Gặp lại anh hùng Nguyễn Viết Sinh

Gặp lại anh hùng Nguyễn Viết Sinh

Thời kháng chiến chống Mỹ, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài nghe tiếng một trong những huyền thoại của Bộ đội Trường Sơn. Đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Sinh. Từ làng Sen quê Bác, ông lên đường gia nhập Bộ đội Trường Sơn. Và chỉ trong chưa đầy 6 năm, người con xứ Nghệ đã lập chiến tích hiếm thấy: Gùi hàng đi bộ với tổng chiều dài bằng chiều dài một vòng Trái đất. Tấm gương của ông được đưa vào sách giáo khoa cho các thế hệ học sinh học tập. Con người của kỳ tích ấy hiện đang sống một cuộc sống bình dị trên quê hương Bác Hồ.

Gặp lại anh hùng Nguyễn Viết Sinh ảnh 1

Công việc thường ngày của anh hùng Nguyễn Viết Sinh

Anh hùng năm xưa

Người anh hùng của Trường Sơn năm xưa nay đã 72 tuổi, hiện sống tại khối Minh Phúc, phường Hưng Phúc, TP Vinh (Nghệ An). Những kỷ niệm về Trường Sơn vẫn không bao giờ phai mờ trong ông. Nó hiển hiện sau mỗi lần gặp đồng đội cũ và trong những khóm phong lan giản dị ông treo trong góc vườn. Năm 1961, chàng trai trẻ Nguyễn Viết Sinh lên đường nhập ngũ và từ đó gắn bó với đường Trường Sơn huyền thoại.

Với khẩu hiệu “1kg hàng là 1 đồng bào miền Nam đỡ đổ máu, 1 viên đạn là 1 kẻ thù”, ông cùng đồng đội đã vận chuyển hàng ngàn chuyến hàng, với nhiều hình thức từ gùi, thồ, vác, vận chuyển bằng thuyền… Người bình thường gùi 20-25kg, riêng ông nhiều lần gùi gấp đôi số ấy. Có thời kỳ như vào năm 1965, ông gùi đến 75kg với quãng đường đi dài 20km. Tiểu đội ông có 9 người nhưng làm việc bằng 11-12 người, ngay cả khi bị sốt rét, anh em vẫn gắng gượng giải phóng nhanh hàng trên xe, nhằm tránh sự đánh phá của máy bay giặc.

Ông nhớ những thời điểm như mùa khô 1966-1967 tại Lào, khi ấy đơn vị ông đang đóng tại Mường Pìn. Mùa khô ở Lào gần như không có mưa, việc tắm giặt, ăn uống vô cùng khó khăn. Nhưng thời gian này hàng vào Nam nhiều nên anh em luôn tăng tốc với phong trào thi đua “kiện tướng” bốc vác. Bình thường cứ xe đến là 2 người trên xe, 2 người chạy dưới và 2 người trong kho. 1 bì gạo sọc xanh nhỏ cũng 75kg, bì lớn 100kg, nhưng ông cùng đồng đội vẫn bốc dỡ nhẹ nhàng. Mỗi đêm như vậy tính bình quân 1 người bốc dỡ khoảng 10 tấn hàng.

Xem bảng thành tích của ông mới thấy kinh ngạc. Năm 1962: gùi được 13.553kg với 296 cáng trên đoạn đường 10.196km; năm 1963: gùi 9.365kg và khiêng 23 cáng thương trên nhiều đoạn đường dài; năm 1964: mang vác 11.445kg, thồ với tổng số 8.230kg, khiêng 62 ca thương binh, cả năm 323 ngày trên đoạn đường 10.982km…

Ngày 1-1-1967, ông Sinh được Bác Hồ ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Nghe tin được về Hà Nội để nhận danh hiệu cao quý này, ông vui mừng khôn xiết vì hy vọng sẽ được gặp Bác Hồ. Nhưng chiến tranh ác liệt nên mới ra đến Quảng Bình ông nghe tin lễ tuyên dương đã diễn ra rồi. 2 năm sau ông được cử ra Hà Nội học, nhưng ước mơ được gặp Bác Hồ cũng không thành hiện thực, vì khi đó Bác kính yêu đã đi vào cõi vĩnh hằng.

Trăn trở hôm nay

Tôi may mắn được gặp ông khá nhiều lần, trong đó có những dịp rất đặc biệt. Lần tại Lạt (thị trấn Tân Kỳ, Nghệ An) - nơi có cột mốc số 0 - điểm khởi đầu đường Trường Sơn thời chống Mỹ, ông ngồi trên hàng ghế danh dự cùng các Bà mẹ VNAH, cựu thanh niên xung phong…

Khi mọi người ôn lại một thời Trường Sơn, kể về những đồng đội cũ, ông đã nhiều lần lặng lẽ lấy khăn thấm nước mắt. Lần đặc biệt thứ 2 là trong dịp đoàn 1.000 Bà mẹ VNAH, các anh hùng về Hà Nội dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Thật cảm động khi các đại diện tiêu biểu ghé thăm làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn) quê Bác. Cảm động nhất là cuộc gặp giữa ông và Anh hùng lao động Hồ Giáo. Hai con người, một anh hùng trên mặt trận chiến đấu, một anh hùng trên mặt trận lao động… ôm lấy nhau cười vang vô cùng mãn nguyện.

Một chiều đầu tháng 3 năm nay, tôi lại đến thăm gia đình anh hùng Nguyễn Viết Sinh. Vừa dắt xe vào cổng, ông khoe ngay: “Phong lan lại sắp nở hoa rồi cháu ạ”. Ông nói và đưa tôi lại xem những giò phong lan được ông chăm chút rất cẩn thận. Với ông, nó như một phần năm tháng Trường Sơn mà ông luôn nhớ. Vừa pha trà, như sực nhớ ra, ông bảo: “Mới xin được cho con dâu về dạy gần nhà”. Ông có vẻ rất vui vì việc này. Con dâu đầu của nhà ông trước đây phải dạy học ở Can Lộc rồi Nghi Xuân (Hà Tĩnh), trong khi đó chồng là bộ đội đóng quân tận Thái Nguyên. Chính vì vậy ông bà khá vất vả trong việc chăm sóc hai đứa cháu nội. Trong khi đó bản thân ông là thương binh 3/4, cô Đinh Thị Vân - vợ ông cũng là thương binh 4/4. Cách đây 4 năm cô Vân bị tai biến mạch máu não nên việc nhà ông phải lo khá vất vả. Người con gái thứ 2 ra trường trầy trật mấy năm trời mới xin được việc và giờ lấy chồng ở Nam Đàn, con trai út của ông làm nghề lái xe hết tận Điện Biên, rồi miền núi Nghệ An đến bây giờ mới tạm ổn định ở quê Nam Đàn.

Ông tâm sự: “Ba đứa con nhà chú đều vất vả cả, học ra trường xin hết nơi này nơi khác thật gian truân”. Tôi ướm hỏi: “Người có tiếng như chú, sao chú không nhờ giúp đỡ?”. Ông cười: “Nói thật với cháu chiến đấu hy sinh thì dễ, xin xỏ gì... khó lắm! Hòa bình rồi, ngay đến ngày thành lập Quân đội Nhân dân 22-12, từ tỉnh, thành phố và cả phường ở gần đây họ cũng có biết chú là ai đâu? Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Bộ đội Trường Sơn có ông Phó Chủ tịch tỉnh tới thăm. Thế cũng quý lắm rồi!”.

Nhắc về những kỷ niệm Trường Sơn ông tỏ ra ưu tư. Nhà nước ta đã hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc dọc Trường Sơn rất nhiều, nhưng sao nhiều nơi vẫn còn nghèo? Đất nước đã xây dựng mở mang rất nhiều nhưng những di tích lịch sử Trường Sơn vẫn chưa được phục dựng, chăm sóc? “Mỗi lần đi thăm các nghĩa trang liệt sĩ, thăm con cái những đồng đội bị chất độc da cam chú thấy gia đình mình còn hạnh phúc hơn nhiều. Cho đến bây giờ chú vẫn giữ vững danh hiệu anh bộ đội Cụ Hồ, con cái không hư hỏng, vậy là mãn nguyện lắm rồi” - ông bộc bạch.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục