Đưa nông sản Tây Nam bộ đến người tiêu dùng

Dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng càng chú trọng hơn tới chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm thiết yếu, nhất là với nông sản như rau củ, trái cây. Hiểu được tầm quan trọng đó, thời gian qua, các địa phương vùng Tây Nam bộ đã rốt ráo thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản trong vùng. 
Sản phẩm đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được người tiêu dùng ưa chuộng và sử dụng

Tăng cường truy xuất nguồn gốc

Xác định việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn chất lượng là việc làm quan trọng để một sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tỉnh Hậu Giang đang từng bước thực hiện cho hơn 10 sản phẩm mũi nhọn của tỉnh. Tới nay, tỉnh đã có 7 cơ sở, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn thực hiện truy xuất nguồn gốc theo Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc nông, thủy sản. 7 sản phẩm được truy xuất gồm: xoài, sữa dê, khóm, kẹo đậu phộng, trà mãng cầu, cá thát lát, chanh không hạt.

Nói về tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc cho nông sản, đại diện Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cho biết, lâu nay các sản phẩm nông sản do sản xuất không đảm bảo khâu truy xuất nguồn gốc, không theo chuẩn VietGAP, nên khó tìm được chỗ đứng trên thị trường. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn trong các tiêu chí về chất lượng, mức độ an toàn của những sản phẩm này. Từ đó, sở đã triển khai Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc nông, thủy sản nhằm giúp bà con nông dân an tâm sản xuất, người tiêu dùng có thông tin đầy đủ về quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu. Đến nay, hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau củ quả do Sở Công thương quản lý và vận hành đã nhận được sự tham gia tích cực của nhiều doanh nghiệp (DN), tổ hợp tác, HTX, hộ sản xuất. 

Tương tự, ở Đồng Tháp đã xây dựng các mặt hàng chủ lực là lúa gạo, xoài, hoa kiểng, vịt và cá tra để sản xuất nông nghiệp tốt gắn với truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn GAP và quy chuẩn quốc gia. Hay ở Sóc Trăng, qua sự phối hợp giữa các sở Công thương, NN-PTNT với Trung tâm Kinh doanh VNPT Sóc Trăng, hàng triệu tem truy xuất nguồn gốc đã được 50 DN trên địa bàn tỉnh sử dụng cho các sản phẩm như gạo, mắm cá rô, trà mãng cầu, bánh pía, khô trâu… Tại các tỉnh khác như Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long cũng đều có những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương được chọn lọc để thực hiện truy xuất nguồn gốc, nhằm tạo đầu ra vững chắc cho nông dân. 

Cùng với dán tem truy xuất nguồn gốc, việc tạo đầu ra bằng quảng bá, xúc tiến thương mại cũng là giải pháp được nhiều địa phương chú trọng trong năm 2020. Cụ thể, thông qua hội chợ kết nối cung - cầu ở TPHCM và hội chợ quảng bá hàng Việt tại các địa phương trên cả nước, các tỉnh Tây Nam bộ đã mang nông sản giới thiệu, tìm nhà phân phối. Ngoài ra, sở công thương các tỉnh đang kết nối với tham tán thương mại ở nước ngoài để tìm đối tác có nhu cầu, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu.

Tạo đầu ra ổn định 

Kinh nghiệm thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình truy xuất nguồn gốc của HTX Kỳ Như (Hậu Giang) cho thấy, sản phẩm tuân thủ tiêu chí an toàn chất lượng, bao gói đúng cách, đẹp mắt sẽ tạo được chỗ đứng ở các hệ thống kênh phân phối. Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, cho biết nhờ thực hiện tốt những hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc mà sản phẩm của HTX được tiêu thụ rộng rãi tại các siêu thị lớn như Vinmart, Lotte Mart, Tứ Sơn… trên 20 tỉnh, thành phố. 

Là đơn vị có mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước, các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… của Saigon Co.op hiện là “điểm kết nối tiêu thụ” được nhiều DN, HTX vùng Tây Nam bộ mong muốn hợp tác. Bởi khi sản phẩm nông sản được tiêu thụ trên hệ thống của nhà bán lẻ này, đồng nghĩa với việc có đầu ra ổn định số lượng lớn. 

Các thống kê của Saigon Co.op cho thấy, chỉ riêng ở khu vực TPHCM, mỗi tháng nhà bán lẻ này đã tiêu thụ 1.100 tấn rau quả, trái cây; còn ở quy mô toàn khu vực Đông Nam bộ con số này lên tới trên 1.750 tấn, tại khu vực miền Bắc khoảng 500 tấn/mùa vụ… Tuy nhiên, để sản phẩm vào được hệ thống kênh bán lẻ của Saigon Co.op, nhà cung cấp cần đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định nhà nước, phương tiện vận chuyển thực phẩm phải đảm bảo các điều kiện cụ thể về nhiệt độ, độ thông thoáng. Đặc biệt, tiêu chí kiểm tra độ trưởng thành của sản phẩm, các loại trái cây, rau củ quả như bưởi, dưa hấu, xoài, quýt, cà chua, dưa leo, khổ qua... bắt buộc phải đạt độ trưởng thành, độ chín phù hợp, mới được đưa vào kinh doanh trong siêu thị. 

Do các tiêu chí đưa ra với sản phẩm nông sản cao, nên Saigon Co.op đã và đang thực hiện chặt chẽ việc hợp tác cùng các địa phương ở Tây Nam bộ trong thu mua nông sản với nhiều dự án có quy mô lớn, cùng các giải pháp hỗ trợ sản xuất và lưu thông hàng hóa. Đến nay, Saigon Co.op đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với rất nhiều HTX, cùng các DN và hộ nông dân tại Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp… Doanh số tiêu thụ bình quân của các HTX, hộ nông dân thuộc ngành hàng thực phẩm tươi sống là gần 1.000 tỷ đồng/năm.

Tin cùng chuyên mục