Gập ghềnh “Con đường di sản thế giới”

Gập ghềnh “Con đường di sản thế giới”

Được công nhận là di sản thế giới đã khó, bảo vệ di sản ấy còn khó gấp bội. “ Con đường di sản thế giới” luôn gập ghềnh.

  • Niềm tự hào của nhân loại
Gập ghềnh “Con đường di sản thế giới” ảnh 1

Ngọ Môn - Huế.

Nói đến Di sản thế giới, người ta thường nghĩ ngay đến Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Công trình kiến trúc độc nhất, vô nhị được ví như con rồng khổng lồ với chiều dài 10.000 dặm uốn mình trên những sườn núi của đất nước Trung Hoa. “Phôi thai” từ triều đại nhà Tần (221 - 206 trước Công nguyên) và hoàn tất vào đời nhà Minh, kỳ quan nổi tiếng thế giới này được UNESCO đưa vào danh sách các di sản văn hóa thế giới vào năm 1978. Nổi tiếng không kém là nhà thờ Đức Bà Paris - Notre Dame (Pháp), địa danh đã đi vào kiệt tác văn học “Nhà thờ Đức Bà” của đại văn hào Alexandre Dumas.

Đó là ngôi Thánh đường đẹp lộng lẫy với những cột trụ hình cung, những bức ảnh kể về quãng đời của chúa Jesus được in trên những ô cửa kính, những pho kinh tượng mô phỏng Kinh Thánh truyền thống và Kinh cựu ước trong khuôn viên, đặc biệt nhất là tượng Đức mẹ Đồng trinh - kiệt tác góp phần thu hút đông đảo khách đến tham quan. Năm 1991, nhà thờ Đức Bà được đưa vào danh sách di sản thế giới. Hay như đền Angkor của Campuchia (được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1992), thành phố cổ Jerusalem (được công nhận năm 1981), núi Taishan của Trung Quốc (được công nhận năm 1987)...

Gập ghềnh “Con đường di sản thế giới” ảnh 2

Phố cổ Hội An.

Về phần mình, Việt Nam tự hào góp vào danh sách di sản thế giới 3 di sản văn hóa là di tích cố đô Huế, khu đền tháp Mỹ Sơn, phố cổ Hội An và 2 di sản thiên nhiên là Vịnh Hạ Long và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tận dụng ưu thế về hình ảnh di sản, những năm qua, Việt Nam không ngừng quảng bá hình ảnh đất nước, con người thông qua du lịch. Nhiều cụm điểm du lịch lớn đã được hình thành như tam giác du lịch Huế - Hội An - Mỹ Sơn, chương trình lễ hội du lịch “Quảng Nam - Hành trình di sản”, “Đêm rằm phố cổ Hội An”, Festival Huế..., đặc biệt là các tour du lịch “Con đường di sản miền Trung” do Tổng cục Du lịch phối hợp các tỉnh có di sản tổ chức. Chỉ có ở Việt Nam, chỉ cần lựa chọn một hành trình trong “Chương trình du lịch được khai thác kết nối từ các di sản”, bạn có thể tham quan đến 5 di sản thế giới.

  • Vượt qua những gập ghềnh
Gập ghềnh “Con đường di sản thế giới” ảnh 3

Đền tháp Mỹ Sơn.

Di sản thế giới đã góp một phần không nhỏ vào tiến trình phát triển du lịch Việt Nam là điều đáng ghi nhận. Thế nhưng, kinh doanh du lịch luôn có hai mặt. Chẳng hạn: các công trình xây dựng hiện đại không đúng chỗ sẽ gây mất mỹ quan chung. Cụ thể sự kiện đang gây xôn xao hiện nay và đang làm các nhà chuyên môn đau đầu là dự án xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh (Huế) bởi yếu tố làm cho Huế nổi tiếng và được công nhận di sản không phải là khách sạn cao tầng mà là quần thể lăng tẩm, chùa chiền có lịch sử hàng trăm năm.

Còn Phong Nha - Kẻ Bàng, trước khi được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vốn là “miếng cơm” của hơn 40.000 người dân sống trong vùng đệm của vườn rừng. Ngày ngày, người lớn bẫy thú to, chặt phá cây rừng, trẻ con bẫy thú nhỏ, chim, gà... Khi Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là di sản thế giới thì tình trạng chặt phá, săn bắn cũng không mấy giảm. Đặc biệt, gần đây Việt Nam đưa thêm 11 di sản vật thể vào danh sách đề cử di sản văn hóa thế giới gồm: phố cổ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long (lần 3), Hoa Lư, Vườn quốc gia Cúc Phương, chùa Hương, bãi đá cổ Sa Pa, hồ Ba Bể, cố đô Huế (lần 2), khu di tích Cát Tiên, nhà tù Côn Đảo. Đồng thời, ngày 24-2-2005, Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định lấy ngày 23-11 hàng năm làm “Ngày di sản văn hóa Việt Nam”. Những điều đó vừa là cơ hội vừa làø thách thức mới trong khai thác và phát triển di sản Việt Nam.

Gập ghềnh “Con đường di sản thế giới” ảnh 4

Vịnh Hạ Long.

Xa hơn, nhìn ra thế giới, ít ai biết rằng chỉ có phần Trường Thành 30km trong đoạn thành dài 630 km ở khu vực Bắc Kinh là được đưa vào phục vụ du lịch, còn các phần khác ở Mông Cổ, Sơn Tây, Ninh Hạ, Cam Túc... đang bị xâm hại và tàn phá khốc liệt bởi thiên nhiên và con người. Càng ngày, Vạn Lý Trường Thành càng... ngắn đi. Năm 2004, Quỹ Bảo tồn thế giới đã liệt Vạn Lý Trường Thành vào danh sách “Những di sản thế giới gặp nguy hiểm nhất”. Để khắc phục, từ cuối năm 2003 đến nay, chính quyền Trung Quốc không ngừng nâng cấp, tu sửa những đoạn Trường Thành trong khu vực du lịch, cấm các hoạt động thương mại trong phạm vi 3km quanh Trường Thành (nếu đơn vị hoặc cá nhân nào vi phạm sẽ bị phạt trên 10.000 USD), đồng thời giáo dục thế hệ thanh niên trẻ Trung Quốc cách yêu biểu tượng đáng tự hào này.

Còn ở các quốc gia châu Âu, ngoài việc bảo tồn di sản, người ta còn tổ chức các lớp học qua mạng cho mọi cấp học bằng các đề tài thảo luận trực tiếp và bài trắc nghiệm với lịch trình học cụ thể; Các trang web cụ thể như: http://www.heritage.telemarksnett, http://www.tu-cottbus.de. Sự kiện đặc biệt gần đây nhất là vào ngày 1-3-2005, UNESCO đã ký cam kết hợp tác mời NASA (Cơ quan Hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ) làm tư vấn cho tổ chức này trong các công trình khoa học nhằm kiểm tra sự ảnh hưởng của bầu sinh quyển với di sản.

Tóm lại, thật tuyệt vời nếu đừng để mặt trái của du lịch và sự vô ý thức của con người gây ra những tiêu cực không đáng có. Không có con đường nào là không gập ghềnh, “con đường di sản thế giới” cũng vậy. Thế nhưng, trong thời đại mà du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như hiện nay, vượt qua “gập ghềnh” để tới đích, điều đó càng chứng tỏ vai trò của di sản thế giới.

HỒNG VÂN 

Tính cho đến tháng 7-2004, thế giới có 788 di sản của 135 quốc gia được UNESCO công nhận bao gồm 611 di sản văn hóa, 154 di sản thiên nhiên và 23 di sản hỗn hợp.

Theo thống kê của UNESCO vào năm 2004, đã có 35 trong tổng số 788 di sản thế giới có tên trong Danh sách các di sản thế giới đang gặp nguy hiểm (List of World Heritage Danger). UNESCO đề ra danh sách này nhằm cảnh báo các quốc gia có di sản văn hóa nằm trong danh sách phải kịp thời khắc phục để cứu sống di sản nếu không muốn nó mãi mãi mất đi trong danh mục di sản thế giới.

Tin cùng chuyên mục