Giá vàng tăng cao

Giá hàng hóa không còn “chạy” theo giá vàng

Giá hàng hóa không còn “chạy” theo giá vàng

So với năm 2000, giá vàng đã tăng 79,5% trong khi chỉ số giá tiêu dùng tại TPHCM tăng 29,95% và giá đồng đô la Mỹ (USD) chỉ tăng 11,79%. Có thể nhận định: giá tiền đồng Việt Nam đã tăng so với USD và mất giá so với vàng. Tuy vậy, theo ghi nhận của nhóm PV SGGP, giá hàng hóa giờ đây không còn “chạy” theo giá vàng nữa.

  • Sức mua vàng nữ trang chựng lại
Giá hàng hóa không còn “chạy” theo giá vàng ảnh 1

Thị trường vàng vắng người mua sau khi vàng tăng giá trên 9 triệu đồng/lượng. Ảnh: CAO THĂNG 

Vàng không còn là một “phương tiện để đối chiếu giá” như trước mà chỉ là phương tiện được lựa chọn để cất trữ, một phương tiện thanh toán được ưa chuộng trên thị trường nhà đất. Vì là một phương tiện để cất trữ nên mãi lực của thị trường vàng có liên quan đến lạm phát và lãi suất. Nguyên tắc chung là nếu lạm phát cao, lãi suất gửi tiết kiệm thấp thì vàng được mua vào nhiều để phòng chống lạm phát, đối phó với sự mất giá của đồng tiền.

Còn sức mua? Có chăng chỉ giảm sức mua vàng miếng (vàng lượng), loại phương tiện thanh toán trên thị trường nhà đất, bởi trong nhiều tháng qua, thị trường nhà đất đã đóng băng; thị trường vàng miếng cũng đình trệ theo. Mấy ngày qua, giá vàng tăng vọt, sức mua vàng nữ trang mùa cưới cũng chựng lại.

Một số cô dâu, chú rể đã chuyển sang mua hàng kim cương do tính theo giá USD, giá không tăng cao như nữ trang bằng vàng 999,9. Một số cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý gần chợ Bến Thành cho biết, sức mua kim cương đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2004.

  • Giá vàng không tác động đến giá đầu vào sản phẩm

Nhiều đơn vị đã bắt tay thực hiện kế hoạch sản xuất cung ứng cho thị trường Tết từ cuối quý 3, đầu quý 4, không phải chờ đến thời điểm hiện nay, lúc giá vàng đã tăng hơn 3% mới lo xoay vốn đầu tư cho sản xuất. Do vậy, giá vàng tăng cao hiện nay không tác động gì đến giá đầu vào của sản phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng ban quản lý chợ đầu mối thịt heo Phạm Văn Hai chứng minh, giá heo sỉ, sau 4 ngày (từ ngày 20 đến 23-11) tăng cao, đến sáng 24-11 đã bắt đầu hạ. Theo ông Trang, trên thực tế, giá heo tăng không phải do quy luật thị trường cung- cầu. Giá vàng không có tác dụng gì trong việc kinh doanh tại chợ. Các thương lái tại chợ Phạm Văn Hai cũng cho biết, ngoài lượng heo trong các trại thì nguồn heo trong dân từ các tỉnh miền Trung, miền Đông Nam bộ cũng còn rất nhiều nên không lo thiếu nguồn hàng.

Ông Nguyễn Chí Trung, Phó BQL chợ đầu mối Trần Chánh Chiếu, cũng phân tích: Trong 10 năm qua, giá vàng mặc dù đã bao phen tăng rồi giảm nhưng không tác động đến nguồn hàng cũng như sức mua tại chợ. Giá hàng hóa ngày nay, chẳng hạn như 2 mặt hàng đường và gạo đang bán tại chợ, chỉ bị lệ thuộc vào cung, cầu và mùa vụ.

  • Tiểu thương “vô tư” với giá vàng!

Việc mua bán, làm ăn của tiểu thương ở các chợ đầu mối giờ đây không còn phụ thuộc vào giá vàng nữa. Do vậy, dù cho giá vàng có lên hay xuống thì cũng không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ. Bởi lẽ, đặc trưng của các chợ đầu mối là buôn bán theo dạng ký gửi, hàng bán hết đến đâu thanh toán đến đó.

Chị Trần Thị Thu Thùy, kinh doanh nữ trang, đồng hồ, mắt kính tại sạp C1, C2 tầng trệt chợ An Đông, cho biết nếu cứ quy ra giá vàng thì chẳng ai dám kinh doanh nữa. Theo chị Thùy: “Khi thu hồi vốn mà đem so sánh với giá vàng hiện nay thì quả là đồng tiền bị mất giá quá nhiều. Chính do vậy, từ lâu lắm rồi chúng tôi đã không còn trữ vàng nữa mà chỉ dùng tiền mặt để xoay vòng vốn. Năm ngoái chuẩn bị bao nhiêu vốn thì năm nay tôi cũng dự trù y như thế!”.

Chị Bé Ty kinh doanh các mặt hàng quần jeans, kaki, áo pull tại khu C2 sạp D32 chợ Tân Bình, cho biết: Vàng càng tăng giá thì tiểu thương phải cố giữ giá các mặt hàng vì khách đến mua chủ yếu là người lao động, công nhân viên  có thu nhập thấp nên họ chi tiêu rất dè sẻn. Nếu cứ chạy theo giá vàng mà tự nâng giá bán các mặt hàng thì sẽ mất khách ngay”.

NHÓM PV KINH TẾ

Tin cùng chuyên mục