Hôm nay, khai mạc Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 19

Đưa tốc độ tăng GDP năm 2005 lên 12%

Đưa tốc độ tăng GDP năm 2005 lên 12%
Đưa tốc độ tăng GDP năm 2005 lên 12% ảnh 1
Chế biến đồ gỗ xuất khẩu

Hôm nay, Đảng bộ TPHCM khai mạc Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ, kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2004. Cuối năm, TPHCM đón nhận tin vui : tốc độ tăng trưởng GDP đạt 11,5% đúng kế hoạch đề ra-một chuyện tưởng như khó có thể đạt được. Đầu năm 2004, TPHCM gặp liên tiếp khó khăn, sau đó, UBND TP đã tổ chức hàng loạt cuộc họp đề ra các giải pháp nhằm giải quyết tình hình trước mắt, đồng thời tập trung những vấn đề tồn tại lâu dài của cơ cấu kinh tế và quản lý đô thị. Những tháng sau, tình hình kinh tế-xã hội đã có những chuyển biến rõ nét. Đây là năm thứ 4, kinh tế TPHCM liên tiếp tăng trưởng theo xu hướng tăng dần, năm sau cao hơn năm trước.

  • Có sự chỉ đạo, điều hành tập trung

Mặt tích cực cần ghi nhận là tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ có xu hướng tăng nhanh qua các năm (2001 : 7,4%; 2002 : 9,2%, 2003 :9,7%; 2004 : 10,7%). Điều này khẳng định Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa VII đề ra chủ trương xây dựng TPHCM trở thành trung tâm thương mại-dịch vụ của cả nước và khu vực là đúng đắn và phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong hoạt động dịch vụ, trước hết phải nói đến tín dụng và ngân hàng. Để đạt được mức vốn huy động 147.300 tỷ đồng (tăng 28,6% so cùng kỳ và đạt tổng dư nợ tín dụng trên 131.000 tỷ đồng (tăng 30% so cùng kỳ), các ngân hàng đã mở rộng đối tượng cho vay để đầu tư hạ tầng kỹ thuật xã hội; đổi mới thiết bị công nghệ; di dời nhà xưởng; thực hiện chương trình đưa vốn về nông thôn.

Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải đã phân tích: Một trong những nét nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành của TPHCM là chỉ đạo có tập trung; có phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm từng chương trình, mục tiêu đề ra; có giao ban, đôn đốc chỉ đạo thực hiện. Tất cả những điều đó đã đem lại những kết quả thực tế trong công tác điều hành. Chính quyền thành phố đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường quản lý trên nhiều lĩnh vực. Cải cách hành chính cũng đã có nhiều chuyển biến. Cơ chế hành chính một dấu, một cửa ở các quận - huyện và một cửa ở một số sở - ngành đang tiếp tục được ủng cố và hoàn thiện. Trong quý 3 năm 2004, tại các quận 3,11, Bình Thạnh đã hình thành tổ nghiệp vụ hành chính công.

  • Quy hoạch: cơ sở cho phát triển bền vững

Tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 18, Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: công tác quy hoạch phải tiến hành một cách bài bản, quy hoạch có trọng tâm, trọng điểm và hoạch định cả bước đi phù hợp cho sự phát triển ở từng giai đoạn cụ thể, từ xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, nước đến xử lý môi trường… “Quy hoạch cho dù có tốn kém nhưng chúng ta có cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững và ngược lại sự phát triển mang tính bền vững làm bớt đi tình trạng tự phát”.

Đưa tốc độ tăng GDP năm 2005 lên 12% ảnh 2

Dây chuyền lắp ráp linh kiện điện tử cho điện thoại di động tại cơ sở Sao Sài Gòn (Hóc Môn).

Từ những chỉ đạo này, trong năm 2004, TPHCM đã ban hành nhiều văn bản làm cơ sở pháp lý cho các quận-huyện triển khai công tác quy hoạch chi tiết 1/2000, điều chỉnh quy hoạch không phù hợp. Đến nay, TPHCM đã đăng ký lập mới, điều chỉnh dự án quy hoạch chi tiết 1/2000 trên 30.000 ha (trong đó có yêu cầu điều chỉnh quy hoạch trên 6.000 ha) và dự kiến thực hiện quy hoạch chỉ tiết 1/2000 đạt 15.000 ha trên tổng số 22.000 ha (đạt 68% kế hoạch). Nét tiến bộ khác là trong năm 2004, TPHCM đơn giản được thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ giao đất, thuê đất.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua, TP đã chủ động thực hiện Luật Đất đai, ban hành quy định về thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển quyền mục đích sử dụng đất trên địa bàn; áp dụng thống nhất quy trình thủ tục giao-cho thuê đất cho nhân dân và nhà đầu tư.

Cùng với việc tập trung vào công tác quy hoạch, TPHCM đã lập lại trật tự kỷ cương trong xây dựng, quản lý nhà đất, đặc biệt là các ngành, địa phương đã chú trọng nhiều đến công tác quy hoạch và bước đầu tăng cường quản lý xây dựng theo quy hoạch.

  • Vẫn còn nhiều thách thức

Song, nhìn vào bức tranh tổng thể của nền kinh tế năm 2004, TPHCM cũng gặp những thách thức rất lớn khi bước vào năm 2005-năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2001-2005. Trong đó, đáng chú ý nhất là chất lượng tăng trưởng chưa cao. Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải nhiều lần nhấn mạnh tại các cuộc họp của thường trực UBND TP với các sở - ngành: Cơ cấu kinh tế trên địa bàn đang giảm dần sức cạnh tranh do các ngành công nghiệp chủ yếu mang tính chất của một nền sản xuất gia công và các ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Ngoài ra, trong năm qua, khu vực kinh tế có vốn nước ngoài tăng chậm, khu vực kinh tế nhà nước tăng dưới mức bình quân chung. Tình hình trật tự đô thị, hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ công cộng cũng còn nhiều bất cập so với yêu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh.

Năm 2005, TPHCM xác định nhiệm vụ trọng tâm của quản lý nhà nước là tiếp tục nhiệm vụ cải cách hành chính; tích cực thực hành tiết kiệm, triệt để chống lãng phí ở tất cả các ngành, các cấp trong bộ máy chính quyền TP. Cùng với việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thành phố tập trung phát triển dịch vụ-thương mại, tạo bước chuyển mạnh mẽ về quản lý đô thị, chấn chỉnh trật tự kỷ cương. Để huy động tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải cho biết: TPHCM sẽ cải tiến môi trường đầu tư thông thoáng hơn, phấn đấu huy động 53.000 tỷ đồng, tăng 23% so với ước thực hiện năm 2004.
 

TUẤN SƠN-LÊ ĐỖ

Tin cùng chuyên mục