Đừng để hài nhảm có đất sống

Đã không còn thời nghệ sĩ diễn hài với những câu thoại dí dỏm, vui tươi mà tinh tế, đời thường. Thời điểm hiện tại được cho là thời kỳ “đỉnh cao” của các chương trình hài với lời thoại dung tục, diễn xuất quá lố. Không chỉ phủ sóng trên sóng truyền hình, mà hài nhảm giờ còn chiếm lĩnh mạng xã hội, không thể kiểm soát.
Đừng để hài nhảm có đất sống

Đã không còn thời nghệ sĩ diễn hài với những câu thoại dí dỏm, vui tươi mà tinh tế, đời thường. Thời điểm hiện tại được cho là thời kỳ “đỉnh cao” của các chương trình hài với lời thoại dung tục, diễn xuất quá lố. Không chỉ phủ sóng trên sóng truyền hình, mà hài nhảm giờ còn chiếm lĩnh mạng xã hội, không thể kiểm soát.

Tràn ngập hài nhảm

Chỉ cần cú click chuột “clip hài”, là cho ra hơn 1 triệu kết quả trên mạng, từ những trang dành riêng cho hài, đến những clip hài do nghệ sĩ, khán giả đưa lên, và có hẳn những trang web dành riêng đăng tải clip hài.

Ngay trên YouTube, vô số clip hài từ chất lượng đến không chất lượng xuất hiện nhan nhản trước mắt người xem. Đặc biệt xuất hiện nhiều là clip hài không có nội dung, không trí tuệ, không thẩm mỹ và nhảm nhí. Ngoài một đoạn clip hài mang tên Tô Ánh Nguyệt thời @ do diễn viên Trấn Thành và một số diễn viên khác biểu diễn tại một chương trình hải ngoại được chia sẻ chóng mặt trên YouTube thời gian vừa qua, còn có rất nhiều clip hài khác phản cảm, dung tục xuất hiện trên mạng và có lượng người xem đông đảo.

Những clip hài nhảm tràn ngập YouTube

Vở hài của hai nghệ sĩ T.T. và A.Đ. trong video Tui bán hột vịt lộn có đoạn: “Anh là ca sĩ Nam gì đúng không anh? Anh bành háng hoài đúng không anh/ Anh hát như thú tính, bất chấp sĩ diện, hát như một con điên”; “Làm việc đó phải mất mấy giờ, ngồi trước những ánh đèn mờ, đừng nhúc nhích để nàng rờ”. Hay vở Thi hoa hậu với hai diễn viên hài được nhiều người biết đến - T.N., T.T. tại một liveshow ở hải ngoại, được tung lên mạng cũng gây sốc không kém: “Trần Thu Hà gọi tắt là Hà Trần, con này tên Trường Thị Trần nên gọi tắt là Trần Truồng”. Lúc diễn viên nữ cố tình đứng tướng khó xem để gây hài, diễn viên nam diễn chung liền bình luận: “Ở Việt Nam, mày đứng mời gọi như thế này không ai dòm ngó, còn mày sang đây 5 phút là cái bọn… cho mày một đời. Nó hãm mày đấy”.

Sân khấu hài giờ đây hiếm thấy những câu chuyện hay, phản ánh thực tế xã hội qua lối diễn tự nhiên, diễn như không diễn mà chỉ còn là những đoạn clip hài được nghệ sĩ và người xem tung lên YouTube với nội dung dễ dãi; các tình tiết luôn được đề cập chỉ là cô kia giật chồng bà nọ, tống tiền, gạ tình gái trẻ. Rồi yếu tố đồng tính cũng được đưa lên khá nhiều; hình ảnh phụ nữ Việt Nam ăn mặc lố lăng, trang điểm như ma chê quỷ hờn, giọng điệu cong cớn… Ở một số clip khác, diễn viên mặc nhiên châm biếm, xỉa xói đồng nghiệp ngay trên sóng truyền hình để “xin” tiếng cười của khán giả.

Theo tốc độ phủ sóng của hài nhảm là dẫn đến sự ra đời của các nhóm hài tay ngang “Ghiền mì gõ”, “Kem xôi”, “Tả Pí lù”... với lối diễn chua ngoa, kịch bản hời hợt khai thác những vấn đề nhạy cảm như tình dục, giới tính với những câu nói rất bạo mồm của các diễn viên trẻ có ngoại hình như hotgirl, hotboy đang tràn ngập, len lỏi khắp mạng xã hội, khiến khán giả bội thực.

Xem hài thành xu hướng

Ý kiến của một nhà thơ xót xa: “Tôi không xem hài của Việt Nam mà xem hài nước ngoài như phim hài của Charlie Chaplin vì nó không rẻ tiền, mang nhiều yếu tố nhân sinh khiến tiếng cười có nhiều trăn trở về mặt trái của cuộc sống. Hài phải có cười, có khóc, có suy tư, đến tận cả tương lai phải khiến con người ta suy ngẫm mới có ý nghĩa. Hài ở Việt Nam, các nghệ sĩ đã dùng những câu chuyện quá lố so với thực tế, con người đâu ai tục như thế. Đôi khi nghệ sĩ lầm tưởng rằng khán giả thích thú với câu nói tục, nhưng không, khán giả sáng suốt lắm, họ “cười xót” cho cả một thế hệ văn nghệ sĩ có tầm nhìn nghệ thuật hạn hẹp”.

 Đoàn Minh Thi, sinh viên ĐH KHXH-NV, chia sẻ: “Tôi ít khi chủ động coi hài vì bận học và không thích hài nhảm hiện giờ, nhưng vẫn vô tình xem hài vì nó xuất hiện khá dày đặc trên tivi hay facebook. Bạn bè share (chia sẻ) về là mình click vô xem do tò mò. Tôi thấy, dù muốn hay không, hài nhảm vẫn đến được với khán giả nhờ công nghệ”. Cao Thị Diệu Thùy, sinh viên ĐH Sân khấu - Điện ảnh, nói: “Tôi thích nghệ sĩ nào thì lên mạng tìm clip coi ngay. Để giảm stress, tôi nghĩ coi hài nhảm chút cũng không sao. Cười một chút rồi thôi là được. Bây giờ tìm một vở diễn hài tinh tế hay clip hài bổ ích trên mạng để có thể cười sảng khoái thì quá khó”.

Không cần tốn tiền đi xem hài tại các sân khấu, tụ điểm, vài phút hay vài ngày sau khi chương trình hài diễn ra trên tivi, các chương trình hài nhảm đã được tung lên mạng ào ạt. Rồi các nhóm hài cũng tự lập kênh YouTube của riêng mình, tha hồ đưa lên những vở diễn, hoạt cảnh tự quay, hay thực hiện vội vã, chắp vá. Điều đáng nói dù nội dung không chất lượng, thậm chí là hạn chế độ tuổi xem (18+ hay 16+) thì cũng không ai kiểm duyệt, gắn mác. Đó là điều kiện để sức mạnh của Internet phát huy tối đa, trở thành nơi cổ súy, phát tán cho vô số video clip hài nhảm.

Bên cạnh đó, hài nhảm dù bị lên án rất nhiều nhưng diễn lâu, diễn nhiều khiến nó ăn sâu vào nhận thức khán giả. Có thể nhu cầu giải trí của khán giả bây giờ giản đơn khiến nhà sản xuất, diễn viên chạy theo thị hiếu, nhưng suy cho cùng tất cả chỉ là cái nhất thời, còn những nhu cầu giải trí bền vững lâu dài thì không thể đáp ứng nổi. Nghệ thuật không chỉ tạo niềm vui cho khán giả mà còn phải xây dựng những sản phẩm mang tính giáo dục. Có lẽ, khán giả cũng nên là “người tiêu dùng” sáng suốt, đừng để hài nhảm cứ mãi có đất sống như thế!

THU HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục