
Sáng 20-12, kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa VII chính thức khai mạc. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Phương Thảo, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐNDTP; Lê Thanh Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBNDTP cùng lãnh đạo các ban ngành, quận huyện của TP, các bộ ngành Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tại TPHCM. đặc biệt, lần đầu tiên có 4 cử tri TP tham dự tại kỳ họp này.
Các giải pháp phát triển KT-XH năm 2006
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2005 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2006, Phó Chủ tịch Thường trực UBNDTP Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Năm 2005, KT- XH thành phố đạt được nhiều kết quả khả quan trên tất cả lĩnh vực; hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 12,2%; kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô tăng 17%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 58.850,32 tỷ đồng (kế hoạch 54.354 tỷ đồng); giải quyết việc làm cho 230.000 lao động; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quản lý đô thị và công tác điều hành, cải cách hành chính có nhiều tiến bộ.

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM gặp gỡ các cử tri dự kỳ họp HĐNDTP lần thứ 6. Ảnh: Việt Dũng
Đến nay, thành phố đã cấp 178.914 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và 20.000 giấy phép xây dựng nhà với diện tích 7.000.000 m2 sàn xây dựng…
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng nhìn nhận: sản xuất công nghiệp mặc dù tốc độ tăng trưởng 15% nhưng không vượt hơn các năm trước (năm 2002: 15,1%; năm 2003: 15%; năm 2004: 14,7%); các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng lớn như tài chính- ngân hàng, bưu chính- viễn thông… chưa phải là dịch vụ chủ yếu; môi trường đầu tư và kinh doanh của TP chưa được cải thiện tích cực; hệ thống hạ tầng kỹ thuật- xã hội vẫn bất cập so với yêu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh; cải cách hành chính chưa đồng bộ…
Để thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2006, TP đề ra nhiều giải pháp, nhất là đẩy mạnh huy động vốn đầu tư; tập trung công tác quản lý đô thị; xây dựng cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và ổn định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư xây dựng; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư giao thông, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, giáo dục-đào tạo và khoa học- công nghệ; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu “3 giảm”; giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo…
Quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu
Tối qua, Thường trực HĐND TP đã thống nhất với Thường trực UBND TP, hôm nay (21-12) sẽ trình HĐND TP danh sách các sở dự kiến sẽ trả lời chất vấn trước HĐND TP: Y tế; Giao thông - Công chính; Tài nguyên – Môi trường; Giáo dục - Đào tạo và Qui hoạch - Kiến trúc. Phiên họp này sẽ được truyền hình, truyền thanh trực tiếp. Đặc biệt, cử tri sẽ được bày tỏ ý kiến qua hai số điện thoại: 8.274.160 – 8.248.595 (các số điện thoại này chỉ tồn tại trong ngày diễn ra hoạt động chất vấn) và địa chỉ Email: gopyhdndtp@tphcm.gov.vn hoặc website: www.hochiminhcity.gov.vn. |
Một trong những vấn đề nóng nhất là công tác quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Trưởng ban Kinh tế- Ngân sách HĐNDTP Nguyễn Minh Hoàng đánh giá: Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch tiến độ chậm, việc phân cấp cho quận huyện phê duyệt quy hoạch 1/2000 thực hiện chưa đồng bộ, kém hiệu quả. Chủ tịch UBMTTQTP Trần Thành Long phân tích thêm: Do chính quyền chưa giải quyết kịp thời về nhu cầu nhà ở (trong đó có cả những hộ bị giải tỏa và người chưa có nhà ở) nên người dân đã tìm mọi cách để xây cất nhà trái phép tràn lan, làm phát sinh nhiều tiêu cực.
Khi bị giải tỏa, những hộ dân xây cất tự phát vốn dĩ đã nghèo lại càng nghèo hơn. “Và như thế, một bộ phận không nhỏ người dân thành phố nghèo đi không phải do lười lao động mà do công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, các chính sách và cơ chế quản lý nhà-đất của chúng ta chưa bắt kịp nhịp sống, chính quyền cấp cơ sở và địa phương không thực hiện đúng chức trách và nhiệm vụ theo quy định pháp luật”- ông Trần Thành Long kết luận.
Nhiều vấn đề trong quản lý đô thị đã được nêu ra tại các kỳ họp trước, song đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Năm 2005 triển khai 21 dự án chống ngập nhưng mới xóa được 8 điểm, đến nay giải quyết được 61/70 điểm (chưa kể 30 điểm ngoài kế hoạch và 40 điểm phát sinh). Nhiều dự án trọng điểm về thoát nước, chống ngập đều triển khai chậm, tiến độ kéo dài nhiều năm.
“Tình hình ngập nước của thành phố nhìn chung chưa được cải thiện”- ông Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, tình hình ô nhiễm môi trường chưa giảm, có nơi nặng hơn; chất lượng nước sạch cung cấp cho dân chưa tốt.
Đầu tư xây dựng cơ bản: Vẫn thất thoát, lãng phí

Các đại biểu HĐND TPHCM trao đổi tại buổi thảo luận tổ.
Năm 2005 được TP chọn là “Năm chống lãng phí và thực hành tiết kiệm” song theo ông Nguyễn Minh Hoàng: “ Năm thực hành tiết kiệm chống lãng phí” chưa có chuyển biến mạnh mẽ, cụ thể”. Lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn lớn. Báo cáo tình hình đầu tư xây dựng cơ bản năm 2005, Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Văn Đua thẳng thắn thừa nhận: Do vướng mắc trong công tác đền bù giải tỏa, thay đổi quy trình thực hiện dự án theo quy định mới của Chính phủ và do một số vật tư tăng giá nên tiến độ thực hiện một số dự án triển khai chậm và chất lượng kém.
Báo cáo giám sát của Ban Kinh tế- Ngân sách HĐNDTP cho biết: Qua giám sát, đánh giá đầu tư, đã có 24 dự án bị đề xuất xử lý do chậm tiến độ, chất lượng công tác tư vấn thiết kế không đạt; ngưng 22 dự án với tổng vốn 175 tỷ đồng; hoãn thi công 8 dự án. TP đã triển khai 36 đoàn thanh tra, kiểm tra về xây dựng, phát hiện sai phạm gây thất thoát ngân sách 38,2 tỷ đồng và đang xem xét xử lý…
Tại phiên họp, Trưởng ban VH-XH HĐNDTP Nguyễn Thành Rum đã đọc báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện chương trình mục tiêu “3 giảm” năm 2005. Đây là chủ trương đúng, hợp lòng dân, thể hiện sự năng động, sáng tạo của TP. Tuy bước đầu chương trình đạt thắng lợi nhưng theo ông Nguyễn Thành Rum, tình hình trật tự xã hội ở TP diễn biến phức tạp, hoạt động của các loại tội phạm vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất trật tự xã hội. Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ.
“TP cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh hoạt động trong các ngành kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”; tăng cường các hoạt động đấu tranh chống tội phạm ma túy và tập trung giải quyết các tụ điểm phức tạp về tệ nạn này”- ông Nguyễn Thành Rum đề nghị. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về tình hình KT- XH và các vấn đề bức xúc.
Hôm nay, 21-12, các cơ quan, đơn vị sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu HĐNDTP.
Cử tri tham dự kỳ họp HĐND TPHCM Nhân dân được trực tiếp tham gia vào các hoạt động xây dựng các chủ trương, chính sách của thành phố này đã thể hiện chính sách đổi mới, dân chủ của Đảng và Nhà nước. Tôi mong sẽ có thêm nhiều cử tri được tham dự như mình và hy vọng lần sau các cử tri được trực tiếp tham gia góp ý tại hội nghị. |
HỒNG QUÂN - TRẦN TOÀN
Tin, bài liên quan:
Cử tri có thể bày tỏ ý kiến trực tiếp qua thư điện tử, điện thoại