Bế mạc Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII

Dũng cảm và sáng tạo vượt lên khó khăn

Dũng cảm và sáng tạo vượt lên khó khăn

Sau 3 ngày làm việc, chiều qua, 6-10, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII đã bế mạc. Ngay trong phiên bế mạc, phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, các đại biểu tham dự đại hội đã quyên góp trên 1,3 tỷ đồng để ủng hộ bà con vùng bị ảnh hưởng của cơn bão số 7 và trận lũ quét vừa qua. Đoàn đại biểu TPHCM ủng hộ 1,144 tỷ đồng, trong đó Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM – đơn vị Anh hùng Lao động - đã đóng góp số tiền 572 triệu đồng.

Dũng cảm và sáng tạo vượt lên khó khăn ảnh 1

Tại đại hội lần này, trong số 80 cá nhân anh hùng, 180 tập thể anh hùng, hàng trăm chiến sĩ thi đua toàn quốc và nhân tố mới điển hình được tuyên dương, có 22 đại biểu đã báo cáo tại hội trường và 8 đại biểu tham gia giao lưu trực tiếp với Đài Truyền hình Việt Nam, để lại những ấn tượng hết sức sâu sắc. Nhiều đại biểu tham dự đại hội bày tỏ sự cảm phục, tin yêu sau báo cáo của Nguyễn Khánh Ánh Hoàng, “cậu bé vàng” tin học của TPHCM.

Phát biểu bế mạc đại hội, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải khẳng định, những việc làm cao đẹp của các anh hùng, chiến sĩ thi đua đã báo cáo trước đại hội nhắc nhở mọi người, nhất là những cán bộ, công chức, phải đề cao trách nhiệm, tận tụy trong công việc, nâng cao hiệu quả công tác, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, xa rời dân, vi phạm quyền và lợi ích của nhân dân.

Thủ tướng nói: “Tại đại hội này, một lần nữa trong lòng chúng ta dâng lên niềm tự hào và lòng biết ơn đối với nhân dân ta đã sẵn sàng chịu đựng gian khổ và cả hy sinh ngay trong hòa bình, dũng cảm và sáng tạo vượt lên khó khăn, thách thức, lo toan cuộc sống hàng ngày và gánh vác mọi nhiệm vụ đặt ra trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước”.

Thủ tướng nhắc nhở các ngành, các cấp và đặc biệt là các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục chú trọng tuyên truyền, cổ vũ những việc làm cao đẹp của các cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến để nhân rộng những mảng sáng, thu hẹp mảng tối, đẩy lùi tiêu cực trong đời sống hiện nay.

Phương hướng và nội dung tổng quát của công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới cũng đã được xác định rất cụ thể trong bài phát biểu bế mạc đại hội (xin xem phần trích bài phát biểu bế mạc đại hội của Thủ tướng đăng trong số báo hôm nay).

Ngay sau phiên bế mạc Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII, Thủ tướng Phan Văn Khải đã dành cho báo chí một cuộc trao đổi ngắn về kết quả của đại hội. Thủ tướng nói: Mỗi kỳ đại hội thi đua đều gắn liền với những mốc lịch sử quan trọng.

Đại hội V là thời điểm nước ta thoát ra khỏi cơ chế bao cấp, thay đổi tư duy, xác định mô hình tiên tiến của các ngành, các doanh nghiệp, các địa phương. Đấy là một đại hội mang tính “phá rào, mở đường”. Đại hội VI được tổ chức vào giai đoạn Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, bộ mặt đất nước có sự thay đổi lớn.

Năm nay, khi tổ chức Đại hội Thi đua lần thứ VII, chúng ta đang phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 8,5%/năm để đạt mức tăng trưởng bình quân trong 5 năm là 7,5%/năm, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngay cả lĩnh vực đối ngoại cũng có những thắng lợi to lớn, tạo ra thế và lực mới, cả về chính trị lẫn kinh tế.

Đại hội VII, với nội dung phong phú, hình thức sinh động đã để lại những bài học lớn từ những tấm gương điển hình rất cụ thể, có sức thuyết phục, đi vào lòng người… Tôi tin tưởng rằng, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII vào năm 2010 sẽ là dịp chúng ta nhìn nhận lại nỗ lực của 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, thoát khỏi vị trí một nước chậm phát triển, tạo tiền đề trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. 

Thắp lên ngọn lửa truyền thống yêu nước

Hôm qua, 6-10, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII đã khép lại. Tuy nhiên dư âm đẹp của đại hội vẫn đọng lại trong lòng nhiều đại biểu và nhân dân cả nước. Bên hành lang đại hội trước giờ bế mạc, PV Báo SGGP đã ghi được nhiều tâm tư, tình cảm của các đại biểu.

- Giáo sư VŨ KHIÊU Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, lần thứ 2 tham dự đại hội:

Mỗi lần đại hội đều có những bước chuyển biến mới, bởi mỗi thời kỳ đều xuất hiện những phong trào thi đua và những anh hùng để phục vụ một giai đoạn mới của lịch sử. Đại hội Thi đua yêu nước lần trước (năm 2000) là mở đầu cho một thiên niên kỷ. Sau 5 năm, đại hội lần này đã có rất nhiều điểm mới. Nhiều tấm gương thi đua yêu nước tiêu biểu đã xuất hiện, đặc biệt là có rất nhiều tấm gương trẻ. Tôi mong Đảng và Nhà nước ngày càng chăm lo, đào tạo cho thế hệ trẻ. Theo tôi, mỗi con người trong thời kỳ hiện nay là phải được đào tạo toàn diện, không chỉ về trí tuệ mà cả đạo đức.

- Anh Y XUÂN
Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã Đắc Rung (huyện Đắc Song, tỉnh Đắc Lắc):

Tôi sẽ về kể lại với bà con M’Nông mình những điều mới được biết từ đại hội. Kinh nghiệm tìm nguồn vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm của các anh chị làm kinh tế giỏi ở đây rất hay, tôi thấy mình có thể học tập.

- Ông NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU
Nhà nghiên cứu sử học, Hội đồng Khoa học xã hội TPHCM:

Tại đại hội lần này, đoàn đại biểu của TPHCM tham dự rất đông. Theo tôi đây là dịp để các đại biểu của TPHCM và cả nước giao lưu, học hỏi lẫn nhau để sau đây có thể nhân rộng được nhiều tấm gương điển hình, dựng xây TPHCM nơi được coi là một thành phố rất sôi động, trở thành một điển hình trong cả nước.

- Ông LƯU QUANG HIỂU
Phó ban Thi đua khen thưởng tỉnh Trà Vinh:

Điều quan trọng nhất mà tôi suy nghĩ là sau đại hội này đoàn chúng tôi sẽ phải triển khai một loạt công việc, phong trào thi đua để đại hội lần sau địa phương chúng tôi có nhiều người được trở thành đại biểu tiên tiến của quốc gia. Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VII đã thực sự “tiếp lửa”, thắp lên ngọn lửa truyền thống yêu nước cho chúng tôi, giúp chúng tôi và chắc chắn là cả nhiều người có thêm khí thế, nghị lực, niềm hưng phấn để bước vào một giai đoạn thi đua yêu nước mới.

HÀN NI – ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục