Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Các Mác (5-5-1818 - 5-5-2018)

Giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác và sự vận dụng trong cách mạng Việt Nam

Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, không một tư tưởng nào, học thuyết nào có thể sánh kịp chủ nghĩa Mác về phương diện khoa học và cách mạng.

 

Các Mác đã chỉ ra cho giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ toàn thế giới con đường và biện pháp hiện thực để tự giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột, bất công và xây dựng một chế độ xã hội mới hướng đến sự giải phóng triệt để và phát triển toàn diện con người. Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên tiếp thu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác lên tầm cao mới phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, từ đó đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Có thể khái quát tính khoa học và cách mạng đã làm nên những giá trị vững bền của chủ nghĩa Mác thể hiện ở những nội dung: 

Thứ nhất, phép biện chứng duy vật của triết học Mác là sự kết tinh toàn bộ tinh hoa trong lịch sử phát triển nhận thức của nhân loại về sự vận động, biến đổi của thế giới vật chất. Ph.Ăngghen định nghĩa phép biện chứng duy vật là khoa học về những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. Vì vậy, phép biện chứng duy vật vừa là lý luận duy vật biện chứng, vừa là lý luận nhận thức, và là lôgic học của chủ nghĩa Mác. Phép biện chứng duy vật là lý thuyết triết học và đồng thời cũng là phương pháp phổ biến của tư duy, của sự nhận thức khoa học, “nó cung cấp cho loài người và nhất là cho giai cấp công nhân những công cụ nhận thức vĩ đại” , đồng thời là phương pháp để cải tạo xã hội. 

Thứ hai, quan niệm duy vật về lịch sử. Các Mác là người đầu tiên trong lịch sử triết học của nhân loại phát hiện ra quy luật phát triển của lịch sử loài người. Ph.Ănghen nhận định: “Trên hành tinh của chúng ta, Sáclơ Đácuyn đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ. Mác đã phát hiện ra quy luật cơ bản chi phối sự vận động và phát triển của lịch sử loài người”. 

Thứ ba, học thuyết giá trị thặng dư là một trong hai phát kiến vĩ đại của Các Mác. Theo V.I Lênin, học thuyết giá trị thặng dư là “hòn đá tảng của học thuyết kinh tế của Mác” và học thuyết kinh tế của Các Mác là “nội dung căn bản của chủ nghĩa Mác”. Nội dung chính của học thuyết phát biểu rằng sản xuất và chiếm hữu giá trị thặng dư là hình thức đặc biệt trong chủ nghĩa tư bản về sản xuất và chiếm hữu sản phẩm thặng dư, nghĩa là hình thức cao nhất của sự tha hóa con người đối với hoạt động của mình, đối với sản phẩm từ hoạt động đó, đối với chính mình, đối với người khác. Theo Các Mác, để đạt được mục đích làm giàu tối đa của mình nhà tư bản đã mua sức lao động của công nhân kết hợp với tư liệu sản xuất ra sản phẩm, thu về giá trị thặng dư. Nhưng nhà tư bản bao giờ cũng chỉ trả một phần giá trị sức lao động cho người công nhân thông qua hình thức tiền lương và bóc lột giá trị thặng dư do người công nhân sáng tạo ra trong quá trình sản xuất.

170 năm từ khi công bố Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, chủ nghĩa Mác đã chứng tỏ vai trò to lớn của nó đối với sự phát triển nhận thức, tinh thần và hiện thực của xã hội loài người. Lịch sử nhân loại ngày nay đã có nhiều thay đổi lớn lao, nhưng chủ nghĩa Mác vẫn chứng tỏ được sức sống của nó. 

Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên tiếp thu, truyền bá chủ nghĩa Mác; đồng thời cũng là người đầu tiên vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác lên tầm cao mới trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Trước hết, về thời điểm (cơ hội, điều kiện) tiến hành cách mạng XHCN, trên bình diện lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những vận dụng sáng tạo, phát triển lên một tầm cao mới, hết sức độc đáo đối với chủ nghĩa Mác và được thực tiễn chứng minh. Thứ hai, cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với cách mạng XHCN, “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” là tư tưởng sáng tạo độc đáo, phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện cụ thể của Việt Nam khi đó ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ ba, trong quá trình tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, tiến lên làm cuộc cách mạng XHCN, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những tư tưởng sáng tạo vô cùng độc đáo về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc; về chủ nghĩa dân tộc của người An Nam; về cấu trúc xã hội của những nước phương Đông; về việc bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề: “Mác cho ta biết rằng sự tiến triển của các xã hội trải qua ba giai đoạn: Chế độ nô lệ, chế độ nông nô, chế độ tư bản; và trong mỗi giai đoạn ấy, đấu tranh giai cấp có khác nhau. Chúng ta phải coi chừng! Các dân tộc Viễn Đông có trải qua hai giai đoạn đầu không?”. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không có được. Người đề xuất: “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”. Theo Người, “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà lịch sử châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”. Nghiên cứu tình hình cụ thể các nước phương Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, với “những lý do lịch sử cho phép chủ nghĩa cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu Á, dễ dàng hơn là ở châu Âu”. Phát hiện mang tính chất dự đoán thiên tài này của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1921 đến nay vẫn tỏ rõ sức sống, đứng vững và đang được thực tế chứng minh.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ bài học đầu tiên trong năm bài học của công cuộc đổi mới là trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam. Hiện nay, bên cạnh việc vận dụng sáng tạo thì việc bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác là việc làm cấp bách hơn bao giờ hết trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rộng khắp. Chúng ta cần xem trong chủ nghĩa Mác, cái gì vẫn còn đúng và vẫn còn có giá trị lâu dài; cái gì trước kia chúng ta hiểu không đúng nay phải điều chỉnh lại cho đúng; cái gì ngay từ thời các nhà kinh điển đã thừa nhận là không đúng; cái gì đã bị thực tiễn vượt qua, cần bổ sung, phát triển. 

Tin cùng chuyên mục