
Bộ Công an vừa mở đợt cao điểm lập lại trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT). Vấn đề đặt ra là hậu cao điểm sẽ ra sao? Tiêu cực trong lĩnh vực này có giảm? Trưa hôm qua, 17-3, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) - Trung tướng Trần Văn Thảo quanh vấn đề này...

CSGT giải tỏa ùn tắc giao thông trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TPHCM.
- PV: Thưa Trung tướng, vì sao có đợt cao điểm lập lại TTATGT từ ngày 15 đến 30-3 này?
- Trung tướng Trần Văn Thảo: Đợt cao điểm này thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an, nhằm làm thông thoáng đường, kéo giảm hẳn số vụ và số thiệt hại do TNGT gây ra.
Đại tướng cũng chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc đồng loạt ra quân kể từ 16-3 nhằm thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Riêng lực lượng cảnh sát đã ra quân sớm hơn, từ ngày 15-3.
Theo tôi, Nghị định 152 cơ bản tốt, do đã quy định cụ thể các hành vi vi phạm TTATGT. Tất nhiên, còn có quy định chưa hợp lý, như xử phạt đối với xe chở quá tải, theo đánh giá là nhẹ quá. Chính vì thế, gần đây các lái xe sẵn sàng chở quá tải rồi chấp nhận bị phạt mà vẫn lợi hơn.
Để khắc phục, trong đợt cao điểm này, chúng tôi đã bổ sung lực lượng, phương tiện để tuần tra, kiểm soát, xử lý trên tuyến quốc lộ 1A ở 12 tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, vốn đang nhức nhối về chở quá tải. Còn tai nạn giao thông phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng, ý thức tham gia giao thông... Cũng có lý do là một số địa phương hiểu chưa đúng tinh thần quy định mới nên lúng túng trong xử lý. Theo tôi, một số ý kiến cho rằng TNGT tăng hay giảm là do cảnh sát là không đúng. Cảnh sát chúng tôi chỉ góp phần làm giảm TNGT mà thôi.
- Nhưng thưa Trung tướng, từ trước đến nay, trong tất cả các đợt cao điểm ra quân lập lại TTATGT của lực lượng cảnh sát, số vụ, số người chết, bị thương vì TNGT đều giảm. Hai ngày đầu mở chiến dịch (ngày 15, 16-3) cũng không phải là ngoại lệ…
- Đúng là trong 2 ngày qua, nhờ anh em làm quyết liệt nên cả nước chỉ xảy ra 74 vụ TNGT, làm chết 52 người, bị thương 67 người; so trung bình một ngày của tuần trước cao điểm thì giảm 8,8% về số vụ, giảm 4,8% người chết; giảm 9% người bị thương, đường sắt không xảy ra vụ tai nạn nào. Tuy nhiên, tai nạn vẫn còn rất nhức nhối. Theo thống kê, 77% số vụ tai nạn giao thông là do người tham gia không chấp hành quy định pháp luật như phóng nhanh, vượt ẩu, đi trái tuyến...
Ý thức của người tham gia giao thông mới là nguyên nhân chính tác động đến tăng, giảm TNGT. Việc chúng tôi huy động các lực lượng cảnh sát tham gia bảo đảm TTATGT lần này là “đánh” vào ý thức của dân: cảnh sát được tăng cường, xử lý nghiêm đấy, vi phạm là bị xử phạt ngay. Thực tế là trong hai ngày qua, số vụ xử phạt vi phạm TTATGT tăng 8.000 vụ và tiền phạt tăng 1 tỷ đồng so với 2 ngày trước cao điểm.
- Chính vì vậy, rất cần phải thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm để sau mỗi chiến dịch, tai nạn không bùng phát trở lại và người dân không phàn nàn rằng những cao điểm ấy chỉ là “đá ném ao bèo”...
- Đúng là có chuyện sau đợt cao điểm, TNGT tăng trở lại. Tôi không bao biện cho lực lượng của mình nhưng có một thực tế để mọi người đánh giá khách quan hơn về hiện tượng này: lực lượng CSGT rất thiếu. Chính phủ đã thấy điều này và quyết định cho bổ sung 7.000 CSGT.
Thực tế, đến nay chúng tôi mới được bổ sung hơn 2.000 người. Chính vì vậy, trong cao điểm, anh em cảnh sát phải làm thêm giờ, căng sức tập trung làm nhiệm vụ. Sau cao điểm, ai cũng mệt nhoài, cần xả hơi để tái tạo sức lao động. Đợt cao điểm này có điểm mới là chúng tôi huy động cả lực lượng cảnh sát khác như cảnh sát khu vực để giảm tải cho anh em CSGT. Nhưng, những cảnh sát diện huy động thêm này còn phải hoàn thành nhiệm vụ của họ.
Chúng tôi đã có kế hoạch sẽ dùng máy ghi hình tự động tại các cung đường. Khi ấy, cảnh sát không phải căng ra mặt đường, lái xe cũng hết phóng nhanh, vượt ẩu mỗi khi không thấy bóng dáng cảnh sát. Đấy cũng là biện pháp giảm tiêu cực của CSGT.
- Nhưng ngay trong những ngày cao điểm này, vẫn còn cảnh sát nhận tiền mãi lộ. Mặt khác, tình trạng nổi lên gần đây là người vi phạm tấn công lại cảnh sát. Tổng cục có “thuốc” gì mới chữa hai căn bệnh trên?
- Lâu nay, chúng tôi vẫn kiên trì công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức cho anh em chiến sĩ, để họ thấy công việc người cảnh sát là vất vả, thiếu thốn nhưng đáng tự hào. Tôi vẫn nói, người dân vi phạm lần đầu mà cảnh sát đứng ra giải thích để họ hiểu, chấp hành luật thì hình ảnh người cảnh sát sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Thời gian gần đây, báo chí phản ánh một số vụ cán bộ chiến sĩ nhận tiền mãi lộ. Tuy đây là bộ phận nhỏ nhưng là vấn đề nhức nhối. Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát đã có nhiều biện pháp xử lý. Chúng tôi cũng trân trọng sự giám sát của báo chí và nhân dân để phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn này.
- Xin cảm ơn Trung tướng.
NAM QUỐC