EU coi Trung Quốc vừa là đối tác vừa là đối thủ

Các nhà lãnh đạo EU tái khẳng định cách tiếp cận chiến lược nhiều mặt đối với Trung Quốc khi coi nước này vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh và là đối thủ có hệ thống.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong 2 ngày 29 và 30-6 tại thủ đô Brussels của Bỉ, các nhà lãnh đạo EU đã tiếp tục thảo luận về quan hệ với Trung Quốc; tái khẳng định cách tiếp cận chiến lược nhiều mặt đối với Bắc Kinh khi coi Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh và là đối thủ có hệ thống.

Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh EU sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các thách thức toàn cầu, đồng thời khuyến khích nước này có hành động tham vọng hơn về chống biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, các vấn đề về y tế, ứng phó với đại dịch, đảm bảo an ninh lương thực, giảm thiểu rủi ro thiên tai, xóa nợ và hỗ trợ nhân đạo.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2022. Ảnh: THX/TTXVN
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2022. Ảnh: THX/TTXVN

Bất chấp có hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau, EU và Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng của nhau. EU sẽ nỗ lực để đảm bảo một sân chơi bình đẳng, qua đó tạo ra mối quan hệ thương mại và kinh tế cân bằng, tương hỗ, cùng có lợi.

Hai bên có lợi ích chung trong việc duy trì các mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định, bắt nguồn từ sự tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đối thoại cân bằng và có đi có lại.

Bên cạnh đó, EU cũng sẽ giảm dần các yếu tố dễ bị tổn thương và phụ thuộc trong quan hệ với Trung Quốc. Những lĩnh vực sẽ được EU ưu tiên tìm kiếm độc lập là chuỗi cung ứng, giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa khi cần thiết và phù hợp.

Tin cùng chuyên mục