Ghi nhanh: Rạo rực Tết khắp mọi miền

Thủ đô rực rỡ cờ hoa
Ghi nhanh: Rạo rực Tết khắp mọi miền

Thủ đô rực rỡ cờ hoa

Hà Nội đêm Giao thừa đón xuân mới Quý Tỵ 2013, trời rét ngọt, mưa bụi lất phất, thời tiết dường như chiều lòng người hơn, làm không khí thêm ngập tràn tiết xuân. Rất nhiều đường phố của Thủ đô được trang hoàng lung linh, rực rỡ trong sắc đèn màu và tràn ngập hoa tươi. Càng gần tới thời khắc giao thừa, dòng người nườm nượp đổ trung tâm thành phố: Hồ Gươm, phố Tràng Tiền, Nhà hát lớn... Niềm hân hoan chào đón một một năm mới hiện rõ trên khuôn mặt từng người.

Khu vực quanh Hồ Gươm lộng lẫy với rất đèn màu và hoa, cùng với các khẩu hiệu “Chúc mừng năm mới, Mừng Đảng, Mừng Xuân...”. Tại vườn hoa Lý Thái Tổ gần đó, nhiều người thành kính thắp hương dưới chân tượng đài và chụp những bức ảnh lưu niệm trước thời khắc chuyển giao sang năm mới. Trên sân khấu ca nhạc ngoài trời ở khu vực Đền Bà Kiệu, đài phun nước Bờ Hồ, nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc được các nghệ sỹ biểu diễn ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi Tổ quốc thân yêu trong sự cổ vũ nhiệt tình của hàng ngàn người dân.

Cầu chúc một năm mới bình an

Cầu chúc một năm mới bình an

Người dân Hà Nội đổ ra đường đón giao thừa

Người dân Hà Nội đổ ra đường đón giao thừa

Càng gần đến giờ giao thừa, dòng người tập trung về các điểm bắn pháo hoa càng đông hơn. Năm nay, ngoài điểm bắn chính tại hồ Gươm, Hà Nội còn có hơn 25 điểm bắn pháo hoa khác như  Hồ Tây, sân vận động Mỹ Đình, Công viên Thống Nhất; Vườn hoa Lạc Long Quân... Đúng 0h, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Quý Tỵ 2013, pháo hoa sáng rực trên bầu trời Hà Nội, mọi người từ già tới trẻ ở khắp nơi hân hoan chào đón một năm mới, khắp nơi rộn tiếng và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Ngay sau màn bắn pháo hoa lung linh và rực rỡ sắc màu, rất nhiều người cùng với gia đình, bạn bè đã đi lễ phủ Tây Hồ, các chùa Quán Sứ, Chùa Hà, Phúc Khánh, Bà Đá…  để cầu chúc một năm mới bình an.

Văn nghệ chào mừng năm mới

Văn nghệ chào mừng năm mới

Pháo hoa trên bầu trời Lý Sơn

Pháo hoa trên bầu trời Lý Sơn

  • Điện Biên vui đón Tết

Đêm giao thừa, hàng ngàn cán bộ công chức, đồng bào các dân tộc tại thành phố Điện Biên Phủ và các địa phương lân cận đã đổ về sân Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh Điện Biên tham gia các hoạt động văn hóa, thưởng thức màn pháo hoa đón giao thừa.   

Tại địa điểm này, từ 20h - 22h30 ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh đã tổ chức tiếp sóng trực tiếp Đài truyền hình Việt Nam phục vụ nhân dân. Tiếp đó, chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên khúc ca mùa xuân - mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng xuân Quý Tỵ” do các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn nghệ thuật Hoa ban trắng và các đội văn nghệ quần chúng thực hiện. Nội dung chương trình nghệ thuật gồm các bài hát, điệu múa ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi mùa xuân của đất nước, cùng những làn điệu, điệu múa dân gian của các dân tộc địa phương.   

Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tỉnh Điện Biên đã tổ chức bắn pháo hoa đón giao thừa ở tầm thấp với thời gian 15 phút.

  • Sắc xuân trên miền “đất cổ” Na Hang

Cái tên Na Hang bắt nguồn từ hai chữ Nà Hang, theo tiếng đồng bào dân tộc Tày có nghĩa là ruộng cuối. Trước đây từ thành phố Tuyên Quang đến Na Hang chỉ duy nhất một con đường độc đạo dài hơn 100km nhưng phải đi mất vài ngày. Hiện nay, đường lên Na Hang được nâng cấp mở rộng nên từ thành phố Tuyên Quang lên Na Hang rút ngắn chỉ còn khoảng hơn 2 tiếng nếu đi xe khách. Đến Na Hang những cánh đồng lúa xen kẽ những núi đá vôi, những khu rừng nguyên sinh, đặc biệt là hồ trên núi tạo nên phong cảnh hữu tình. 

Ông Lộc Minh Tân - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Hang tự hào cho biết: Na Hang là miền “đất cổ”. Hiện trên vùng đất Na Hang có nhiều hang động là nơi cư trú của nhiều thế hệ cư dân tiền sử như: hang Ngườm Hầu, thuộc địa phận thôn Nà Lộc, xã Thanh Tương; hang Phia Muồn, thuộc thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú; hang Phia Vài…

Đến hang Ngườm Hầu, xã Thanh Tương, huyện Na Hang, du khách sẽ được khám phá nơi ở của người cổ Ngườm Hầu. Dấu tích của người tiền sử được tìm thấy ở hầu khắp diện tích hang, với 2 lớp văn hóa phát triển trực tiếp lên nhau, không có lớp phân cách. Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trình Năng Chung, Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Viện Khảo cổ học Việt Nam), hang Ngườm Hầu là một di tích cư trú của nhiều thế hệ cư dân tiền sử. Lớp cư trú sớm nhất thuộc cư dân văn hóa hậu kỳ đá mới, có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 đến 4.200 năm. Lớp cư trú muộn thuộc thời kỳ kim khí, niên đại cách ngày nay khoảng 3.000 - 3.500 năm.

Rời hang Ngườm Hầu theo đường bộ, đến với hang Phia Muồn thuộc thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú. Xung quanh cửa hang được bao phủ bởi màu xanh trù phú của núi rừng xanh thẳm với nhiều tầng bao phủ dầy đặc. Dòng suối nhỏ nằm ở cửa hang là nơi sinh tồn của nhiều loài thủy sinh, là nguồn cung cấp nước và môi trường sinh sống chủ yếu cho cư dân tiền sử khu vực này. Hang Phia Muồn được phát hiện có 12 bộ di cốt, 2 di tích bếp lửa, 2,45 kg xương răng động vật, 712 công cụ lao động đồ đá, cùng nhiều con ốc núi, ốc suối… Đáng chú ý, nơi đây có 1 vỏ ốc biển Cyprea arabica trong lớp văn hóa 4. Đây là bằng chứng thuyết phục chứng minh giai đoạn này đã có sự giao lưu trao đổi giữa cư dân Phia Muồn với cư dân miền biển…

Không chỉ tự hào là miền “đất cổ”, Na Hang còn được ví như "Nàng tiên xanh" giữa đại ngàn. Kể từ khi được tích nước, hồ thuỷ điện Tuyên Quang trở thành một vùng non nước hữu tình rộng hơn 8.000 ha mặt nước, với 99 ngọn núi hùng vĩ được ví là như "Hạ Long cạn giữa đại ngàn". Đặc biệt đáng chú ý, 10 di tích tại khu vực hồ thuỷ điện Tuyên Quang gồm: Hang Phia Vài, động Song Long, thác Nặm Me (xã Khuôn Hà, huyện Na Hang); hang Phia Muồn (xã Sơn Phú, huyện Na Hang); đền Pác Tạ (thị trấn Nà Hang); chùa Phúc Lâm, Xưởng Quân khí H52, thắng cảnh Thượng Lâm (xã Thượng Lâm, huyện Na Hang); cơ quan ấn loát đặc biệt Trung ương, địa điểm sản xuất diêm tiêu (xã Năng Khả, huyện Na Hang) đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp Quốc gia.     

Không những vậy, Na Hang mùa xuân này còn có chợ vùng cao Thượng Lâm - họp vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Ở đây du khách có thể vừa thưởng thức chén rượu ngô Na Hang nổi tiếng nấu bằng men lá, vừa nghe những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết về miền đất nhiều huyền thoại này. Cuối bữa ăn, còn được nhâm nhi chén trà Shan Tuyết nóng hổi với vị ngọt đậm đà - một đặc sản của vùng núi cao Na Hang. 

  • Ngày Xuân vào Đại Nội nghe Nhã nhạc cung đình Huế

Tết năm nay, Nhà hát Duyệt Thị Đường - Đại Nội, TP Huế tổ chức biều diễn nghệ thuật Nhã nhạc cung đình Huế. Không gian diễn xướng là nhà hát được xếp vào loại cổ nhất Việt Nam hiện nay, bởi từng được xây dựng cách đây 200 năm, dưới triều Nguyễn. Thời đó, Duyệt Thị Đường là nơi biểu diễn nghệ thuật như tuồng, múa, nhã nhạc cung đình cho nội cung vua.

Đạo diễn Trương Tuấn Hải, Giám đốc nhà hát nghệ thuật cung đình Huế cho biết: Là một loại hình âm nhạc mang tính bác học của các triều đại quân chủ trong xã hội Việt Nam suốt hơn 10 thế kỷ. Nhã nhạc nhằm tạo sự trang trọng cho các cuộc tế, lễ cung đình như Tế Giao, Tế miếu, Lễ Đại triều, Thường triều... Tinh hoa này được cô đọng lại dưới triều Nguyễn, khiến cho Huế càng được khẳng định hơn về một trung tâm văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Từ loại hình âm nhạc chỉ phục vụ trong cung vua xưa, Nhã nhạc cung đình Huế ngày càng đến rộng rãi với công chúng.

  • Mùa xuân trên đất chín Rồng

Thành phố Cần Thơ, 20 giờ 29 Tết

Bến Ninh Kiều người chật cứng dưới những tàng cây xanh rì đầy màu sắc từ hệ thống đèn màu. Xa xa, cầu Cần Thơ lấp lánh trông rất đẹp mắt. Thư viện TP Cần Thơ vẫn có người đến đọc sách báo dù giờ khắc giao thừa đã gần kề. Chợ đêm Tây Đô, chợ cổ Cần Thơ đèn sáng rực, người mua bán tấp nập, trong đó có khá nhiều du khách nước ngoài và Việt kiều về thăm quê. Dòng người và xe đã chật cứng các con đường dẫn về Bến Ninh Kiều để xem bắn pháo bông. Các vỉa hè đường Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần, Ngô Quyền, Phan Đình Phùng…, các khoảng sân trước chợ cổ đều biến thành các bãi giữ xe “dã chiến”.

Rất nhiều người đến xem chương trình văn nghệ tổng hợp “Mùa xuân trên đất chín Rồng” được tổ chức hoành tráng tại công viên Lưu Hữu Phước. Chương trình do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Thành ủy TP Cần Thơ tổ chức, gồm 3 phần chính: “Tây Nam bộ - Chung sức vì cộng đồng”; “Những thời khắc lịch sử” và “Đồng bằng hòa nhịp mùa xuân”.. Ngoài sân khấu chính tại khu đô thị Phú An (TP Cần Thơ), chương trình còn có các điểm cầu truyền hình phụ tại Tiền Giang, An Giang, Cà Mau, Hậu Giang và đại lộ Hòa Bình (Cần Thơ).

Ngoài các tiết mục ca múa nhạc được đầu tư và dàn dựng công phu, chương trình “Mùa xuân trên đất chín Rồng” còn có những phóng sự điểm lại thành tựu phát triển của ĐBSCL sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị. Những sự kiện lịch sử quan trọng như: 45 năm chiến thắng Ấp Bắc, 45 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, 40 năm ký kết hiệp định Paris… đã được ôn lại qua video clip tổng hợp và lời kể của các nhân chứng lịch sử. Đặc biệt, chương trình an sinh xã hội với bà con nghèo ở ĐBSCL được BCĐ Tây Nam bộ huy động xã hội hóa 260 phần quà cho 260 gia đình ở 13 tỉnh, thành trong khu vực. BCĐ Tây Nam bộ còn trao tặng 50 căn nhà nghĩa tình đồng đội tại Cần Thơ.

Chị Lê Thị Kiều My, Việt kiều Pháp cho biết: Năm nào tôi cũng về Cần Thơ đón tết, năm nay thấy thành phố nầy đổi mới nhiều, không khí đón tết của mọi người thật vui vẻ, rộn ràng…

22 giờ 50 phút

Trên các tuyến đường chính của TP Cần Thơ như Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Trãi, Hòa Bình, 30 Tháng 4 …đông đảo người và các phương tiện giao thông. Dù đã tối nhưng vẫn còn nhiều điểm bán hoa tết và dưa hấu còn hoạt động. Khá nhiều điểm bán mũ bảo hiểm, giày dép giá “ bèo” trên lề đường thu hút nhiều người mua. Cạnh đó các cửa hàng kinh doanh quần áo, rượu bia, bánh mứt, điên thoại di động đều mở cửa bán đêm… Tại các giao lộ, các vòng xoay, các khu vui chơi như công viên văn hóa Miền Tây, Bến xe mới, Khu vực Bãi Cát, công viên Lưu Hữu Phước có rất nhiều chiến sĩ công an, kiểm soát quân sự, thanh tra giao thông trực chiến.

0 giờ

Pháo bông tầm cao bắn lên trời sáng rực. Bến Ninh Kiều không còn một khoảng trống. Nhiều người ở xa dân túa ra đường để xem với những tiếng vỗ tay, tiếng cười, tiếng ngợi khen rôm rả. Hai bên đường có khá nhiều gia đình bày mâm lễ để đón chào năm mới với bao lời chúc tốt lành. Đường phố vắng xe. Giọng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc thư chúc mùng năm mới trên truyền hình kèm tiếng nổ đùng đùng của pháo bông nghe thật rạo rực, thiêng liêng.

0 giờ 15 phút

Đợt bắn pháo hoa cuối cùng đã chấm dứt. Dòng người lại đổ về nhà. Dù đã huy động rất nhiều lực lượng làm nhiệm vụ điều tiết giao thông nhưng cảnh ùn tắc giao thông vẫn diễn ra nhất là vòng xoay Đại lộ Hòa Bình, Bến xe Mới, đường Nguyễn Trãi, Cách Mạng Thánh Tám. Cảnh sát giao thông làm việc liên tục và vất vã trong đó có nhiều nữ cảnh sát. Nhiều xe hon đa chạy cả trên vỉa hè để thoát cảnh kẹt xe. Các quán nhậu bình dân hai bên đường Đinh Tiên Hoàng (còn goi là đường Ba Khía, phường Thới Bình) không còn chỗ trống, nhiều nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên đến nhậu chào năm mới. Tại các chùa lớn như Thới Long, Khánh Quang, Hội Linh…có nhiều người đến xin lộc đầu năm để cầu mong gia đình hạnh phúc, mạnh khỏe, làm ăn tấn tài, tấn lộc. Nhiều điểm bán xăng lẻ vẫn hoạt động bởi hầu hết các cây xăng đã đóng cửa.

Tại An Giang, sau màn bắn pháo hoa tại công trường Tôn Đức Thắng, thành phố Long Xuyên, vào đêm giao thừa, lãnh đạo tỉnh An Giang đã tổ chức hai đoàn do ông Phan Văn Sáu - Bí thư Tỉnh ủy và ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang dẫn đầu đến thăm, chúc Tết và đón giao thừa cùng các lực lượng làm nhiệm vụ trong đêm cuối năm.    

Các đoàn đã đến thăm, chúc Tết cán bộ y bác sĩ và bệnh nhân Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang; công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường An Giang đang làm vệ sinh đường phố, Bộ Chỉ huy Quân sự và Công an thành phố Long Xuyên…    

Năm nay, tỉnh Đồng Tháp tổ chức bắn pháo hoa đón chào năm mới mừng Xuân Quý Tỵ 2013 tại thị xã Sa Đéc, thị xã Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân vui xuân đón tết. Bên cạnh đó, Lễ hội giao thừa được tổ chức hoành tráng tại Quảng trường tượng đài Bác Hồ (Công viên Sa Đéc) với chủ đề “Chuyện tình bên dòng Sa Giang”, thông qua chương trình nhằm giới thiệu những đặc sản gắn liền với vùng đất Đồng Tháp đến với mọi người và du khách như: chiếu Định Yên, nem Lai Vung, quýt hồng Lai Vung, xoài Cao Lãnh, đặc biệt là làng hoa Sa Đéc nổi tiếng từ lâu. Các tuyến đường tại nội ô thị xã Sa Đéc cũng được trang hoàng đèn hoa lộng lẫy để người dân tham quan chiêm ngưỡng.   

Trước đó thị xã Sa Đéc đã tổ chức lễ hội hoa xuân Sa Đéc 2013 nhầm nâng tầm thương hiệu cùa làng hoa Sa Đéc, tạo tiền đề tổ chức sự kiện Festival hoa Sa Đéc trong tương lai. Qua đó giới thiệu một hình ảnh Sa Đéc giàu tiềm năng, từ các khu công nghiệp, các làng nghề truyền thống, di tích lịch sử văn hóa…tạo điểm đến lý tưởng cho du khách và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.   

Đến thị xã vùng biên Hà Tiên, chúng tôi thấy không khí đón Tết ngập tràn trong từng gia đình. Nơi nào cũng nghe bà con nói chuyện được mùa, chuyện học hành của con trẻ, nhất là chuyện nghĩa tình quân – dân. Chị Thị Lon, ngụ xã Mỹ Đức, chia sẻ niềm vui: Người dân Mỹ Đức cảm ơn Đảng, Nhà nước đã hướng dẫn cách làm ăn thoát nghèo, con em được cắp sách tới trường. Năm nay được mùa nên đón Tết lớn hơn năm ngoái. Chúng tôi còn được các anh em bộ đội đóng quân trên địa bàn giúp thu hoạch mùa màng, vui lắm.  

Tết ở biên giới, mọi người gặp nhau không chỉ “khoe” nhau cái ăn, cái mặc hàng ngày mà lo xa hơn, làm sao giảm nghèo, làm giàu. Năm 2012, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nên điện, đường, trường, trạm ở khu vực này được đầu tư khá hoàn chỉnh, nhất là mới đưa công trình cấp nước sạch (ngày 30/1) từ đất liền ra “ốc đảo” khu phố 5, phường Đông Hồ với chiều dài đường ống hơn 5,5km, kinh phí đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng, tạo đổi thay về kinh tế - xã hội ở thị xã vùng biên giới.

  • Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Lễ Xông đất đầu năm

Sáng 10-2 (mùng 1 Tết), tại Khu du lịch Hồ Tràm Strip (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức Lễ Xông đất doanh nghiệp đầu xuân-Xuân Quý Tỵ 2013 với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, gần 200 lãnh đạo doanh nghiệp và một số du khách đang nghỉ dưỡng tại Khu du lịch vào đúng dịp đầu xuân. Lễ gồm các hoạt động đầy ý nghĩa, mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam như: Lễ dâng hương tổ tiên; màn đánh trống khai xuân do ông Nguyễn Tuấn Minh - Bí thư Tỉnh ủy thực hiện tạo khí thế giòn giã cho cả một năm mới; lãnh đạo tỉnh phát biểu chúc tết các doanh nghiệp; tặng lộc đầu xuân; múa lân sư rồng; khui rượu xuân và đặc biệt là thưởng thức những món ăn ngày Tết đặc sắc từ khắp mọi miền đất nước…    

Tại buổi Lễ Xông đất, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, ông Trần Minh Sanh-Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu, triển khai các giải pháp phù hợp, linh hoạt, tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp để tạo sự bứt phá ngay trong năm 2013. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (giai đoạn 2010-2015), tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu phát triển ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu mang tầm cỡ quốc tế và khu vực, vì vậy, bên cạnh sự quyết tâm của tỉnh rất cần sự đồng lòng, dốc sức của cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn.    

Năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn tăng trưởng khá, GDP tăng 6,1% trong đó, nổi bật là doanh thu dịch vụ tăng gần 14%. Cụ thể, toàn tỉnh đã đón 11 triệu lượt du khách, đạt doanh thu hơn 2.400 tỉ đồng (tăng 18% so với năm 2011). Nhiều dự án lớn trong lĩnh vực du lịch mang tính động lực đã hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng như: Khu du lịch Hồ Tràm Strip với 540 phòng khách sạn 5 sao, Khu du lịch Vietsovpetro với 184 phòng khách sạn 5 sao, Dự án Việt-Nga tại Côn Đảo với 180 phòng khách sạn 5 sao…chắc chắn sẽ thu hút lượng lớn du khách quốc tế, góp phần tăng thu cho ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội ở tỉnh.   

  • TPHCM nhộn nhịp ngày đầu năm mới

Đêm giao thừa Quý Tỵ, TPHCM tổ chức bắn pháo hoa tại 7 địa điểm, trong đó có 1 điểm tầm cao và 6 điểm tầm thấp. Điểm bắn pháo hoa tầm cao là khu vực đầu Đường hầm sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, quận 2). 6 điểm tầm thấp gồm: Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc (quận 9); Công văn Văn hóa Đầm Sen (quận 11); Đền Tưởng niệm Liệt sỹ Bến Dược (huyện Củ Chi); Khu Tưởng niệm Liệt sỹ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn); Khu Di tích Lịch sử Láng Le - Bàu Cò (huyện Bình Chánh); Sân bóng đá huyện Cần Giờ (huyện Cần Giờ).

Sáng mồng một Tết nhiều người dân TPHCM đã đổ ra đường du xuân. Tâm điểm của hoạt động du xuân và đón năm mới tại TP HCM vẫn là khu trung tâm quận 1 như Lê Duẩn, Đồng Khởi, Phạm Ngọc Thạch, nhà thờ Đức Bà. Nhiều người đã chọn chùa là nơi đến đầu năm. Tại chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, hàng trăm người đã đến lễ chùa từ rất sớm để cầu mong một năm mới an bình.

Người dân TPHCM đi lễ chùa sáng mùng 1 Tết

Người dân TPHCM đi lễ chùa sáng mùng 1 Tết

Biểu diễn múa Lân - một hoạt động vui Tết được tổ chức ở nhiều nơi.

Biểu diễn múa Lân - một hoạt động vui Tết được tổ chức ở nhiều nơi.

Lực lượng vệ sinh đường phố vẫn phải làm việc tích cực để đường phố ngày Tết luôn sạch đẹp.

Lực lượng vệ sinh đường phố vẫn phải làm việc tích cực để đường phố ngày Tết luôn sạch đẹp.

Anh công nhân này đang đến tưới cây tại công công viên 23-9 trong ngày đầu năm mới.

Anh công nhân này đang đến tưới cây tại công công viên 23-9 trong ngày đầu năm mới.

Nhiều khách du lịch nước ngoài đến TPHCM đúng vào ngày Tết ta.

Nhiều khách du lịch nước ngoài đến TPHCM đúng vào ngày Tết ta.

 Nhóm phóng viên SGGP - TTX

Tin cùng chuyên mục