Động lực tăng trưởng mới


Chiều 30-7, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố Báo cáo Điểm lại - báo cáo kinh tế bán thường niên về Việt Nam của định chế tài chính này.

Bản báo cáo vừa công bố có tiêu đề “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của Covid-19”, nêu nhận định: kinh tế Việt Nam, dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 trong nửa đầu năm 2020, vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn. Trong trường hợp tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020, giúp nền kinh tế đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021. Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.

Tuy nhiên, WB nhận định, thách thức lớn của Việt Nam là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục. Động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia - sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước - khó có thể sớm quay lại như trước khủng hoảng vì vẫn còn nhiều yếu tố bất định cả trong nước và bên ngoài. Covid-19 cũng làm gia tăng bất bình đẳng vì đại dịch lần này tác động đến doanh nghiệp và người dân theo nhiều mức độ khác nhau, chẳng hạn người lao động ở các ngành dịch vụ bị giảm thu nhập hơn nhiều so với nông dân.

“Để thích nghi với trạng thái bình thường mới, các nhà hoạch định chính sách cần tìm ra hướng đi mới để bù lại cho những động lực tăng trưởng truyền thống đang yếu đi, đồng thời quản lý được tình trạng bất bình đẳng gia tăng”, bà Stefanie Stallmeister, Quyền Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, nhận định tại lễ công bố báo cáo. Tuy nhiên, nhờ đi trước các nước trong việc xử lý khủng hoảng Covid-19, Việt Nam có được cơ hội đặc biệt để tăng hiện diện của mình trên bản đồ kinh tế toàn cầu và trở thành quốc gia đi đầu trong thế giới công nghệ số của ngày mai.

WB cũng khuyến nghị ba biện pháp bổ trợ nhau mà Chính phủ cần sớm thực hiện nhằm tránh bẫy kinh tế Covid-19 và có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao, bao trùm trước đó. Đó là cân nhắc và thận trọng từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại quốc tế, cân đối với những quan ngại về an toàn.

Thứ hai là đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công hiện hành nhằm tăng cầu trong nước. Giải pháp quan trọng thứ ba là hỗ trợ có mục tiêu cho khu vực tư nhân, đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất như du lịch, chế biến chế tạo cho xuất khẩu thông qua hỗ trợ tài chính kết hợp với các chính sách khuyến khích thông minh.

Thực tế những khuyến nghị này đã và đang được Chính phủ Việt Nam triển khai thực hiện. Việt Nam trong hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đã tận dụng thời cơ để phục hồi kinh tế và đạt được mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 ở mức 1,81% trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm. Các chuyên gia nước ngoài đã được cấp phép vào Việt Nam, tuy phải tuân thủ nghiêm quy trình cách ly, phòng chống dịch.

Với đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần khẳng định sẽ có chế tài mạnh với lãnh đạo các địa phương xin vốn nhưng “để đấy không làm”. Vốn đầu tư công chậm giải ngân sẽ được điều chuyển cho các dự án làm nhanh, làm tốt để nhanh chóng phát huy hiệu quả. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ tăng 1% đầu tư công, GDP có thêm 0,06%. Nguồn vốn này thực sự là động lực quan trọng giúp Việt Nam giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng khi nhiều lĩnh vực giảm sâu vì Covid-19.

Khu vực tư nhân đã được hỗ trợ, tuy nguồn lực của đất nước còn hạn chế. Quan trọng hơn, tiến trình cải cách thể chế đã và đang được thúc đẩy để gỡ bỏ những rào cản vô lý, để mọi thành phần kinh tế tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Ở khía cạnh xã hội, nhà nước luôn nỗ lực đảm bảo trật tự và an toàn, kịp thời phát hiện và khắc phục khiếm khuyết của thị trường, hỗ trợ, nâng đỡ nhóm xã hội yếu thế để nâng cao năng lực của họ, giúp tiếp cận được cơ hội phát triển; phân phối lại thu nhập nhằm giảm bớt bất công, bất bình đẳng trong xã hội; giảm bớt khó khăn của nhóm người chịu tác động theo chu kỳ của thị trường (như phá sản, mất việc làm…).

Tất nhiên, từ ý chí đến nỗ lực thực sự luôn có khoảng cách, từ nỗ lực cho đến thành quả còn một chặng đường dài khác. Nhưng đường đã có, đã được khẳng định là đúng hướng, chỉ cần toàn bộ hệ thống chính trị và người dân đồng lòng đi thì sẽ đến.

Tin cùng chuyên mục