Giá trị lịch sử của thành phố cổ Jerusalem

Liên hiệp quốc (LHQ) trong ngày 4-7 đã ủng hộ đưa “Thành phố cổ Jerusalem và bức tường thành bao quanh” vào danh sách Di sản thế giới. 
Bức tường thành phía Tây ở Jerusalem
Bức tường thành phía Tây ở Jerusalem
Cho đến nay, Ủy ban Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã thông qua 19 quyết định liên quan đến vấn đề Jerusalem và tất cả đều thừa nhận giá trị lịch sử tại Jerusalem trước thời điểm Israel chiếm đóng vào năm 1967.
Thành phố thiêng liêng 

Jerusalem, ngày nay được gọi là Thành phố cổ, là một thành phố thiêng liêng đối với Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Từ thời cổ đại, Jerusalem đã được bao bọc bằng những bức tường thành phòng thủ kiên cố. Vào thế kỷ 16, dưới thời cai trị của Đế quốc Ottoman, toàn bộ tường thành đã được xây lại trên nền của tường cũ. Việc xây dựng kéo dài từ năm 1535 đến năm 1538 và những bức tường này vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Thành phố cổ là nơi có nhiều địa điểm tôn giáo quan trọng như Núi Đền, bức tường phía Tây của Do Thái giáo, nhà thờ Mộ Thánh của Kitô giáo và đền Mái vòm đá, cũng như giáo đường Al - Aqsa của Hồi giáo. 

Năm 1967, Israel đã chiếm được thành cổ cùng với phần còn lại của Đông Jerusalem, sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình và tái hợp với phần phía Tây của thành phố. Ngày nay, Israel kiểm soát toàn bộ khu vực và coi đây là một bộ phận của thủ đô quốc gia.  Đây là nơi duy nhất giao thoa giữa thế kỷ 1 và thế kỷ 21, đồng thời là nơi có các khu phố đẹp như tranh vẽ nép mình bên những tòa cao ốc văn phòng và những căn hộ cao tầng lấp lánh.

Còn bức tường thành bao quanh phía Tây (hay còn gọi là Bức tường Than Khóc) là một phần còn sót lại của bức tường cổ bao quanh đền thờ Do Thái, nằm ở phía Tây Núi Đền thuộc thành phố cổ Jerusalem. Theo kinh Tanakh, đền thờ của Solomon được hoàn thành trên đỉnh Núi Đền vào thế kỷ thứ 10 trước CN và bị quân Babylon tàn phá năm 586 trước CN. 70 năm sau, ngôi đền thứ hai được tái xây dựng. Khoảng năm 19 trước CN, Herod Đại đế bắt đầu một công trình vĩ đại tại đây. Ông cho mở rộng khu vực này thành một gò, hay một nền đất lớn. Ngày nay, Bức tường Than Khóc là một phần còn sót lại của nền đất này và người ta tin rằng tất cả đều do Herod Đại đế xây dựng. 

Nằm trong danh sách di sản có nguy cơ biến mất 

Sự ủng hộ trên được thông qua tại kỳ họp lần thứ 41 của Ủy ban đang nhóm họp tại Krakow, Ba Lan sau khi Palestine và Vương quốc Jordan đề xuất lên UNESCO rằng “Thành phố cổ Jerusalem và bức tường thành bao quanh” đang nằm trong danh sách di sản có nguy cơ biến mất. Có 10 quốc gia thành viên của UNESCO đã biểu quyết ủng hộ (trong đó có Việt Nam), 3 nước phản đối và 8 nước ghi nhận. Nghị quyết của UNESCO khẳng định: “Tất cả các biện pháp lập pháp, hành chính và hành động chiếm hữu của Israel đã làm thay đổi hoặc có ý làm thay đổi đặc điểm và vị trí của thành phố cổ Jerusalem. Đặc biệt, luật của Jerusalem không còn giá trị và phải được hủy bỏ ngay lập tức”. 

Theo Jerusalem Post, năm 2016, hồ sơ này đã được bỏ phiếu kín tại LHQ. Tuy nhiên, năm nay, Cuba và Lebanon đã yêu cầu cuộc bỏ phiếu diễn ra công khai. 10 quốc gia biểu quyết ủng hộ là Azerbaijan, Cuba, Indonesia, Kazakhstan, Kuwait, Lebanon, Tunisia, Turkey, Việt Nam và Zimbabwe. Đại diện Jordan khẳng định rằng, tính hợp pháp của nghị quyết, của công lý và tầm quan trọng của thành phố thánh Jerusalem không chỉ có ý nghĩa đối với các tín đồ của 3 tôn giáo độc thần Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo mà còn đối với toàn thể nhân loại. Quyết định này nhằm mục đích bảo vệ vị trí lịch sử và pháp lý của Jerusalem trước khi bị Israel chiếm đóng năm 1967. 

Trong khi Philippines cho biết họ ủng hộ hòa bình và đối thoại xây dựng giữa các bên ở Trung Đông, thì Indonesia kêu gọi Israel cho phép một phái đoàn giám sát của UNESCO đến thăm thành phố cổ để có đánh giá tình trạng của di sản này. 

Bộ trưởng Du lịch và Di tích của Chính quyền dân tộc Palestine (PNA) Rula Ma’ay’aa cho biết UNESCO đã khẳng định quyết định của UNESCO là thông điệp rõ ràng gửi tới cộng đồng quốc tế về việc không thừa nhận sự chiếm đóng của Israel tại phía Đông Jerusalem và những biện pháp mà nước này đang thực thi tại thành phố Judaize. Cho đến nay, UNESCO đã thông qua 19 quyết định liên quan đến vấn đề Jerusalem và tất cả đều thừa nhận giá trị lịch sử tại Jerusalem trước thời điểm Israel chiếm đóng vào năm 1967.

Tin cùng chuyên mục