Thị trường Tết Bính Tuất

Giá cả... nhảy múa

Giá cả... nhảy múa

Chỉ còn 3 ngày nữa là khép lại mùa kinh doanh hàng Tết Bính Tuất. Lượng hàng hóa từ các tỉnh đổ về TPHCM đã tăng rất cao, nhu cầu mua sắm của người dân tại nhiều siêu thị tăng vọt. Giá bán một số mặt hàng chủ lực như thịt heo, bánh mứt Tết… tiếp tục biến động.

  • Thịt heo giảm giá - Mứt Tết hút hàng

Sáng 25-1 (tức 26 Tết), lượng heo về chợ đầu mối Phạm Văn Hai đã tăng lên tới 235 tấn. Một điều bất ngờ đã xảy ra là giá bán sỉ thịt heo tiếp tục giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với ngày 24-1. Cụ thể, giá bán thịt heo ngon đầu giờ họp chợ chỉ còn 26.000 đồng/kg, đến cuối giờ họp chợ chỉ còn 19.000 đồng/kg.

Giá cả... nhảy múa ảnh 1

 Khách chọn mua bánh kẹo Tết tại CoopMart Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: CAO THĂNG

Một số thương lái khẳng định, hiện lượng heo tại các trại chăn nuôi và heo trong dân vẫn còn rất nhiều, do vậy không thể thiếu nguồn hàng. Ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai cũng thừa nhận, chưa có năm nào nguồn heo dồi dào như năm nay.

Hiện giá heo hơi chỉ còn khoảng 19.000-21.000 đồng/kg, thấp hơn so với cùng kỳ 2.000-3.000 đồng/kg. Vào ngày 28 và 29 Tết lượng heo về chợ có thể tăng lên đến hơn 6.000 con. Do lượng hàng nhiều nên giá bán sỉ heo mảnh vào những ngày cuối cũng khó có thể nhích lên được, hoặc nếu có cũng chỉ tăng thêm 1.000-2.000 đồng/kg.

Trái ngược với giá thịt heo, các loại mứt Tết tiếp tục hút hàng, giá bán tăng thêm 5.000 đồng/kg. Tại nhiều chợ bán lẻ đã và đang xảy ra tình trạng “cháy” mặt hàng mứt. Một tiểu thương chợ Bến Thành cho biết: “Thủ phạm” chính làm khan hiếm nguồn hàng này là do giá đường trong thời gian qua tăng đột biến.

Nhiều cơ sở sản xuất không dám mạo hiểm dự trữ đường để làm mứt. Đến nay, khi giá đường giảm xuống thì thời điểm làm mứt Tết cũng đã qua. Cả người bán lẫn người mua đều chịu thiệt! Cùng với mặt hàng mứt, giá bán lẻ các loại bánh trên thị trường đã tăng nhẹ khoảng 2%-3%.

  • Thủy hải sản, rau xanh và trái cây: Giá tiếp tục biến động

Ông Trương Minh Đức, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty chợ Bình Điền, đơn vị quản lý chợ đầu mối thủy hải sản Chánh Hưng cho biết, lượng hàng về chợ ngày 25-1 đạt mức 327 tấn/ngày, giảm khoảng 10 tấn so với ngày 24-1. Tuy nhiên sức mua tại chợ không tăng mà lại có chiều hướng giảm.

Giá bia các loại đang bán trên thị trường cũng tăng khá cao so với giá gốc của các công ty đưa ra: bia 333 đứng ở mức 170.000 đồng/thùng, bia Heineiken 251.000 đồng/thùng, bia Tiger 200.000 đồng/thùng, nước ngọt Coca Cola 100.000 đồng/thùng và 16.500 đồng/cặp (loại 3 lít/cặp)…

Giá bán hầu hết các loại cá biển đều giảm nhẹ: cá thu còn 39.000-43.000 đồng/kg, cá ngân 17.000 đồng/kg, cá nục còn 6.000-8.000 đồng/kg. Riêng tôm và mực, giá bán tăng khoảng 5.000 đồng/kg: tôm 85.000 đồng/kg, mực lá 65.000 đồng/kg.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng rau, củ, quả, trái cây về chợ tiếp tục tăng mạnh - đạt mức 1.889 tấn, tăng 400 tấn so với ngày 24-1, trong đó hàng bông 223 tấn, rau Đà Lạt 928 tấn, trái cây 738 tấn, dưa hấu 400 tấn, bưởi 40 tấn. Giá bán sỉ các mặt hàng này đã tăng khoảng 500 -1.000 đồng/kg tùy loại rau.

Bưởi Năm Roi và bưởi Năm Hồng về chợ nguyên cuống, lá dành cho nhu cầu chưng mâm trái Tết giá 9.000 – 10.000 đồng/kg. Một điều chắc chắn là rau, củ, quả và trái cây phục vụ cho dịp Tết sẽ không thiếu, nhưng giá bán các loại rau ngon và trái cây trong 2 ngày cuối cùng có thể tăng cao.

  • Thực phẩm chế biến: Tăng giá

Tại các chợ Bến Thành, An Đông, giá bán nhiều loại thực phẩm ngâm chua như củ kiệu, củ sen, dưa chuột, măng chua, tôm chua, lỗ tai heo… tăng thêm 5.000-10.000 đồng/kg so với ngày 20-1. Các loại thực phẩm chế biến như giò lụa, giò thủ, lạp xưởng, chả giò của các công ty như Vissan, Cầu Tre, Việt Hương, APT… bán tại các siêu thị thì giá tương đối ổn định, nhưng tại các cửa hàng bán lẻ thì đã tăng khoảng 5%-10% so với những ngày trước đó.

Ông Trương Trung Việt, Phó Giám đốc Sở Thương mại cho biết: Mặc dù sức mua năm nay tăng 20%-25% so với năm trước, nhưng bù lại lượng hàng hóa phục vụ Tết rất dồi dào, phong phú.

Các mặt hàng thực phẩm tươi sống chủ lực như thịt heo, thủy hải sản, rau xanh, trái cây chắc chắn sẽ không thiếu nguồn hàng. Tuy nhiên, giá bán các mặt hàng này vào giờ chót có thể sẽ còn biến động.

Hoa, kiểng Tết: Nhiều giống mới nhập về

Năm nay, thị trường hoa kiểng chưng Tết xuất hiện thêm nhiều giống mới nhập về từ Thái Lan, Đài Loan như ngọc mai, hoàng điệp, trường xuân, nguyên soái, dương xỉ Thạch Sanh, cẩm thạch, bạch tuyết Nhật... với giá 20.000 – 150.000 đồng/chậu tùy loại.

Các chủ kinh doanh hoa kiểng trên đường Nguyễn Trãi (quận 1), Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận), Phan Huy Ích (Gò Vấp)… cho biết, một loạt giống hoa mới được trồng trong chậu gốm nhỏ hoặc chậu nhựa có móc treo đều cho hoa dày đặc, cánh hoa dày, cứng cáp nên chưng lâu tàn, nhiều màu sắc tươi thắm tha hồ cho khách hàng lựa chọn.

Đặc biệt, nhà vườn ở các tỉnh miền Tây còn chuyển về thành phố nhiều chậu cây ăn quả có dáng thấp, đẹp, đang đậu trái như thanh long, vú sữa, xoài, bưởi… tham gia trưng bày và bán tại chợ hoa xuân ở công viên 23-9 và công viên Lê Văn Tám.

Trong khi đó, hoa Đà Lạt gần như chiếm lĩnh thị trường hoa cắt cành với hàng loạt giống mới lai tạo như hồng sôcôla, hồng măng cụt, cẩm chướng xanh… Ngay cả loại hoa nụ tầm xuân (còn gọi là đào Trung Quốc) mọi năm phải nhập từ Trung Quốc, cũng đã được nhà vườn ở Đà Lạt trồng thành công và bán dưới dạng hoa cắt cành hoặc vô chậu với giá từ 75.000 đồng/chậu trở lên.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục