Dự thảo Luật DN sửa đổi theo hướng “trả” các quyền quản trị nội bộ cho DN như bỏ các thủ tục khắc con dấu ở ngành công an, thông báo thuế, đăng ký lao động, bỏ thông báo thành lập DN…
Dự thảo Luật Đầu tư cũng sửa đổi theo hướng minh bạch về thủ tục đầu tư. Trong đó, lọc các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, loại bỏ 17 ngành nghề so với luật cũ và sửa đổi 7 ngành nghề. Luật cũng hướng đến mục đích chống chuyển giá, đặc biệt là tránh hoạt động khai giá đầu tư khống để tăng khấu hao, giảm lợi nhuận và né thuế.
Do vậy, sẽ có quy định xác định giá đầu tư ban đầu để tránh khai khống vốn đầu tư; cho phép cơ quan quản lý nhà nước được quyền giám định máy móc thiết bị, trưng cầu giám định, nếu nhà đầu tư gian dối thì chịu chi phí giám định.
Các luật sư góp ý, hiện tượng làm hồ sơ giả trong hoạt động đầu tư diễn ra thường xuyên nên cần có quy định chặt chẽ trong hoạt động đầu tư. Nên bỏ quy định đăng ký với Sở KH-ĐT khi DN thay đổi thành viên HĐQT - vì đây là chuyện của DN; luật cần giao toàn quyền và trách nhiệm của DN cho người đại diện theo pháp luật của DN. Tuy nhiên, đại diện Bộ KH-ĐT cho rằng chủ DN có quyền phân quyền, và như vậy sẽ có nhiều đầu mối chịu trách nhiệm trước pháp nhân.
Luật sư Hoàng Văn Sơn cho rằng vấn đề khó của DN hiện nay là ở các văn bản dưới luật. Chẳng hạn, Luật DN quy định thủ tục thành lập DN rất dễ dàng, nhưng các văn bản dưới luật và luật liên quan rất khó khăn. DN chuyển trụ sở sẽ bị cơ quan thuế phạt 35 triệu đồng, vì ghi trong hóa đơn sai địa chỉ DN so với giấy phép.
Ngoài ra, cũng có nhiều góp ý về việc có nên hạn chế DN làm dự án đầu tư nhưng không có vốn; cổ đông có quyền yêu cầu HĐQT thực hiện các quyết định sai hay không…