Giảm chứng thực, bớt phiền hà

Nghị định số 23 của Chính phủ về cấp bản sao từ bản gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, quy định cơ bản có 4 loại giấy tờ chính cần chứng thực. 

Nhưng, trên thực tế, trong quá trình giao dịch có thể lên tới cả vài chục loại, như: chứng thực hợp đồng liên quan tới quyền sử dụng đất, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, sửa đổi những sai sót trong hợp đồng, chứng thực di chúc… Thậm chí, giấy bán, cho, tặng xe cũng phải chứng thực.

Việc yêu cầu có chứng thực, chứng nhận là cần thiết. Tuy nhiên, chứng thực, chứng nhận bản giấy với số lượng quá nhiều như hiện nay gây phiền hà và làm tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí của người dân, doanh nghiệp, thậm chí còn gây ra phát sinh tiêu cực.

Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử… để phục vụ 5 nhóm tiện ích trong cuộc sống. Đề án được kỳ vọng sẽ cắt giảm nhiều thủ tục, giấy tờ không cần thiết.

Trong đó, thẻ căn cước công dân gắn chip có thể được tích hợp rất nhiều tiện ích trong cuộc sống, bảo mật an toàn dữ liệu thông tin. Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), hiện cả nước đã cấp hơn 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử. Đây là loại giấy tờ tùy thân thông minh nhất từ trước đến nay mà Bộ Công an cấp cho người dân. Do vậy, rất cần tận dụng sự “thông minh” của căn cước công dân gắn chip để thay thế cho các loại giấy tờ tùy thân trong giao dịch hành chính, trong đó có chứng thực, chứng nhận các giấy tờ.

Thông tin tại cuộc họp Tổ công tác của Chính phủ thực hiện Đề án 06 vừa diễn ra, đại diện Bộ Công an cho rằng, một số bộ, ban, ngành và địa phương còn chậm, chưa thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Rõ ràng, chủ trương phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, xã hội số, trong khi vẫn bắt người dân thủ công hóa các thủ tục hành chính là điều bất hợp lý.

Việc cắt giảm các yêu cầu chứng thực, chứng nhận giấy tờ không cần thiết là cụ thể hóa chủ trương cải cách hành chính, giảm thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn cho đời sống người dân, doanh nghiệp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tránh tiêu cực trong xử lý giấy tờ. Thông qua đó, có thể tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng nhờ việc giảm hàng chục triệu ngày công lao động, giảm chi phí, lệ phí trong thủ tục. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu trong Đề án 06, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, xác thực thông tin công dân với hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng những thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối, chia sẻ thì không yêu cầu người dân khai báo lại. Đồng thời tránh “quyền anh, quyền tôi”, lợi ích trong chia sẻ dữ liệu.

Tin cùng chuyên mục