Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển và chuyển đổi số

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau luôn cam kết khắc phục những rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản trị, sản xuất kinh doanh.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt (phải) trao biểu trưng và hoa cho doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Cà Mau năm 2023
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt (phải) trao biểu trưng và hoa cho doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Cà Mau năm 2023

Cà phê kết nối doanh nghiệp

Từ tháng 6-2023, vào sáng thứ bảy hàng tuần, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau thay phiên nhau gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tại Không gian khởi nghiệp tỉnh Cà Mau (số 28 đường Phan Ngọc Hiển, phường 2, TP Cà Mau). Qua các hoạt động gặp gỡ, trao đổi tại buổi cà phê kết nối doanh nghiệp, giúp lãnh đạo tỉnh Cà Mau nắm bắt kịp thời các vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương để từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Tỉnh Cà Mau đã và đang được Chính phủ quan tâm, chuẩn bị và đầu tư một số công trình trọng điểm như đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; đường tránh quốc lộ qua TP Cà Mau; khu tổ hợp hồ nước ngọt Khánh An (huyện U Minh); nâng cấp sân bay Cà Mau để phục vụ tuyến bay trực tiếp Cà Mau - Hà Nội và ngược lại. Đồng thời, tỉnh Cà Mau cũng kêu gọi đầu tư một số dự án có quy mô lớn như cảng biển quốc tế Hòn Khoai; Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Tường; dự án dịch vụ, thể dục thể thao tại lô A2 - Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh Cà Mau; dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ; đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, sẽ chỉ đạo khắc phục những rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường sản xuất - kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; luôn lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.

Ông Huỳnh Quốc Việt cũng kỳ vọng nhận được sự chia sẻ, đồng hành của doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư với chính quyền tỉnh trong thực hiện Đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tích cực cải thiện điểm số và thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); góp phần thực hiện thành công Đề án Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả nhất định, nhất là đối với hoạt động kinh tế số, như: tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ trên 8% (vượt so với mục tiêu đề ra năm 2023 là 8%); tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; số lượng người dân, doanh nghiệp sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt đã có bước phát triển, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch; triển khai chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau”…

Những kết quả nổi bật đã gặt hái được đưa tỉnh Cà Mau đạt 85,54/100 điểm trên Bảng chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử.

Theo ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Cà Mau, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng toàn cầu và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Cùng với chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của tổ chức, cá nhân về cách sống, cách làm việc và phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau đánh giá, dữ liệu là một yếu tố vô cùng quan trọng, phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, đồng thời là tài sản quý giá giúp doanh nghiệp có thể đưa ra các hành động nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Đặc biệt, dữ liệu có thể được sử dụng để dự đoán và dự báo các xu hướng và sự kiện trong tương lai. Dữ liệu và khách hàng đã trở thành 2 loại tài sản có giá trị nhất của doanh nghiệp trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Với tầm quan trọng của chuyển đổi số, lãnh đạo tỉnh Cà Mau mong doanh nghiệp và người dân quan tâm, cùng với chính quyền tỉnh đẩy mạnh triển khai công tác chuyển đổi số, trọng tâm là “số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi vừa ký ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại tỉnh Cà Mau năm 2024. Theo đó, triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và cộng đồng trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.

Mục tiêu phấn đấu chỉ số thương mại điện tử (EBI) của tỉnh thăng hạng và điểm số so với năm 2023; sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Cà Mau (madeincamau.com) có ít nhất 180 thương nhân trên địa bàn tỉnh tham gia; sản phẩm OCOP đạt 3 sao của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử của tỉnh…

Tin cùng chuyên mục