Hôm qua 29 - 11, đoàn lãnh đạo Bộ Y tế đã làm việc với UBND TPHCM nhằm định hướng những biện pháp căn cơ giải bài toán quá tải bệnh viện (BV) như tăng cường đào tạo đội ngũ y bác sĩ; mở rộng, xây mới cơ sở khám chữa bệnh; cải tiến cơ chế tài chính.
Giường bệnh tăng không kịp dân số, bệnh tật
Đánh giá thực trạng quá tải BV ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, nhiễm trùng BV, tinh thần phục vụ của nhân viên y tế, BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng đã đến lúc cấp bách để hạn chế tình trạng này. Về các giải pháp tạm thời, theo BS Thanh đó là cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật cho y tế tuyến tỉnh, chuyển một phần phòng khám BV thành phố đến BV quận huyện làm mô hình BV vệ tinh, biệt phái cán bộ BV tuyến trên hỗ trợ BV tuyến dưới, tăng ngân sách đầu tư trang thiết bị cho tuyến quận huyện…
Tuy nhiên, về lâu dài, BS Thanh cho rằng TPHCM cần có những bước đột phá cả về nguồn nhân lực lẫn cơ sở vật chất. Về đào tạo phải tăng chỉ tiêu, mở thêm khoa dược, khoa y học cổ truyền, mở rộng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Đặc biệt, các dự án BV cửa ngõ TPHCM bị đình trệ và hiện gặp vướng mắc trong đền bù giải tỏa do Nghị quyết 11 của Chính phủ hạn chế đầu tư công. Theo đề án, với 5 BV cửa ngõ, TPHCM sẽ có thêm gần 5.000 giường bệnh sẽ góp phần giải quyết giảm tải rất lớn nhưng xem ra vẫn khó sớm thành hình hài.
Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, nhìn nhận quá tải BV là bức xúc của người dân, của Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ.
Với tình hình bệnh tật có nhiều thay đổi, dịch bệnh nguy hiểm càng xuất hiện nhiều thì tình trạng quá tải sẽ trầm trọng hơn nếu không tăng giường bệnh kịp với tình hình gia tăng dân số và diễn biến bệnh tật. Hiện Việt Nam mới đạt 20,4 giường/10.000 dân, trong khi các nước trong khu vực đã đạt 33,4 giường.
TS Khuê cho biết đang thực hiện đề án trình Chính phủ đề ra những giải pháp quyết liệt và một Phó Thủ tướng sẽ làm Trưởng ban chỉ đạo đề án này. Sau khi phân tích tình hình quá tải ở các BV, đề án đưa ra 6 nhóm giải pháp, gồm: Mở rộng, xây mới BV để tăng giường bệnh; tăng cường các biện pháp đào tạo chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng cơ chế tài chính đủ sức tái đầu tư (như thay đổi viện phí theo hướng thu đúng, thu đủ); xây dựng cơ chế tăng nguồn lực cho y tế cơ sở; truyền thông, giáo dục nhận thức cho người dân và cộng đồng.
Tạo thương hiệu bằng cơ sở 2
Xác định nguyên nhân chính của gần 60% lượng bệnh nhân vượt tuyến gây nên quá tải là do BV tuyến trên uy tín, tay nghề y bác sĩ cao và kỹ thuật tốt, BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, cho rằng phải tạo ra nhiều cơ sở vệ tinh mới hạn chế được tình trạng này.
Theo BS Minh, những BV quận huyện, thậm chí BV tỉnh không sử dụng hết công suất thì giao lại một phần hoặc toàn bộ cho BV Ung bướu TPHCM để triển khai cơ sở điều trị ung bướu vệ tinh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cũng nhìn nhận các BV quận huyện chưa sử dụng hết công suất đầu tư, chỉ khoảng 60%. Một số BV như Bình Chánh, Bình Tân thường tiếp nhận các trường hợp tai nạn giao thông nhưng phần lớn chuyển về BV Chấn thương Chỉnh hình hoặc BV Chợ Rẫy. Do đó, vấn đề đặt ra là cần đầu tư các chuyên khoa như chấn thương chỉnh hình, khoa nhi cho các BV quận huyện để giảm tải cho tuyến trên.
Phó Chủ tịch Hứa Ngọc Thuận kiến nghị Bộ Y tế tác động để Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho phép khởi công xây mới các dự án phục vụ dân sinh, trong đó có các BV. “Mặc dù Chính phủ hạn chế đầu tư công nhưng với sự nỗ lực và chuẩn bị tốt của UBND TPHCM thì trong vòng 3 năm nữa, thành phố sẽ có thêm ít nhất 3 BV mới là BV Nhi đồng TP, cơ sở 2 BV Ung bướu, BV Đa khoa khu vực Thủ Đức. Thậm chí đến năm 2015 có thể khởi công thêm 3 BV mới nữa” – Phó Chủ tịch Hứa Ngọc Thuận cho biết. Đó là chưa kể BV Chấn thương Chỉnh hình mới cũng đã sẵn sàng khởi công theo mô hình BT (xây dựng - chuyển giao). TPHCM cũng kiến nghị Bộ Y tế tăng cường đầu tư, đào tạo thêm cho y tế cơ sở các tỉnh để hạn chế vượt tuyến, chuyển viện.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng giải quyết quá tải BV không thể ngày một ngày hai và một mình ngành y tế làm được mà cần có sự tham gia của các cấp, các ngành. Cơ bản nhất là cơ chế tài chính, làm sao y bác sĩ đủ sống, thu đúng thu đủ viện phí để tái đầu tư. Mặt khác, sẽ tăng cường đầu tư cho y tế tuyến tỉnh, phân tuyến kỹ thuật khám chữa bệnh chứ không thể BV tỉnh mổ ruột thừa được mà cứ chuyển lên tuyến trên. Nếu địa phương đủ nguồn lực thì cứ đề xuất triển khai dự án y tế.
Tường Lâm