
Trong những năm gần đây, đã có nhiều nhà khoa học, nhiều doanh nghiệp, đơn vị chuyên ngành tiến hành nghiên cứu, tìm nhiều giải pháp để hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường và bảo vệ nguồn nước sạch. Công ty cổ phần Nhựa Sài Gòn (NSG) là một đơn vị điển hình đưa ra nhiều giải pháp bảo vệ một trường hiệu quả.
Thực trạng ô nhiễm nguồn nước

Nhà trên kênh rạch làm ô nhiễm môi trường nước.
Tình trạng thiếu nước sạch hiện đang diễn ra ở nhiều địa phương-nhất là vào mùa nắng gắt, khô hạn-trong khi đó, nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt thì đang ngày càng bẩn hơn…
Tại các vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng người dân dùng nước sông, nước kênh rạch để sinh hoạt vẫn còn phổ biến. Điều này hết sức nguy hiểm, bởi hầu như tất cả các kênh rạch đều bị ô nhiễm rất nặng bởi rác, phân và hóa chất.
Hình ảnh kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè, kênh Lò Gốm, Tân Hóa… với những dòng nước đen nghịt, đầy chất thải có thể là hình ảnh không xa của nhiều kênh rạch, sông ngòi khác nếu như chúng ta vẫn chưa có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả.
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước không những gây thiếu nước, mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Đây là vấn đề bức xúc mà chúng ta cần phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp khắc phục để bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống của con người.
Giải pháp chiếc bình lọc nước
Để góp phần giải quyết nhu cầu về nước sạch, thời gian qua, NSG đã nghiên cứu và cho ra đời bộ lọc nước gia đình. Thông qua sản phẩm này, nước sẽ được lọc qua hai bước: lọc thô và lọc tinh.
Quy trình lọc nước hoạt động như sau: nước được đổ vào thùng nhựa PVC 120 lít (bình lọc lọc thô), sau đó nước chảy qua các lớp vật liệu lọc thô như: gạch, sỏi, cát, than hoạt tính, lưới nhựa. Kế đến, nước chảy qua ống dẫn xuống thùng nhựa PVC 320 lít (thùng lọc tinh) để dự trữ nước dùng cho sinh hoạt. Trong thùng lọc tinh, nước được lọc bằng các bông sứ rồi tiếp tục chảy vào bình nhựa 12 lít (bình chứa nước lọc tinh) và nước này dùng cho việc nấu ăn, uống.
Thông qua các tính năng trên, bộ lọc nước là một hình thức cấp nước độc lập, hoạt động đơn giản, không cần nhiên liệu, nên khá phù hợp cho những khu vực dân cư thưa thớt hay những vùng nông thôn có hạ tầng kém phát triển. Mặt khác, các thùng lọc được bố trí liên kết với nhau để tạo ra công năng và đáp ứng yêu cầu hoạt động của bình lọc.
Cụ thể, thùng lọc thô được thiết kế nằm trên cùng, nhằm tạo ra áp lực và cột áp, sẽ giúp cho nước đi thẳng đứng từ trên xuống qua các lớp vật liệu lọc và rơi tự do xuống thùng lọc tinh. Theo thiết kế, bộ lọc nước có công suất lọc thô 500-1.000 lít/giờ, lọc tinh khoảng 25-35 lít/giờ. Sản phẩm này hiện đang được tiêu thụ mạnh tại các tỉnh ĐBSCL.
Mô hình nhà vệ sinh tự hủy
Theo các chuyên gia về môi trường, nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước thì có nhiều, nhưng thủ phạm chính phải kể đến nguồn nước thải từ hệ thống cầu vệ sinh các loại mà người dân đang sử dụng.
Qua khảo sát, mô hình nhà vệ sinh chủ yếu mà người dân VN (ở các khu chung cư, đô thị, doanh trại các cơ quan, bệnh viện trường học…) thường sử dụng hiện nay là mô hình nhà vệ sinh được thiết kế dựa vào phương pháp lắng đọng chất thải tại hầm chứa hai ngăn, một ngăn chứa phân và một ngăn chứa nước thải. Hầm chứa được làm bằng gạch, bê tông, do đó dễ bị rò rỉ.
Đáng nói hơn, nước thải tự do thoát ra hệ thống cống rãnh, không qua xử lý lại chảy vào kênh rạch, sông ngòi nên rất dễ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Đó là chưa kể, tại các vùng nông thôn, mô hình nhà vệ sinh được thiết kế trên cao, bên trên ao hồ, sông ngòi, kênh rạch… khiến cho phân thải và nước thải cứ tự do đổ vào kênh rạch, sông ngòi, gây ô nhiễm cho nguồn nước tự nhiên.
Để góp phần khắc phục tình trạng này, mới đây NSG đã mạnh dạn đề xuất áp dụng mô hình nhà vệ sinh không dùng nước. Đây là một mô hình tiết kiệm nước, không sử dụng nước nên không có nước thoát gây ô nhiễm cho nguồn nước sinh hoạt.
Nguyên lý hoạt động của nhà vệ sinh này là xử lý đúng mức và làm ổn định chất thải qua phương pháp khử nước và bay hơi. Cụ thể, nhà vệ sinh sẽ tách và chứa phân, nước tiểu ở hai khu vực khác nhau. Sau đó di chuyển phân đi về một phía để tránh gây ô nhiễm nơi miệng bàn cầu vệ sinh. Cuối cùng, nước tiểu và phân tự bốc hơi, tự khô và tự hủy nhờ luồng không khí luân chuyển, đối lưu thường xuyên và tự nhiệt phát sinh.
Đây được xem là một giải pháp vệ sinh môi trường có hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu về chức năng cũng như sức khỏe của con người. Hơn nữa với chi phí thấp, dễ lắp đặt, bảo quản và nhất là không bị tiêu hao nước nên sản phẩm rất phù hợp cho các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu dân cư, văn phòng, công sở bệnh viện, trường học, khu du lịch… và cả ở những vùng khô hạn hoặc các vùng dân cư ở nông thôn, miền núi, hải đảo… một cách dễ dàng, nhanh chóng.
THU TUYẾT – THANH HÙNG