Năm 2021, mặt trận các cấp đã tổ chức gần 21.800 cuộc giám sát, trong đó ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chủ trì giám sát 454 cuộc, cấp huyện giám sát 3.327 cuộc, cấp xã giám sát 17.947 cuộc. Tổng số hoạt động giám sát do ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tham gia phối hợp với các cơ quan hữu quan là hơn 29.000 cuộc. Trong đó, có 3 chuyên đề giám sát tiếp công dân, giám sát cán bộ, đảng viên và giám sát Luật Đất đai được triển khai trong hệ thống MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, đã kiến nghị nhiều nội dung xác đáng. Kết quả thực hiện giám sát và phản biện xã hội năm 2021 của mặt trận các cấp cho thấy, nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát đều được chính quyền và các ngành chức năng chỉ đạo xem xét, giải quyết, góp phần tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân.
Có thể nói, công cuộc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang tiếp tục tạo được sự đồng thuận, nhất trí rất cao của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được thực hiện quyết liệt, đã tăng cường thêm niềm tin của nhân dân. Kết quả đó có vai trò của việc đẩy mạnh giám sát của mặt trận, của nhân dân để kịp thời ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng.
Tuy nhiên, khi bàn về việc nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của mặt trận, nhiều ý kiến trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thẳng thắn cho rằng, để phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân hơn nữa, mặt trận cần tập trung giám sát, phản biện một số vấn đề, vụ việc cụ thể, trọng điểm. Giám sát phải đi xuống tận nơi, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, đặc biệt là ý kiến người dân chứ không chỉ là thông qua các bản báo cáo. Chỉ khi đến tận nơi, giám sát, phản biện xã hội đến nơi đến chốn, truy tận cùng vấn đề, theo đuổi đến khi vụ việc được giải quyết xong thì việc giám sát mới tạo tiếng vang, có tác dụng thay đổi những bất cập, đồng thời tạo được niềm tin cho người dân. Với vai trò giám sát, phản biện xã hội, mặt trận cần tập hợp những vấn đề bức xúc trong nhân dân hiện nay, đơn cử như các vụ việc tiêu cực, tham nhũng làm nhân dân mất niềm tin. Đặc biệt, vừa qua diễn ra các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực y tế, trong lĩnh vực liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 khi nhân dân đang phải chịu rất nhiều đau khổ, mặt trận cũng cần kịp thời thể hiện tiếng nói của nhân dân. Hay các vấn đề sai phạm liên quan đến quản lý đất đai và quản lý sử dụng tài sản nhà nước khiến nhân dân bất bình suốt thời gian qua cũng cần được mặt trận vào cuộc giám sát, bao gồm cả giám sát, phản biện những vấn đề cần thiết như hoạch định chính sách, có chủ trương trên lĩnh vực đất đai để chủ động khép lại dần những kẽ hở, vấn đề, ngăn chặn kịp thời những sai phạm.
Mong muốn chung của người dân là công tác giám sát, phản biện xã hội của mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể cần được nâng tầm chất lượng. MTTQ Việt Nam cần đóng vai trò nòng cốt để các tổ chức chính trị - xã hội triển khai các chương trình giám sát, phản biện ngay từ đầu mỗi năm thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội. MTTQ cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách để đảm bảo tính khoa học của giám sát, phản biện xã hội, phù hợp với thực tiễn, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của người dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Mà muốn thế, rất cần sự vào cuộc tích cực, năng lực, trình độ, bản lĩnh của cán bộ mặt trận các cấp để phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện của mặt trận. Đồng thời, sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp của Quốc hội, HĐND, Chính phủ, chính quyền các cấp cùng các cơ quan chức năng cũng rất quan trọng để tạo điều kiện giúp MTTQ các cấp triển khai hiệu quả các chương trình giám sát, nội dung phản biện đã đề ra.