Qua vụ điện kế điện tử

Giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM Lê Minh Hoàng từ chức

Giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM Lê Minh Hoàng từ chức

Hôm nay 23-7, trước sự có mặt của lãnh đạo TP.HCM, Tổng công ty điện lực VN, ông Lê Minh Hoàng đã "từ tốn" nói lời từ chức.

Nhưng ngay trước đó, tại buổi họp báo, ông Đặng Hùng Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố những vấn đề liên quan đến việc mua sắm, lắp đặt 312.000 điện kế điện tử “dỏm” tại Công ty Điện lực TPHCM.

Ông Đặng Hùng cho biết, việc mua sắm hàng trăm ngàn điện kế điện tử 1 pha hiệu LTE66 tại Công ty Điện lực TP có rất nhiều sai phạm.

Theo hợp đồng ký kết  giữa Công ty Điện lực TP với Công ty Linkton Singapore là hàng nhập nhưng thực chất lại được lắp ráp tại Công ty Linkton Vina, không đúng với quy định về nguồn gốc xuất xứ ghi trong hợp đồng.

Giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM Lê Minh Hoàng từ chức ảnh 1

EVN tổ chức họp báo

Điện kế điện tử LTE66 mà Công ty Điện lực TP mua về cũng chưa làm thủ tục đăng ký phê duyệt mẫu. Công ty Điện lực TP đã không kiểm tra cụ thể nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, không tuân thủ các quy định về kiểm tra chất lượng, các thủ tục pháp lý về đăng ký đối với các phương tiện đo mà vẫn sử dụng là vi phạm về Pháp lệnh đo lường…

Trong công tác đấu thầu cũng mắc một số sai phạm như lập hồ sơ mời thầu không có yêu cầu về kinh nghiệm của nhà sản xuất cũng như kinh nghiệm kinh doanh của nhà thầu dẫn đến nhà thầu không có hoặc ít có kinh nghiệm vẫn được dự thầu.

Không đánh giá tư cách pháp lý của nhà thầu (giấp phép đăng ký kinh doanh của nhà thầu Linkton Singapore không chứng minh được có ngành nghề sản xuất điện kế điện tử mà vẫn được tổ chuyên gia xét thầu chấp nhận); giấy bảo lãnh dự thầu không hợp lệ; hợp đồng có những thay đổi lớn với điều kiện ghi trong hồ sơ mời thầu; khi giao nhận hàng hoá thiếu tài liệu kỹ thuật, thương mại hoặc có nhiều tài liệu không hợp lệ nhưng vẫn tiến hành nghiệm thu, thanh toán…

Với những sai phạm như vậy, EVN đề nghị Công ty Điện lực TP tạm đình chỉ sử dụng toàn bộ số điện kế điện tử nói trên. Tổ chức quy trình, thiết bị, nhân lực để thay điện kế điện tử bằng những điện kế đảm bảo chất lượng cũng như xác định sai số của điện kế điện tử để bồi thường tiền cho khách hàng…

Theo đó, điện kế để sử dụng thay thế là loại điện kế điện 1 pha xoay chiều kiểu cảm ứng (điện kế cơ khí) hoặc điện kế điện tử 1 pha đủ điều kiện theo quy định của Tổng cục TC-ĐL-CL. Trước khi tháo điện kế điện tử 1 pha LTE66 và lắp đặt điện kế mới, Điện lực phải gửi giấy thông báo thời gian thực hiện đến khách hàng trước 7 ngày  để xin ý kiến và hẹn ngày làm việc.

Khi tháo điện kế điện tử, Điện lực phải mời khách hàng củng chứng kiến và ký biên bản, chốt chỉ số điện kế, niêm phong điện kế vừa tháo. Trường hợp chủ hợp đồng vắng mặt có thể uỷ quyền cho người khác. EVN đã đưa ra đưa ra hai phương pháp để xác định sai số của điện kế điện tử: một là kiểm định bởi các cơ quan kiểm định độc lập đủ tư cách;  hai là xác định bằng phương pháp đối chứng giữa điện kế điện tử 1 pha LTE6 với điện kế mới thay thế.

Việc tính toán để hoàn tiền điện đối với những điện kế điện tử có sai số ngoài phạm vi cho phép được EVN đưa ra: Đối với điện kế điện tử chạy nhanh: thời gian bồi hoàn tính từ khi lắp đặt đến khi tháo; điện năng bồi hoàn được tính theo mức sai số vượt ngoài phạm vi cho phép; tiền bồi hoàn bằng tổng số tiền bồi hoàn tính toán của từng tháng tính theo bậc thang cao nhất trong tháng, cộng với VAT và lãi suất vay ngân hàng. Đối với những trường hợp địen kế điện tử chạy chậm : không truy thu tiền điện của khách hàng.

Tại cuộc họp báo nhiều ý kiến đề nghị EVN cho biết việc xử lý 312.000 điện kế điện tử “dỏm” mà Công ty Điện lực TP đã “lỡ” mua với số tiền hơn 11 triệu USD. Phía EVN vẫn chưa đưa ra được giải pháp cuối cùng vì cho rằng, đây là hàng dỏm, hàng bất hợp pháp nhưng có giá trị lớn và được mua từ tiền của nhà nước nên cần phải xem xét một cách thận trọng, có thể phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trước khi xử lý.

Giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM Lê Minh Hoàng từ chức ảnh 2

Ông Lê Minh Hoàng nói lời từ chức.

Sau bài phát biểu của ông Đặng Hùng, ông Lê Minh Hoàng Giám đốc Công ty Điện lực TP đã đọc bài phát biểu xin từ chức: “ Với tư cách người đứng đầu Công ty Điện lực TP, cho phép tôi được thành thật xin lỗi các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan ban ngành và tất cả các khách hàng sử dụng điện thành phố, cùng toàn thể CBCNV Công ty Điện lực TPHCM và ngành điện Việt Nam, vì đã để xảy ra sự cố vô cùng đáng tiếc vừa qua. Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ việc đáng tiếc này.

Tận đáy lòng mình tôi vô cùng hối tiếc vì vụ việc này đã làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của khách hàng sử dụng điện, cũng như đã làm tổn hại không gì bù đắp được cho uy tín đã xây dựng suốt hơn 30 năm qua của Công ty Điện lực thành phố, và của cá nhân tôi.

Qua sự việc trên, với tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan và ý thức của người đảng viên, tôi tự cảm thấy mình đã không còn xứng đáng để đảm trách chức vụ hiện tại, do đó tôi xin tự nguyện từ chức giám đốc Công ty Điện lực TPHCM. Rất mong các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí, đồng nghiệp và bà con thông hiểu và chấp nhận quyết định này của tôi.

Điều đó cũng không có nghĩa là tôi sẽ không còn có trách nhiệm nữa đối với vụ việc đã qua. Tôi xin hứa vẫn sẽ sát cánh cùng các đồng chí, đồng nghiệp tiếp tục giải quyết để sớm khắc phục hậu quả của vụ việc trong khả năng có thể có của tôi.

Cuối cùng tôi rất mong được các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan ban ngành và bà con sử dụng điện thành phố, cùng toàn thể CBCNV Công ty Điện lực thành phố và ngành điện cả nước thông cảm rộng lòng lượng thứ và chấp nhận lời xin lỗi từ đáy lòng mình của tôi.”.

Ngay sau đó, PCT UBND TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu: "Với nổ lực giảm thiệt hại tối đa cho người dân, ảnh hưởng ít nhất cho ngành điện, đảm bảo kinh tế TP phát triển, chúng tôi rất hoan nghênh Tổng Công ty Điện Lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức cuộc họp báo hôm nay. Qua một phần kết quả kiểm tra, thanh tra ban đầu cho thấy, EVN đã đưa ra được một số giải pháp ban đầu để khắc phục vụ việc này.

Mặc dù mọi điều còn đang trong quá trình thanh kiểm tra, điều này cũng cho thấy quyết tâm của EVN là đảm bảo quyền lợi cho người dân trong vụ việc này. Đây là vụ việc sai phạm trong lắp ráp điện kế cho dân có quy mô rất lớn nhất lần đầu tiên xảy ra tại TPHCM cũng như cả nước nên việc xử lý chúng ta cũng còn lúng túng, không phải vài chục cái hay vài trăm cái mà việc thay thế củng lúc hàng trăm ngàn cùng một lúc là không phải dễ, mong đồng bào TP chia sẻ với ngành điện.

Việc thay thế 312.000 điện kế điện tử, về phía TP chưa đi sâu vào kỹ thuật nên chưa có hiến kế gì cụ thể mà còn phải tham khảo ý kiến của một số cơ quan chuyên ngành về đo lường như Tổng cục TC-ĐL-CL. Chúng tôi cho rằng phương án thay thế chưa thể kết thúc mà còn phải làm tiếp. Khi có những kết luận cuối cùng, EVN sẽ có những kiến nghị về xử lý cán bộ, công tác quản lý…

TP xin cam kết tiếp tục phối hợp tốt với Bộ Công nghiệp, EVN cũng như các đơn vị liên quan để giải quyết rốt ráo vụ việc  nhằm giảm thiệt hại tối đa cho người dân, ảnh hưởng ít nhất cho ngành điện, đảm bảo kinh tế TP phát triển ổn định."

Bài: Đỗ Trà Giang- Thư Lê

Ảnh: Đức Thành

Tin cùng chuyên mục