Trình bày Tờ trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định, do nội dung sửa đổi rất lớn, nhiều vấn đề có tác dụng sâu rộng, cơ quan soạn thảo đề nghị tách Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thành dự án riêng mà không ghép chung với Luật Đầu tư. Chính phủ cũng đã đồng ý và đã gửi Tờ trình tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật.
Mục tiêu sửa đổi Luật lần này, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, bao gồm: tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp, cắt giảm chi phí và thời gian khởi sự kinh doanh; nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, cổ đông, thúc đẩy quản trị doanh nghiệp; tạo thuận lợi, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp…
Đáng lưu ý, so với Luật Doanh nghiệp 2014, dự thảo có thêm một chương riêng về hộ kinh doanh. Dự thảo tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần… nhằm đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, không ép buộc hành chính hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp hoặc xoá bỏ hình thức hộ kinh doanh.
Đồng thời, quy định rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh, đảm bảo phù hợp với Bộ Luật Dân sự. Hộ kinh doanh sẽ do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký. Bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện).
“Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá tác động của quy định mới này và thấy rằng việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh không phát sinh tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh, không phát sinh thủ tục hành chính. Các hộ kinh doanh đang hoạt động cũng không phải đăng ký lại hoặc đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, đây chính là một trong những nội dung cần bàn thảo kỹ tại hội thảo.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, hoạt động của các hộ kinh doanh hiện nay còn khá nhiều khiếm khuyết như không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự; dẫn đến cản trở hộ kinh doanh tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh, không phát huy được lợi ích của nguồn lực đầu tư.