Dự thảo nghị định mới về quản lý, đầu tư chợ truyền thống

Xác định chợ là kênh lưu thông thực phẩm chính của người tiêu dùng, Bộ Công thương đang lấy ý kiến các địa phương về việc xây dựng chính sách phát triển và quản lý chợ trong bối cảnh hiện nay.
Chợ truyền thống đang tồn tại song hành với kênh bán lẻ hiện đại
Chợ truyền thống đang tồn tại song hành với kênh bán lẻ hiện đại

Theo Bộ Công thương, thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều kênh phân phối hàng hóa hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, bán hàng online… đã xuất hiện. Song trên thực tế, chợ vẫn là kênh lưu thông thực phẩm chính tới người tiêu dùng, khi có tới gần 70% thực phẩm lưu thông qua kênh phân phối này. Chợ có vai trò quan trọng trong việc giúp người dân thành phố dễ dàng tiếp cận thực phẩm tươi sống với giá cả phải chăng, kết nối kinh tế nông thôn và thành thị, mang lại những cơ hội kinh tế và việc làm cho nhiều người dân. Chợ cũng là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử và tạo ra không gian công cộng tích cực, gắn kết người dân.

Chẳng hạn tại TPHCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước, dù đang phát triển hàng loạt mô hình bán lẻ hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị, đại siêu thị cũng như trung tâm thương mại, song TPHCM vẫn có trên 200 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối lớn. Điều đặc biệt, chợ tại TPHCM dù qua bao đời phát triển vẫn là nơi mua sắm không thể thiếu đối với người tiêu dùng trên địa bàn. “Gia đình tôi vẫn có thói quen mua sắm thực phẩm ở chợ truyền thống. Khi nào cần mua các mặt hàng hóa mỹ phẩm, thời trang, gia dụng, tôi mới đi mua sắm ở các kênh phân phối hiện đại”, chị Ngô Thùy Linh (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) chia sẻ.

Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), một số địa phương như TP Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) và TPHCM đã có được một số kết quả trong công tác quản lý nhà nước về việc phát triển chợ. Các địa phương này đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phương hướng phát triển chợ từng thời kỳ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu của sản xuất, lưu thông hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân.

Tuy vậy, các chuyên gia đánh giá rằng, tại các vùng nông thôn, việc phát triển mạng lưới chợ vẫn tồn tại một số bất cập như cơ sở hạ tầng yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, PCCC, nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng... Hàng hóa được phân phối tại các chợ còn rất khó khăn trong kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng; nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn...

Để phát triển và quản lý mạng lưới chợ, Chính phủ đã có Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14-1-2004 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23-12-2003. Song, theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, bên cạnh những kết quả đạt được, giờ đây Nghị định 02 và Nghị định 114 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, thậm chí gây khó khăn cho công tác phát triển và quản lý chợ tại các địa phương. Thực tế hiện nay đòi hỏi phải ban hành nghị định mới. Do đó, Bộ Công thương đang tập trung lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định phát triển và quản lý chợ (thay thế Nghị định 02 và Nghị định 114).

Dự thảo được xây dựng theo hướng giải quyết ngay các vấn đề cấp bách trong phát triển và quản lý chợ; tạo điều kiện cho các địa phương kịp thời tận dụng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho đầu tư phát triển chợ; bảo đảm tính đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan. Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định, Bộ Công thương đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân và đến nay có 83 ý kiến phản hồi. Dự thảo nghị định sẽ được tiếp tục hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành theo kế hoạch.

Tin cùng chuyên mục