Sau gần 2 năm triển khai, Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 1 (NCS2-GĐ1) do Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) làm chủ đầu tư, đã chính thức đón dòng khí thương mại đầu tiên. Qua đó khẳng định tiềm năng, thế mạnh của các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong chiến lược vươn ra biển lớn khi Việt Nam đang hội nhập mạnh vào thị trường quốc tế.
Dòng khí thương mại đầu tiên
Ngày 14-12- 2015 Dự án NCS2 - GĐ1 đã hoàn thành chạy thử liên động có tải phương án by pass trong 72h (Performance Run Test), đánh dấu dòng khí thành phẩm đầu tiên từ mỏ Đại Hùng được chính thức đưa vào bờ thông qua đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 - Giai đoạn 1 và đường ống Bạch Hổ - Dinh Cố.
Sự kiện trên đánh dấu bước tiến lớn trong ngành công nghiệp Khí Việt Nam nói chung và tiếp nối chuỗi thành công của những dự án do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS, Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro và các đơn vị trong ngành trực tiếp thực hiện.
Ông Dương Mạnh Sơn - Tổng Giám đốc PV GAS cho biết, Dự án đường ống dẫn khí NCS2 là dự án được quy hoạch trong “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Khí khu vực Đông Nam Bộ giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025”. Dự án được triển khai nhằm thu gom khí từ các mỏ ngoài khơi thuộc bể Nam Côn Sơn và bể Cửu Long trên thềm lục địa Việt Nam vận chuyển về bờ đến nhà máy xử lý, chế biến khí và đưa đến các hộ tiêu thụ (nhà máy điện, đạm và các hộ tiêu thu công nghiệp…).
Theo thiết kế, hệ thống đường ống dẫn khí NCS2 vận chuyển 2 pha có công suất 18,4 triệu m³ khí và 1.320 tấn condensate/ngày đêm (tương đương 7,0 tỷ m³ khí khô/năm); bao gồm 325km xuất phát từ Hải Thạch – Mộc Tinh đi qua Thiên Ưng – Mãng Cầu, Bạch Hổ và tiếp bờ tại Long Hải; khoảng 39km trên bờ từ Long Hải đến Phú Mỹ và Nhà máy GPP2 với công suất chế biến 10 triệu m³ khí/ngày.
Dự án có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp khí Việt Nam mà PV GAS được giao làm chủ đầu tư. Dự án Nam Côn Sơn 2 đã được triển khai từ năm 2011. Tuy nhiên nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về dừng, giãn đầu tư hợp lý các dự án, năm 2013 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và PV GAS đã tiến hành phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I của Dự án đầu tư khoảng 151 km từ giàn Thiên Ưng đến khu vực giàn BK4A, được thực hiện đồng thời cùng với 3 dự án thành phần: Dự án thu gom khí Đại Hùng do PVEP POC làm Chủ đầu tư; Dự án phát triển mỏ Thiên Ưng và Dự án đầu tư bổ sung/nâng cấp cơ sở hạ tầng tại khu vực mỏ Bạch Hổ do VSP làm chủ đầu tư. Khi chuỗi dự án hoàn thành sẽ vận chuyển khí Đại Hùng và Thiên Ưng về bờ thông qua Đường ống Bạch Hổ - Dinh Cố và tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng hiện hữu.
Trước mắt, trong năm 2015 Dự án NCS2 - GĐ1 đã hoàn thành theo phương án đưa trực tiếp khí Đại Hùng vào đường ống NCS2 - GĐ1 không qua xử lý trên giàn Thiên Ưng để vận chuyển, thu gom khí Đại Hùng về bờ nhằm tránh lãng phí nguồn khí tài nguyên đang bị đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Dự án của tâm huyết và sáng tạo
Đại diện Chủ đầu tư dự án, ông Bùi Ngọc Quang, Phó Tổng giám đốc PV GAS - Trưởng Ban Quản lý Dự án Khí Đông Nam bộ cho hay, Dự án NCS2 – GĐ1 và các dự án thành phần là chuỗi dự án có nhiều giao diện/kết nối về công nghệ, kỹ thuật, thiết kế, thi công; địa điểm thi công xa bờ, không gian thi công hạn chế, nhiều phần việc thi công/lắp đặt/kết nối ngầm dưới biển tại mực nước sâu đến 125m có nhiều rủi ro, tốn kém và rất khó khăn khi chưa có khối công nghệ thượng tầng giàn Thiên Ưng.
Ông Bùi Ngọc Quang chia sẻ: Trong suốt quá trình triển khai từ năm 2013, chuỗi dự án NCS2 - giai đoạn I đã đương đầu với rất nhiều thách thức gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án như: sự phức tạp về địa chất, biến đổi dòng chảy, điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại khu vực bể NCS khiến cho công tác xây dựng lắp đặt và chạy thử hệ thống đường ống gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ như, địa hình tuyến ống đi qua có nhiều đoạn địa chất phức tạp (sóng cát) dẫn đến phải xử lý sửa chữa 178 nhịp treo (free span) so với dự kiến chỉ 69 nhịp như ban đầu. Dự án có nhiều yêu cầu kỹ thuật rất cao, đường ống được thiết kế để vận chuyển 2 pha (lỏng và khí) theo nguyên lý đường kính trong không đổi (ID constant) để bảo đảm thuận lợi và an toàn trong quá trình phóng thoi (pig). Đặc biệt là các đơn vị phải thi công đấu nối - tiền chạy thử và chạy thử trong thời tiết có sóng to, gió lớn và biển động mạnh từ tháng 10-2015, có những lúc tưởng chừng chuỗi dự án khó có thể hoàn thành trong năm 2015. “Tuy nhiên, bằng sự chỉ đạo quyết liệt từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các chủ đầu tư PV GAS, VSP, PVEP POC và các nhà thầu phụ đã cố gắng, không quản ngại khó khăn, bất kể thời tiết đã huy động nhân lực, vật lực để triển khai dự án Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 1. Các mốc hoàn thành chính được ghi nhận như sau: Hoàn thành rải toàn bộ 151km đường ống vào ngày 7-6-2015, hoàn thành thử thủy lực toàn tuyến ống vào ngày 22-11-2015, hoàn thành công tác đẩy nước, phóng pig làm khô vào ngày 11-12-2015 và hoàn thành công tác chạy thử liên động có tải vào ngày 14-12-2015”, ông Quang nhấn mạnh.
Hồ Cẩm