Gánh nặng viện phí

Bắt đầu từ ngày 1-6, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế và một số dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.
 Bắt đầu từ ngày 1-6 tới đây, theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới cho trên 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và một số dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, việc tăng giá viện phí tới đây đối với những người không có thẻ BHYT sẽ không đồng loạt mà sẽ được triển khai thành 3 đợt nhằm hạn chế những tác động tới kinh tế - xã hội của việc tăng viện phí.
Theo đó, đối với những bệnh viện tự chủ về tài chính, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho người không có BHYT sẽ thực hiện từ ngày 1-6. Các bệnh viện tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên sẽ thực hiện vào tháng 8, tháng 10 hoặc tháng 12-2017. Đối với các địa phương, việc tăng giá viện phí đối với nhóm đối tượng không có BHYT cũng được chia thành từng đợt. Trước tiên, viện phí mới áp dụng tại 20 địa phương có tỷ lệ người tham gia BHYT trên 85% dân số, sau đó thực hiện ở 20% số địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT trên 80% và đợt 3 dự kiến thực hiện vào cuối năm ở các tỉnh thành còn lại.

Theo Bộ Y tế, việc tăng giá viện phí mới là có kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí một số yếu tố trực tiếp cấu thành viện phí (chi phí thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị...) nên nhiều dịch vụ y tế sẽ có mức tăng 2-4 lần so với giá cũ và người không có thẻ BHYT sẽ phải chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. 
Cụ thể, tiền khám tối đa ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 là 39.000 đồng/lượt, hạng 2 là 35.000 đồng/lượt, hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và bệnh viện hạng 4/phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt. Giường điều trị hồi sức tích cực ở bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 335.000 đồng lên 677.000 đồng/người, bệnh viện hạng 1 tăng từ 354.000 đồng lên 632.000 đồng, hạng 2  từ 350.000 đồng lên 568.000 đồng. Đặc biệt, những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao thì mức chi 100% từ tiền túi rất lớn, ví dụ như chụp PET/CT chi phí tối đa đã lên tới hơn 20 triệu đồng, phẫu thuật về ngoại thần kinh có giá 4-7 triệu đồng, các phẫu thuật về tiêu hóa có chi phí tới 10 triệu đồng. 
Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, cả nước hiện có hơn 75 triệu người tham gia BHYT (chiếm hơn 81,7% dân số), gần 20% còn lại chưa tham gia BHYT. Do đó, việc điều chỉnh giá viện phí tới đây sẽ giúp người dân thấy lợi ích của BHYT để tham gia nhiều hơn. Bởi lẽ với những người tham gia BHYT khi đi bệnh viện đã được quỹ BHYT chi trả từ 80%-100% chi phí khám chữa bệnh tùy theo từng đối tượng thụ hưởng. Trong khi đó, đối với những người không có BHYT sẽ phải chi trả toàn bộ 100% chi phí khám chữa bệnh mỗi khi đau ốm với những khoản tiền không hề nhỏ.
Trong khi đó, Bộ Y tế cho biết, việc tăng viện phí tới đây theo quy định của Thông tư số 02/2017/TT-BYT sẽ không gây ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, vì người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi trên 80 tuổi, người dân sinh sống ở các xã đảo, huyện đảo, các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước mua thẻ BHYT và được bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để tiếp tục tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT khi viện phí tăng, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách cấp tiền lương cho các bệnh viện hiện nay để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT.
Hiện nay, người cận nghèo được hỗ trợ 70%-100% chi phí mua thẻ BHYT. Các địa phương cũng cần nâng mức hỗ trợ người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình để tham gia BHYT tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục