năm 1935, Điện Biên xảy ra động đất 6,8 độ richter. Năm 1983, xảy ra động đất ở Tuần Giáo mạnh 6,7 độ richter.
Tiếp đó là khu vực dọc các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Đáy… với mức độ nhẹ hơn. Năm 1954, động đất ở Lục Yên với 5,5 độ richter. Năm 1958, Vĩnh Phúc xảy ra động đất 5,7 độ richter. Đi dọc các sông ngòi, kênh rạch và đới ven biển miền Trung mức độ chấn động giảm dần…
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực các cơn địa chấn gây động đất ở Việt Nam đạt mức độ trung bình. Tính tới nay, chúng tôi có 14 trong 26 trạm đo địa chấn có thể dùng sóng radio thu được tín hiệu địa chấn gửi về trung tâm hằng ngày. Tuy nhiên thông tin được cập nhật còn hạn chế do các trạm còn lại phải gửi thông tin qua đường bưu điện.
- Hiện nay Việt Nam có 26 trạm đo địa chấn, theo ông số lượng như vậy đã đủ để đảm bảo dự báo động đất chưa?
- Theo tôi, Việt Nam cần phải có 50 trạm đo địa chấn. Với số lượng 26 trạm hiện có là thiếu. Riêng Tây Bắc đã có 10 trạm, Hòa Bình có 4 trạm, Hà Nội có 9 trạm. Còn lại 3 trạm được đặt tại Đà Lạt, Nha Trang và Huế. Tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng cũng phải “trông người mà ngẫm đến ta”.
Nhật Bản có 3.000 trạm đo địa chấn, riêng Tokyo có 720 trạm. Mỹ cũng đặt xấp xỉ 3.000 trạm. Các nước Nam Á, Đông Nam Á có từ 30 -50 trạm. Chúng tôi đã công bố bản đồ động đất tại Hà Nội. Dự báo, nếu xảy ra động đất tại Hà Nội sẽ khoảng 6,7 – 6,8 độ richter. Ước tính, theo quy luật khoảng 50 năm ở ta sẽ có một đợt động đất.
- Ông có thể giải thích về hiện tượng sóng thần?
- Lý giải một cách chuyên môn thì sóng thần là sóng nước biển sinh ra do cộng hưởng liên quan đến hoạt động địa chấn dưới đại dương hay các quá trình địa chấn khác như núi lửa phun trào, trượt lở đất đáy biển, hoạt động thủy văn tác động ở đại dương. Phần lớn sóng thần được sinh ra do các trận động đất lớn, có trấn tiêu nông. Nguyên nhân thông thường nhất của sóng thần là do hoạt động địa chấn gây ra. Theo thống kê của thế giới, trên 2.000 năm qua, động đất đã gây ra 82,3% tất cả sóng thần ở vùng Thái Bình Dương.
- Vậy xin ông cho biết dự báo của Viện Vật lý Địa cầu về khả năng xuất hiện sóng thần ở ven biển, hải đảo Việt Nam?
- Xét trên hoàn cảnh chung của hoạt động đứt gãy kiến tạo ven biển và thềm lục địa Việt Nam và các vùng lân cận, những đứt gãy lớn có khả năng phát sinh động đất lớn và có thể là những đứt gãy phát sinh sóng thần trên biển và thềm lục địa Việt Nam là đứt gãy sông Hồng.
Theo số liệu của Trung Quốc coi động đất cực đại trên đứt gãy sông Hồng là không lớn hơn 6,0 độ richter. Như vậy theo số liệu lịch sử của Trung Quốc trong vòng gần 4.000 năm (2.000 năm trước công nguyên và 2.003 năm sau công nguyên), trên đứt gãy sông Hồng của tài liệu chưa ghi nhận trận động đất nào lớn hơn 5,5 độ richter.
Như vậy, coi động đất cực đại trên đứt gãy sông Hồng là 6,2 độ richter (mặc dù số liệu này còn nhiều người bàn cãi), nhưng với những trận động đất này xảy ra ngay trên bờ biển và hải đảo Việt Nam cũng chưa cao hơn mặt đất. Do đó, nguồn động đất này không gây nguy hiểm về sóng thần cho vùng bờ biển và hải đảo Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông.
MINH HẢI