
Trong cuộc sống thường ngày, mọi người thường thấy sự chuyển biến từ giá trị này sang giá trị của các “vật phẩm” khác nhau thông qua những bàn tay của nhà kinh doanh. Câu “phi thương bất phú” của người xưa truyền lại cũng cho thấy tầm quan trọng công việc của doanh nhân trong đời sống. Điều hẳn nhiên mà chúng ta phải công nhận là: nếu không có những doanh nhân, xã hội sẽ không thể phát triển nhanh chóng.

Ông Nguyễn Văn Hảo (bên trái), Phó TGĐ Prudential VN - một trong những doanh nhân “mặn mà” với các hoạt động từ thiện của báo SGGP.
Xuất phát điểm từ nền kinh tế nông nghiệp, thưở xưa chúng ta chỉ có những thương nhân mua bán nhỏ. Thường họ chỉ làm cái nhiệm vụ như “kiến tha lâu đầy tổ” cần mẫn làm ăn, ky cóp “tích tiểu thành đại”.
Chúng ta hiện nay không có những doanh nhân tầm cỡ nhưng ở các nước châu Âu, châu Mỹ vì họ đã có hàng trăm năm phát triển kinh tế thị trường như: Henry Ford, Bill Gate; hoặc như siêu cường Nhật bản: Mashusita, Sony, Honda,... Nhưng, chúng ta vẫn có những “đại gia” Nguyễn Tấn Đời (ở Sài gòn trước đây), Vua lốp (Hà Nội), bầu Đức – Hoàng Anh Gia Lai, ông Biti’s - Vưu Khải Thành, Đặng Lê Nguyên Vũ – Cà phê Trung Nguyên, Võ Quốc Thắng – Gạch Đồng Tâm... làm nên những thương hiệu mang tầm vóc quốc tế. Ở các doanh nhân, cái chung nhất vẫn là: Tập trung sức lực và tuổi trẻ để chú tâm vào chuyện “làm nên nghiệp lớn”.
Họ là những người có bản lĩnh, dám đặt cược cuộc đời của mình để “làm giàu”, khi mà “công chưa thành, danh chưa toại”. Họ chỉ thích làm những điều mà người khác không làm được hoặc không dám làm. Những gian lao trong mưu sinh lập nghiệp lúc thiếu thời không làm mất đi sự hăng hái, mà lại làm nên tính kiên trì, nhẫn nại. Sẵn sàng chấp nhận khởi điểm sự nghiệp mà không hề có một sự chắc chắn nào.
Nhiều doanh nhân rất táo bạo khi quyết định một vấn đề hệ trọng nào đó, đôi lúc trong tích tắc; tính năng động và nhãn quan kinh doanh rất tinh tế, có tài tổ chức. Đồng thời, các kỹ năng quản trị, năng lực kinh doanh, tư duy sáng tạo, cộng thêm đồng vốn là các yếu tố không thể thiếu trong doanh nhân. Thêm một điều không thiếu quan trọng trong việc hành xử của doanh nhân là chữ tín. Đã qua rồi cái thời: hàng hóa “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Ngày nay doanh nhân không những phải có hàng hóa “xịn”, nước sơn “tốt”; mà ngay cả bản thân cũng “tốt”. Hay nói một cách trần trụi hơn: từ cái “tài” cho đến cái “tâm” đều phải vẹn toàn.
Trước sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, kinh tế, văn hóa-xã hội, đội ngũ doanh nhân của chúng ta càng có nhiều cơ hội cọ xát, học tập kinh nghiệm của các doanh nhân nước ngoài. Trên thị trường nội địa, chúng ta đã thấy hàng hóa nước ngoài đang tràn ngập và lấn át hàng hóa nội địa. Từ mẫu mã đến chất lượng đều hơn hẳn hàng hóa chúng ta. Điều đó cho thấy, doanh nhân nước ngoài - họ có một độ nhạy rất cao, sự am hiểu về thị hiếu tiêu dùng của dân chúng rất cao. Và một hệ quả tất yếu đã dẫn đến: họ tranh thủ thị trường nội địa 80 triệu dân của ta để làm giàu…
Thời cơ đó, thách thức đó vẫn đang đặt cho các doanh nhân chúng ta trước bài toán khát vọng làm tăng giá trị cuộc sống.
Lương Gia