Chia sẻ về những thành tựu của giáo dục Nam bộ thời kỳ kháng chiến 1945 - 1954, ông Võ Anh Tuấn (Sáu An), nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam bộ cho biết, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Nam bộ nằm trong tình hình chung của cả nước là 90% người dân mù chữ.
Từ năm 1945, ngành giáo dục Nam bộ đã rất chủ động và sáng tạo phát triển thành quả của bình dân học vụ, xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông. Đến năm 1952, có gần 3 triệu người thoát nạn mù chữ.
Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, giáo dục Nam bộ đã lập kỳ tích về xóa mù chữ, không những thế, còn đào tạo một thế hệ cán bộ, đảng viên có học thức đáp ứng yêu cầu lãnh đạo và tham gia kháng chiến trên nhiều lĩnh vực.
Nhiều học viên của giáo dục Nam bộ, sau năm 1954 tập kết ra Bắc đã được tiếp tục cử đi học tập, nghiên cứu ở các nước xã hội chủ nghĩa và trong nước, trở thành những nhà lãnh đạo, nhà giáo, nhà khoa học có uy tín của nước nhà.