Quốc hội thảo luận về an ninh trật tự xã hội

Giảm tội phạm: phải có giải pháp đồng bộ

Giảm tội phạm: phải có giải pháp đồng bộ

“Các loại tội phạm ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước làm niềm tin của người dân vào các cơ quan tư pháp đang bị mai một”, nhiều đại biểu Quốc hội (QH) có nhận định như vậy khi QH nghe và thảo luận các báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Công an về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, hôm qua (2-11).

  • Tội phạm gia tăng, diễn biến phức tạp
Giảm tội phạm: phải có giải pháp đồng bộ ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: M.Đ.

Báo cáo của các ngành công an, kiểm sát, tòa án trước QH cho thấy, trong năm 2006, tình hình an ninh trật tự diễn biến vô cùng phức tạp, nhiều loại tội phạm gia tăng đáng lo ngại.

Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Hiện, trong năm nay, ngành tòa án cả nước phải thụ lý nhiều vụ án phức tạp, với số lượng tăng hơn năm trước. Trong đó, đáng lo ngại nhất là các vụ án liên quan tới các loại tội phạm cướp giật, giết người, ma túy và tham nhũng.

Những số liệu mà Đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an, trình bày trước QH cũng cho thấy tình hình tội phạm đang diễn biến phức tạp. “Tội phạm về ma túy có giảm về số lượng so với năm trước, nhưng tính chất lại tinh vi và có tổ chức hơn” – Đại tướng Lê Hồng Anh cho biết.

Với ngành tòa án, Chánh án Nguyễn Văn Hiện thừa nhận, vẫn còn một số bản án sơ thẩm bị hủy do tinh thần trách nhiệm, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ trong ngành chưa cao, một số cán bộ thiếu ý thức rèn luyện, thoái hóa về đạo đức dẫn đến vi phạm kỷ luật ngành, công tác xét xử còn bị tác động từ bên ngoài.

Mặt khác, cơ sở vật chất của ngành tòa án cũng còn nhiều hạn chế. “Ngay ở Hà Nội, vẫn có 4 đơn vị tòa án phải đi thuê trụ sở, thậm chí thuê cả nhà dân để làm nơi xét xử” – Chánh án Nguyễn Văn Hiện cho biết. Trong khi đó, ở ngành kiểm sát, Viện trưởng Viện KSND tối cao Hà Mạnh Trí không giấu giếm vẫn còn tình trạng một số quyết định truy tố oan, nhiều vụ án phải đình chỉ điều tra vì tội phạm không… phạm tội.

Thẩm tra các báo cáo này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Thị Bắc cảnh báo rằng, thời gian qua, việc đưa, nhận hối lộ, chạy án diễn ra nhiều, thậm chí có cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật: “Tình trạng này khiến cho một bộ phận nhân dân mất lòng tin”. 

  • Tệ nạn “xã hội đen”: Có hay không sự tiếp tay của cơ quan tư pháp?

Nhiều đại biểu QH cảm thấy lo lắng trước tình trạng phạm tội ngày một gia tăng, trong khi các báo cáo đều chưa chỉ rõ được nguyên nhân. Đại biểu Trần Huỳnh Mến (Đồng Tháp) ghi nhận những cố gắng của các cơ quan tư pháp trong phòng chống tội phạm, nhưng tỏ ra băn khoăn bởi các vụ án bị phát hiện về sau đều có mức độ, quy mô, phạm vi lớn hơn trước, đặc biệt là các loại tội phạm xâm hại an ninh quốc gia, tội phạm xã hội, kinh tế. Từ đó đại biểu đặt câu hỏi: “Tại sao Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhưng những vụ án vẫn tăng?”, và tự lý giải rằng, “đó là do sự thiếu đồng bộ trong phối hợp của các cơ quan bảo vệ pháp luật”.

Nhiều đại biểu cũng nghi ngại: tệ nạn xã hội mang tính chất “xã hội đen” xảy ra ở một số nơi như Khánh Hòa thì có hay không sự móc nối, tiếp tay của cơ quan tư pháp? “Cần phải nghiên cứu và xem xét lại hiệu quả chương trình, mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm thời gian qua” - đại biểu Trần Huỳnh Mến đề nghị.

Đại biểu Trần Ngọc Đường (Kiên Giang) nhấn mạnh: Báo cáo đề cập tình hình tội phạm gia tăng, khiếu kiện lòng vòng, kéo dài nhưng vẫn chưa chỉ ra được nguyên nhân sâu sắc, đó chính là lòng tin của người dân vào các cơ quan tư pháp giảm, mà điển hình là vụ án tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn (Hải Phòng).

Ông Trần Ngọc Đường cho rằng, đưa ra đánh giá về lòng tin của người dân là điều rất quan trọng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, để đánh giá được lòng tin của người dân vào pháp luật. Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) tâm sự: “Tháng 6 vừa qua, tôi có chuyến thăm trại giam ở Thái Nguyên, điều làm tôi băn khoăn nhất ở đây là số phạm nhân mà trại tiếp nhận năm sau cao hơn năm trước, án ngày càng nặng, tuổi phạm nhân ngày càng trẻ”.

Từ đó đại biểu Nguyễn Ngọc Trân đặt câu hỏi, tại sao báo cáo của các cơ quan tư pháp lại không đưa ra lời giải? Thậm chí chỉ nhấn mạnh là số vụ án tăng lên, xét xử nhiều hơn như... một thành tích. “Điều này thật chua chát! Nếu báo cáo năm nay không có thì cần bổ sung ở năm sau, bởi nếu không, các giải pháp đưa ra chỉ là vòng luẩn quẩn và lòng tin của người dân ở cơ quan tư pháp sẽ ngày bị mai một” - ông Nguyễn Ngọc Trân bình luận.

Đề cập chất lượng xét xử, khiếu nại tố cáo nhiều và đi đến nhiều cấp, nhiều đại biểu QH cũng chỉ rằng, đó là do lòng tin của người dân bị ảnh hưởng trước những vụ xét xử xong lại hủy. Tình trạng này diễn ra nhiều nên dẫn đến khiếu nại lòng vòng. “Cần phải có tòa án hiến pháp để tạo một thiết chế xét xử khi các cơ quan bảo vệ pháp luật làm không đúng. Quyết định của tòa án hiến pháp sẽ là kết luận cuối cùng” - đại biểu Nguyễn Ngọc Trân đề nghị.

BẢO MINH – HÀ MY

Tin cùng chuyên mục