Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung:

Dư luận chạy chức ở Bộ GT-VT đã có từ lâu

Dư luận chạy chức ở Bộ GT-VT đã có từ lâu

Chiều qua, 10-4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung đã khẳng định với PV SGGP như vậy. Hiện cơ quan này đang phối hợp với Bộ Công an làm rõ hành vi chạy chức của bị can Nguyễn Việt Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ GT-VT.

- Dư luận đang rất quan tâm đến công tác đề bạt cất nhắc các đối tượng đã bị khởi tố trong vụ PMU18, trong đó có nguyên Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

- BỘ TRƯỞNG ĐỖ QUANG TRUNG:
Đây là vấn đề lớn. Tôi chỉ nói trách nhiệm thuộc phạm vi của Bộ Nội vụ. Qua vụ Nguyễn Việt Tiến, kể cả Lã Thị Kim Oanh trước đây, chúng tôi đã và đang xem xét kiểm điểm rút kinh nghiệm theo quy định chung. Trước hết là xem quy định, quy trình chặt chẽ hay không. Công tác cán bộ chung hiện nay là thẩm quyền, trách nhiệm không gắn chặt. Tức là anh có quyền này, nhưng trách nhiệm lại không rõ. Có những người khi bổ nhiệm vào vị trí nào đó rồi, trước đó người ta không có khuyết điểm nhưng sau đó lại có khuyết điểm. Cũng có những trường hợp khi người ta bổ nhiệm thì đã có những khuyết điểm…

Dư luận chạy chức ở Bộ GT-VT đã có từ lâu ảnh 1

Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Việt Tiến.

- Như vậy, ngay từ vụ Lã Thị Kim Oanh đã phát hiện ra có kẽ hở cho việc chạy chức chạy quyền, thưa Bộ trưởng?

- Vụ Lã Thị Kim Oanh, chúng tôi đã có rút kinh nghiệm với Bộ NN-PTNT. Chúng tôi kiến nghị đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp nhà nước; tách quản lý nhà nước với doanh nghiệp và phải phân công trong lãnh đạo bộ rất rõ ràng. Những năm gần đây, cứ chức danh nào bộ trưởng quyết định bổ nhiệm thì bộ trưởng chịu trách nhiệm chứ không thỏa thuận với Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ chỉ có trách nhiệm đi kiểm tra giám sát.

- Trước đây đã có dư luận lên muốn lên làm thứ trưởng Bộ GT-VT thì phải chạy hết 8 tỷ đồng; Bộ trưởng là 15 tỷ đồng. Bộ trưởng đã nghe chuyện này chưa?

- Chạy chức chạy quyền có dư luận lâu rồi chứ không riêng ở Bộ GT-VT. Chính vì vậy quy trình bổ nhiệm ngày càng được sửa đổi, bổ sung chặt chẽ hơn. Công tác cán bộ thì không một cá nhân nào quyết định mà phải là tập thể. Ngay việc Thủ tướng quyết định bổ nhiệm thứ trưởng thì cũng phải thông qua Ban Bí thư, lấy ý kiến các ban Đảng. Đây là một cách khắc phục chạy chức chạy quyền. Nếu giao cho một cá nhân nào quyết định thì cực kỳ nguy hiểm.

- Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân đặt vấn đề, trước đây ở một số hội nghị của Ban chấp hành Trung ương, khi đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm thì ông Tiến đạt rất thấp, đã bị gạt ra. Nhưng các hội nghị sau lại được đưa ra để lấy tín nhiệm. Vì vậy, ông Lân chỉ ra rằng có điều rất không bình thường ở đây...

- Tôi đồng ý với ý kiến này. Theo tôi trong những trường hợp như thế phải làm rõ thêm vấn đề là tại sao lại không tán thành, vì sao phiếu tín nhiệm thấp như vậy.

- Không riêng ông Tiến mà khi ông Đào Đình Bình được vào Ủy viên Trung ương, rồi Bộ trưởng, có nhiều ý kiến không đồng ý ông Bình đảm nhiệm chức vụ này?

- Cái này tôi chưa trả lời cụ thể được vì anh ấy do Quốc hội bầu. Anh Đào Đình Bình cũng một lần Quốc hội bầu không quá bán nên không được. Anh ấy vào Trung ương qua đại hội, nên chúng tôi không bình luận.

- Khi xem xét đề bạt ông Tiến lên làm thứ trưởng, chính Bộ trưởng đã yêu cầu phải làm rõ thêm 5 vấn đề về ông Tiến, trong đó có việc ông ta đã hắt bia vào mặt người khác?

- Đúng là tôi đã đề nghị xem lại 5 điểm nhưng bây giờ thì không nhớ cụ thể.

- Có dư luận cho rằng một số vị trí ở Bộ GTVT khá “màu mỡ”...

- Có thời gian báo chí đưa ra trường hợp anh Đào Đình Bình cất nhắc người thân vào các vị trí như Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ... Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo kiểm tra, kết luận.

- Bộ GTVT có phải “điểm nóng” khiến Bộ trưởng phải cân nhắc thận trọng hơn khi xét đề bạt cán bộ?

- Sau ông Tiến không biết còn đề bạt ai ở bộ này. Tuy nhiên, không chỉ Bộ GTVT mà Bộ NN-PTNT mấy năm nay cũng rất chú ý, xem xét kỹ. Có những trường hợp phải để lại. Cán bộ mà để lâu quá không trình người ta cũng bảo anh có tiêu cực. Về trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong vụ Nguyễn Việt Tiến thì bây giờ đang xem xét nên chưa nói được.

- Bộ Nội vụ có phải nơi bất khả xâm phạm không thể chạy chức chạy quyền được?

- Tôi không tuyệt đối hóa cái đó. Có những đồng chí tôi thấy làm việc đó không được, tôi phải thay...
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Bộ Chính trị chấp thuận cho Bộ trưởng Đào Đình Bình thôi các chức danh về Đảng

Nguồn tin của SGGP cho biết, trong cuộc họp mới đây, Bộ Chính trị đã chấp thuận đơn từ chức của Bộ trưởng Bộ GT-VT Đào Đình Bình. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng chấp thuận cho ông Bình thôi làm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Bộ GT-VT; đồng thời, chấp thuận để ông Đào Đình Bình rút khỏi danh sách đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng sắp diễn ra.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Bộ Chính trị đánh giá, xem xét đề nghị của Ban cán sự Đảng Chính phủ về trách nhiệm của Bộ trưởng Đào Đình Bình trong vụ tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng diễn ra tại PMU18. Như đã đưa tin, sau khi Thủ tướng có văn bản đề nghị Bộ Chính trị đình chỉ công tác đối với Bộ trưởng Đào Đình Bình, ông Bình cũng có đơn gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ xin được từ chức, được thôi làm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự và xin rút khỏi danh sách đại biểu đi dự Đại hội Đảng lần thứ X.

Bộ Chính trị giao Ban cán sự Đảng Chính phủ có văn bản báo cáo Quốc hội để cơ quan này xem xét, ra quyết định cho Bộ trưởng Bình từ chức theo đúng quy trình, thẩm quyền.


Vụ chạy án tại PMU18
Các nhà báo không dính líu

Sau một thời gian khẩn trương điều tra, hôm qua 10-4, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) cho biết: các nhà báo không tham gia chạy án trong vụ PMU18.

Như đã đưa tin, Bùi Tiến Dũng, nguyên Tổng Giám đốc PMU18 khai đã nhờ một nhân vật quen rất rộng trong làng báo là Quyết “râu” để nhờ nhiều phóng viên, nhà báo không đưa tin bất lợi về vụ tiêu cực tại PMU18. Qua sàng lọc ban đầu, có khoảng 10 nhà báo bị nghi là đã được Quyết “râu” nhờ vả, chạy án. Tuy nhiên, đến nay, C14 khẳng định chưa phát hiện nhà báo nào bị “mua” trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.

Cùng ngày, C14 triệu tập một số đối tượng liên quan đến vụ PMU18 để làm rõ hành vi chạy án của Bùi Tiến Dũng; xác minh tài sản, làm rõ hành vi chạy chức, chạy án của bị can Nguyễn Việt Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ GT-VT. Trước đó, C14 cũng phát hiện chiếc điện thoại di động mà Dũng Huế (một đối tượng chạy án đã bị bắt) còn lưu lại nhiều số điện thoại của vài người bị nghi là liên quan đến chạy án. Chiếc điện thoại này được C14 thu lượm được trong thùng rác của chiếc máy bay từ Thái Lan về Việt Nam. Trên chuyến bay trở về Việt Nam để ra trình diện C14, Dũng Huế đã ném chiếc điện thoại trên nhằm phi tang.

KIẾN QUỐC thực hiện

Tin, bài liên quan:

PMU:Lớn hay nhỏ đều có vấn đề

Tin cùng chuyên mục