Chẳng hạn việc cho DN có nhiều người đại diện trước pháp luật; DN có quyền không sử dụng con dấu; hay DN tự thay đổi người đại diện trước pháp luật mà không cần phải đăng ký… là các lỗ hổng dự báo sẽ làm gia tăng tranh chấp.
Lâu nay Luật DN xây dựng theo hướng tạo điều kiện thông thoáng cho người kinh doanh, trao mọi quyền cho DN chủ động. Chẳng hạn như DN chỉ cần khai theo mẫu, đăng ký kinh doanh qua mạng, không cần chứng minh địa điểm kinh doanh.
Luật quy định cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ cần nhận đủ hồ sơ đã điền theo mẫu (không cần biết điền đúng hay sai) là cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Luật không có điều nào quy định về trách nhiệm phải kiểm tra đối chiếu với hồ sơ gốc (do chính cơ quan cấp phép lưu trữ) và cũng không chịu trách nhiệm nếu cấp không đúng sự thật.
Điều đó dẫn đến nhiều vụ tranh chấp khi dùng địa chỉ nhà người khác để đăng ký kinh doanh (không được sự đồng ý của chủ nhà); dùng giấy chứng minh người khác để lập DN (khi nhặt được giấy chứng minh nhân dân)…
Lâu nay, con dấu DN được xem như là ký hiệu chính để xác định DN đó hoạt động hợp pháp, là cơ sở của các giao dịch kinh doanh, giao dịch với cơ quan nhà nước, với ngân hàng…
Nay, Luật DN xóa bỏ việc buộc phải sử dụng con dấu. Nếu các hồ sơ liên quan đến DN không cần con dấu, rồi cơ quan cấp phép không có trách nhiệm kiểm tra, thì việc thay đổi giấy phép kinh doanh, thay đổi vốn chủ sở hữu không đúng sự thật sẽ dẫn đến tranh chấp. Điều đó thật là nguy hiểm.
Đó là chưa kể, nếu luật không rõ ràng, không buộc phải có con dấu thì ngân hàng có chấp nhận? Nếu DN có khắc con dấu nhưng không cần phải đóng dấu vào văn bản, có được không? Vì như vậy rất dễ bị người khác ký giả văn bản.
Thực tế, có rất nhiều trường hợp người dân bị người khác sử dụng chữ ký giả để tiến hành thủ tục đăng ký DN tại cơ quan đăng ký kinh doanh; sau đó bị phát hiện thì cơ quan công an chỉ xác định giả, cơ quan đăng ký kinh doanh dựa vào đó để hủy giấy chứng nhận chứ không tìm được người làm giả, nên không xử phạt được.
Lỗ hổng cho kẻ gian lợi dụng
Rất nhiều hồ sơ “cướp” DN bị kiện ra tòa chỉ vì Điều 27 Luật DN không buộc cơ quan cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh phải kiểm tra tính xác thực (tính hợp pháp) của hồ sơ. Do vậy, nhiều người không hợp pháp, người không liên quan gì nhưng tự làm hồ sơ thay đổi thành người đại diện trước pháp luật để cướp luôn DN.
Từng có vụ Vinaland kiện Sở KH-ĐT TPHCM ra tòa, tốn 3 năm mới có quyết định buộc sở hủy bỏ phần đăng ký thay đổi trên hồ sơ giả mạo. Thế nhưng, Sở KH-ĐT không bị xử lý, chính bởi quy định “chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ” - có nghĩa là kẻ gian chỉ cần điền đầy đủ giấy tờ, ai ký thì cơ quan cấp phép cũng không có trách nhiệm xem. Cho dù người ký không đúng là người đại diện hợp pháp theo dữ liệu mà cơ quan cấp phép lưu trữ, quản lý.
Rất nhiều trường hợp khác cũng tương tự, bị thay đổi tên chủ DN bởi một nhóm cổ đông manh động, nhưng rồi không ai bị xử lý. Công an không xác định được kẻ làm giả giấy tờ nên không xử lý hình sự; còn cơ quan cấp phép vô can vì không chịu trách nhiệm về tính hợp pháp. Trước bao nhiêu bức xúc từ thực tế, nhưng đến nay dự thảo Luật DN sửa đổi không hề thay đổi điều này, lại tiếp tục đề xuất mở rộng “cửa” hơn nữa.
Cụ thể, dự thảo đề xuất bỏ luôn thủ tục thông báo mẫu dấu, giao quyền có hay không có con dấu cho DN và DN có quyền tự làm dấu không cần đăng ký mẫu dấu với cơ quan quản lý; đề xuất bỏ thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN!
Như vậy, nếu trong một ngày DN đổi người, khách hàng sẽ không biết người nào ký là hợp pháp, khi ngay cả con dấu cũng không có. Điều đó sẽ giúp kẻ gian tha hồ lập trang web giả, ký giấy tờ giả, quảng cáo loạn thị trường. Khách hàng không được bảo vệ và chủ DN hợp pháp cũng không được bảo vệ.
Một chuyên gia cho rằng, Luật DN sửa đổi theo hướng “chạy thành tích”, có vẻ như cải cách hành chính tốt hơn, rộng cửa cho DN hơn, nhưng lại mở đường cho kẻ gian, không bảo vệ DN chân chính! Bởi thực tế, việc đăng ký thành lập DN hiện nay chỉ thực hiện trong vòng 3 ngày, nếu quen biết chỉ trong vòng một ngày. Thế nhưng, nếu tranh chấp, DN phải kiện ra tòa, thì theo quy định tố tụng sơ thẩm đến phúc thẩm nhanh nhất cũng mất một năm. Do vậy, việc bảo vệ DN cần thiết hơn là rút ngắn thời gian bao nhiêu ngày. Bởi nếu quy mô DN bình quân hiện nay hơn một tỷ đồng/DN, thì việc đăng ký thành lập DN 5 hay 10 ngày không quan trọng lắm, quan trọng nhất là sau khi ra đời họ được pháp luật bảo vệ! |