Giải trí trực tuyến: Cuộc đua chất lượng

Khi người dùng chấp nhận trả tiền, các nội dung giải trí trực tuyến tại Việt Nam buộc phải chuyển mình, hướng đến các sản phẩm chất lượng. 

Thị trường hấp dẫn

Đầu tháng 11, POPS - đơn vị sản xuất và phát hành nội dung giải trí kỹ thuật số ra mắt ứng dụng giải trí POPS, cung cấp miễn phí cho người dùng Việt kho nội dung giải trí có bản quyền với sự tham gia của nhiều đơn vị sản xuất nội dung, ê kíp làm phim cùng các nghệ sĩ Việt.

Theo CEO Esther Nguyễn của POPS: “Từng nội dung và tính năng trên ứng dụng được xây dựng dựa trên mục tiêu tối ưu sự tiện dụng, tính hấp dẫn và gần gũi với các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, đây cũng là một trong những bước đi chiến lược của POPS nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung Việt Nam”. 

Giải trí trực tuyến: Cuộc đua chất lượng ảnh 1 Series Hỏi xiên đáp xẹo trên ứng dụng POPS đang được quan tâm 
Sau 3 năm có mặt tại Việt Nam, trung tuần tháng 10 vừa qua, nền tảng xem phim trực tuyến hàng đầu thế giới Netflix cũng chính thức ra mắt giao diện tiếng Việt với mục đích “mang lại những trải nghiệm tràn đầy niềm vui, hứng thú khi khám phá kho nội dung phong phú cả về số lượng và chất lượng trên nền tảng Netflix”.

Trước đó, vào đầu tháng 7, dịch vụ truyền hình trực tuyến HBO Go cũng có mặt tại Việt Nam trên ứng dụng FPT Play. Thư viện này có hàng ngàn giờ phim với các nội dung độc quyền (HBO Original, bao gồm phim nhiều tập, phim truyện và phim tài liệu) do HBO sản xuất tại Mỹ và châu Á, phim bom tấn Hollywood, phim ăn khách châu Á, các chương trình trẻ em yêu thích.   

Ba sự kiện nói trên cho thấy, cuộc đua trên thị trường giải trí trực tuyến tại Việt Nam đang ở giai đoạn cực kỳ sôi động. Không chỉ các nền tảng trong nước, hầu hết các đơn vị nổi tiếng nước ngoài đã và đang sẵn sàng đến Việt Nam để tạo nên cuộc cạnh tranh hấp dẫn. Điều này là xu hướng tất yếu của sự dịch chuyển số đang diễn ra mạnh mẽ, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Theo báo cáo Digital Marketing Việt Nam 2019, với dân số gần đạt 97 triệu người, số người dùng internet tại Việt Nam là 64 triệu, trong đó có đến 94% tỷ lệ người dùng internet hàng ngày. Đặc biệt, người Việt dành đến 6 giờ 42/ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới internet, trong đó: 2 giờ 32 dùng mạng xã hội, 2 giờ 31 để xem các stream hoặc các video trực tuyến và 1 giờ 11 để nghe nhạc. Tuy nhiên, theo CEO Hoàng Nguyên Vân của Công ty CP Công nghệ SAVIS, xu hướng điển hình hiện nay ở lĩnh vực này là “vừa hợp tác vừa cạnh tranh” (Co-opetition). 

Nội dung là quan trọng

Trong cuộc cạnh tranh với mục tiêu hướng đến trải nghiệm người dùng, nội dung luôn chiếm vị trí độc tôn. “Nội dung phải là số 1”, đại diện HBO khẳng định. Chia sẻ tại hội thảo trong khuôn khổ Triển lãm phim và công nghệ truyền hình Telefilm 2019 vừa qua, ông Akarat Nitibhon, đại diện Mushroom TV đến từ Thái Lan, cũng khẳng định: “Tôi không biết đâu là xu hướng của tương lai. Nhưng tôi tin nội dung là kết nối và nội dung tạo ra cộng đồng”. 

Không chỉ các đơn vị nước ngoài mà các đơn vị trong nước cũng đặc biệt chú trọng đầu tư bài bản, kinh phí lớn nhằm phục vụ khán giả tốt nhất. “Khi thị trường ngày càng phát triển thì sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và buộc các nghệ sĩ, các đơn vị sản xuất phải không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm. Từ đó, ngày có nhiều sản phẩm được đầu tư bài bản từ kinh phí cho đến nhân lực cũng như ý tưởng”, bà Trương Tú Ngân, đại diện POPS phân tích.

Với một môi trường mở, nhu cầu của khán giả thậm chí thay đổi theo từng ngày. Bài toán nhanh nhất, hay nhất, thuận tiện nhất được đặt ra với hầu hết các nền tảng dù là trong nước hay quốc tế. Điều này dễ hiểu khi khán giả chấp nhận bỏ tiền cho nhiều nền tảng: Fim+, Danet, HBO Go, Netflix… Do đó, mỗi đơn vị đã và đang xây dựng những lợi thế riêng trong cuộc cạnh tranh. 

Bước đi ra mắt giao diện tiếng Việt của Netflix được xem là đánh trúng thị hiếu người Việt. Tương tự, việc khởi chiếu các bom tấn mới nhất và hấp dẫn nhất với quyền phát sóng đầu tiên trên hạ tầng truyền hình trả tiền toàn cầu, phim do HBO sản xuất khởi chiếu cùng ngày với Mỹ, các nội dung mang tính địa phương (gần nhất là phim ẩm thực Việt Chàng dâng cá nàng ăn hoa)… cho thấy tham vọng của HBO Go.

So với truyền hình truyền thống, các hình thức giải trí trực tuyến không chỉ có lợi thế về phương thức tiếp cận, phục vụ nhu cầu của khán giả mọi lúc, mọi nơi mà nội dung thông tin cũng phong phú hơn. Các nền tảng này có sự tham gia của các cá nhân, nhóm sáng tạo trẻ, các đơn vị sản xuất chuyên nghiệp. Tuy nhiên, lợi thế này cũng là thách thức, bởi trong sự cạnh tranh ấy, việc định hướng nội dung, xây dựng thương hiệu đặc biệt quan trọng. 

Tổng hòa một nền tảng giải trí đa dạng về nội dung, phong phú về thể loại (các series Hỏi xiên đáp xẹo, Bánh bèo hữu dụng, Tháng năm dữ dội, Thư viện ký ức; series phim về hậu cung triều Nguyễn Phượng khấu; series về văn hóa Việt Amazing Việt Nam hay Dọc đường ẩm thực…), tạo thêm các chương trình tương tác và kết nối đến khán giả là những bước đi khác biệt đầu tiên của ứng dụng giải trí POPS.  

Về mặt kiểm duyệt, dù khá cởi mở nhưng ngay cả những nền tảng mở như YouTube cũng ngày càng có những quy định chặt chẽ hơn. Các nội dung trên HBO Go được Thông tấn xã Việt Nam duyệt về mặt nội dung trước khi đến với người dùng. Đặc biệt, việc phân loại đối tượng khán giả cũng rất được chú trọng.

Ứng dụng giải trí POPS có sự phân hóa nội dung cho đối tượng là người lớn hay trẻ em khi đăng nhập. Các nội dung trên HBO Go được biên tập phù hợp cho thị trường Việt Nam và có cảnh báo cho khán giả trước khi xem phim nếu có nội dung nhạy cảm. Bà Tú Ngân cho biết: “Mỗi đơn vị cung cấp sẽ có tiêu chuẩn để sàng lọc nội dung trước khi chia sẻ đến khán giả của mình. Những tiêu chuẩn đó sẽ giúp cho khán giả dần hiểu được giá trị của nền tảng và chọn nền tảng có nội dung phù hợp với nhu cầu”.

Tin cùng chuyên mục