Về tái định cư, theo tờ trình của Chính phủ, quy hoạch tái định cư cho dự án gồm 2 khu là Lộc An - Bình Sơn (282,35 ha) và Bình Sơn (282,79 ha).
Theo tiến độ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thì đến khoảng tháng 12-2018 người dân có thể bắt đầu xây dựng nhà ở tái định cư và đến khoảng tháng 10-2019 sẽ hoàn thành công tác xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu Lộc An – Bình Sơn.
Đối với khu Bình Sơn, khoảng tháng 7-2019 người dân có thể bắt đầu xây nhà ở tái định cư và đến khoảng tháng 6-2020 sẽ hoàn thành công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu Bình Sơn.
Theo lộ trình giải phóng mặt bằng dự án thì năm 2018-2020 thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho toàn bộ diện tích 5.000 ha.
Cụ thể, ĐB Cường đề nghị cần tính toán kỹ cái được, mất khi quy hoạch 2 khu tái định cư. Quy hoạch như vậy có một số bất cập vì vùng đang quy hoạch phát triển mới, giá đất thay đổi hàng ngày và những hộ đến 2020 mới tái định cư, khi đó giá đất đã thay đổi. Vậy, việc bồi thường những hộ dân như vậy sẽ theo giá thị trường hay của những hộ dân đã nhận tiền giải phóng mặt bằng trước đó? Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều dự án gặp khó khăn về vấn đề này. Do vậy, nên tính toán quy hoạch tái định cư một lần.
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) băn khoăn, tổng vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng… ban đầu được Đồng Nai báo cáo là 13.000 tỷ đồng, sau đó là 18.000 tỷ đồng và đến nay, Chính phủ báo cáo Quốc hội là 23.000 tỷ đồng.
Vậy, đến khi triển khai có tăng nữa hay không? Chính phủ dự phòng 10% liệu có đủ bù phát sinh và thậm chí còn chưa làm rõ khả năng từ nguồn dự phòng chi phí của dự án? Hiện vốn ngân sách nhà nước mới bố trí được 5.000 tỷ đồng, phải huy động thêm 18.000 tỷ đồng ngân sách nhưng trong bối cảnh thu ngân sách đối mặt khó khăn, có thể không đạt kế hoạch thì việc huy động thêm là khó.
Bên cạnh đó là bố trí việc làm cho các hộ làm nông nghiệp, thậm chí là hơn 1.000 người chưa có việc làm. Phương án đào tạo trong lúc triển khai dự án và đến khi kết thúc giai đoạn 1 là 7 năm. “Vậy người dân sẽ sinh sống ra sao?”, ĐB Tiến đặt câu hỏi.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM), hiện ngân sách mới bố trí 5.000 tỷ đồng, còn thiếu 18.000 tỷ đồng. Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này đưa ra 2 phương án và “tôi thấy phương án 1 khả thi hơn”. Bởi lẽ, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về đầu tư công giai đoạn 2016-2020, trong đó bố trí 80.000 tỷ đồng. Nguồn này đã được trích 55.000 tỷ đồng làm đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Lấy từ nguồn này là hợp lý, có thể giải quyết được những vấn đề cấp bách, có thể giải ngân được ngay.
Chia sẻ với địa phương đã gắn bó 15 năm, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai), người dân Đồng Nai, đặc biệt là khu vực Long Thành rất mong muốn dự án được thực hiện vì thông tin quy hoạch xây dựng Cảng HKQT Long Thành đã có 12 năm và “gần như là dự án treo” khi mà các lãnh đạo Đồng Nai đã triển khai các giải pháp để chế tiêu cực trong khi dự án. Thời gian chờ đợi là quá lâu, do đó, cần sớm thúc đẩy công trình triển khai.
Các ĐB Trần Hoàng Ngân, Dương Trung Quốc, Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), đều cho rằng, điểm cần lưu ý của dựu án này là tăng giám sát để chống tái lấn chiếm đất đã thu hồi để không ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Nhắc đến câu thành ngữ “quan tham, dân gian”, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, không nên ngại câu nói này vì mang tính hai chiều. Việc giám sát là rất quan trọng để đảm bảo tính khả thi của dự án vì có quá nhiều dự án lớn không phải “đầu voi đuôi chuột” mà là “đầu chuột đuôi voi” vì dự án phình ra quá lớn, tạo nợ công.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng thì đề nghị bổ sung dự thảo nghị quyết là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trục lợi, lấn chiếm đất đai, tái lấn chiếm vì thực tế nhiều hộ đã “nhảy dù” vào đất dự án đã được giải phóng mặt bằng.