Hôm qua 31-7, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức mở cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Tham gia trực tiếp vào cuộc vận động này trước hết là các thầy cô giáo và các em học sinh, sinh viên cả nước.
Nhưng để cuộc vận động thành công như mong muốn, phải được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể, của toàn thể các bậc phụ huynh và huy động mọi nguồn lực trong xã hội. Xa hơn nữa, cuộc vận động còn mong thu hút đồng bào Việt Nam ở nước ngoài và các cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Nói khác, đó phải là cuộc vận động tổng lực cho một mục tiêu: chống sự gian dối trong học tập.
Dĩ nhiên để có thể thành công, cuộc vận động này không thể chỉ làm trong một học kỳ hay một năm học mà phải làm liên tục, có kế hoạch cụ thể trong nhiều năm (với hy vọng đến 2010 bước đầu trả lại sự trong sáng cho hoạt động giáo dục nước nhà để hội nhập quốc tế và tái cấu trúc hệ thống GD-ĐT của Việt Nam).
Đồng thời với việc triển khai các biện pháp chống tiêu cực trong thi cử, ngành giáo dục còn phải có hàng loạt giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, thay đổi phương pháp dạy từ đọc - chép sang dạy để học sinh biết tự học, đổi cách thi cử để khuyến khích sự sáng tạo…
Tại sao cuộc chiến này lại khó khăn đến thế? Có lẽ vì tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục đã trở thành vấn đề quá bức xúc của xã hội; vì căn bệnh đã trở thành “thâm căn cố đế”, ăn vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Cũng chính vì thế, Bộ GD-ĐT coi đây là bước đột phá để tạo nên sự phát triển mới trong hoạt động GD-ĐT của cả nước trong những năm tiếp theo.
Thấy được khó khăn và đề ra giải pháp khắc phục cũng có nghĩa là đã mở được cánh cửa đi đến thành công. Vấn đề còn lại là làm sao để tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Và như thế, chắc chắn cuộc vận động sẽ đem lại gương mặt mới cho nền giáo dục Việt Nam, một đất nước vốn có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo.
PH.L.