

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đào Đình Bình trả lời chất vấn.
Mở đầu buổi chất vấn sáng nay 26-11 là phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đào Đình Bình, sau khi cuối buổi chiều qua (25-11) Bộ trưởng đã có giải trình chất vấn bằng văn bản trước QH.
Đại biểu Neáng Kim Cheng (An Giang) chất vấn: "Cử tri ĐBSCL bất bình trong lĩnh vực đầu tư giao thông vận tải là chưa có sự công bằng giữa các vùng, miền. Trong định hướng phát triển trước mắt cũng như lâu dài về hệ thống giao thông vận tải ở ĐBSCL như thế nào để tương xứng tiềm năng của vùng, tạo điều kiện kinh tế-xã hội phát triển vững chắc".
Bộ trưởng GTVT trả lời : Trước hết phải khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là phát triển toàn diện đất nước trên cơ sở "Phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm có mức tăng trưởng cao, tích luỹ lớn, đồng thời tạo điều kiện phát triển các vùng khác để phát huy thế mạnh của từng vùng, liên kết vùng trọng điểm tạo mức tăng trưởng khá. Quan tâm phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường quốc phòng an ninh ở các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, chú trọng các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam. Có chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho các vùng khó khăn...".
Bộ trưởng Đào Đình Bình cho biết, chủ trương trên được ngành GTVT triển khai thực hiện, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch phát triển GTVT cho giai đoạn 2001-2005, 2006-2010; chiến lược, các quy hoạch phát triển GTVT của cả nước, của các vùng, trong đó có ĐBSCL. Mặc dù đã ưu tiên tăng mức đầu tư cho GTVT nhưng ngân sách nhà nước những năm vừa qua chỉ đủ để bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA trong khi việc cung cấp vốn nước ngoài phụ thuộc vào quan điểm đầu tư của các nhà tài trợ, họ ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm, nơi có lưu lượng giao thông lớn.
Để bảo đảm việc đầu tư các dự án giao thông vùng sâu, vùng xa và các vùng kinh tế trọng điểm theo quy hoạch, từ năm 2004 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phát hành trái phiếu chính phủ để xây dựng các công trình giao thông quan trọng, tại ĐBSCL có các dự án: Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Vàm Cống bao gồm hai cầu Cao Lãnh và Vàm Cống, đoạn Năm Căn-Đất Mũi; quốc lộ 80 đoạn Mỹ Thuận-Vàm Cống; tuyến N1 đoạn Tịnh Biên-Hà Tiên; tuyến Nam Sông Hậu; tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp; cầu Hàm Luông (quốc lộ 60); đường trên đảo Phú Quốc; đường Cần Thơ-Vị Thanh (61B); QL50 (bao gồm cả cầu Mỹ Lợi, chợ Gạo); QL61 (Cái Tư-Gò Quao); nâng cấp QL60 (Trung Lương-Rạch Miễu) và các dự án còn thiếu vốn trên các quốc lộ; cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay Cảng hàng không Cần Thơ; cảng An Thới (đảo Phú Quốc).

ĐB Nguyễn Mạnh Cường chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình.
Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định ứng vốn để xây dựng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương và sử dụng vốn vượt thu ngân sách để mở rộng tiếp QL1A đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận. Chính phủ đã và đang chỉ đạo để triển khai thực hiện. Tổng hợp các nguồn vốn đã có, cho thấy ĐBSCL về cơ bản có đủ nguồn lực để đến năm 2010 hoàn thành nâng cấp hệ thống quốc lộ hiện có, xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn từ Chơn Thành đi Vàm Cống, mở rộng QL1 A lên bốn làn xe từ TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ, xây dựng xong tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương và chuẩn bị thủ tục để xây dựng tiếp tuyến cao tốc Trung Lương-Cần Thơ; xây dựng mới các tuyến Nam Sông Hậu, Quản Lộ-Phụng Hiệp, Vị Thanh-Cần Thơ, cầu Hàm Luông; đường và cảng An Thới trên đảo Phú Quốc; nâng cấp các tuyến sông chủ yếu; xây dựng xong sân bay Cần Thơ và từng bước nâng cấp các sân bay khác để đáp ứng nhu cầu.
Trả lời thắc mắc của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Hà Nội) về nợ khối lượng công trình GTVT, nợ lương, bảo hiểm xã hội, y tế của người lao động, Bộ trưởng GTVT cho biết, do thiếu vốn, nên chậm thanh toán khối lượng các công trình đã hoàn thành bàn giao. Tính đến 31-12-2003 tổng cộng khối lượng công trình đã hoàn thành chưa được thanh toán là 6.223 tỷ đồng. Chính phủ đã tích cực giải quyết và năm 2004 đã thanh toán 1.761 tỷ đồng nợ tồn đọng. Các địa phương cũng đã giải quyết được 1.000 tỷ đồng. Số nợ khối lượng hoàn thành các dự án ngân sách Nhà nước và vay tín dụng ưu đãi là 735 tỷ đồng; nợ của các chủ đầu tư địa phương là 1.619 tỷ đồng. Hiện nay, Nhà nước và các chủ đầu tư địa phương vẫn còn nợ khối lượng công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 1.806 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đào Đình Bình giải trình thêm, Bộ GTVT đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm quy định quản lý của Nhà nước đồng thời phát hiện những khó khăn của các đơn vị để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ. Bộ GTVT cũng đã thành lập tổ giám sát và đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DNNN để thực hiện việc giám sát, đánh giá hoạt động của các DNNN.
Đối với các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc do năng lực quản lý, điều hành yếu kém dẫn đến kinh doanh thua lỗ kéo dài... Bộ GTVT kiên quyết xử lý thay Tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm nguyên tắc quản lý của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, Bộ GTVT kiên quyết chuyển cơ quan pháp luật xem xét xử lý. Đến nay, hầu hết các tổng công ty, các doanh nghiệp đã giải quyết lương cho người lao động, không để chậm quá 3 tháng, một số tổng công ty đã thanh toán hoặc tạm ứng lương đến hết tháng 10-2005. Lương bình quân của toàn ngành đạt 1,7 triệu đồng/người/tháng, tỷ lệ thiếu việc làm giảm từ 5% (năm 2000) xuống còn 0,8% (năm 2005).
Chất vấn của đại biểu Trần Luân Kim ( Phú Yên) về chủ trương khống chế tốc độ các phương tiện giao thông trên các quốc lộ chưa hợp lý, được Bộ trưởng Đào Đình Bình trả lời: Về nguyên tắc, tốc độ các phương tiện giao thông không được cao hơn tốc độ thiết kế theo cấp kỹ thuật của đường như tiêu chuẩn 4054-98 quy định. Việc quy định hạn chế tốc độ này đã được bộ phối hợp các bộ, ngành TƯ, địa phương quy định phù hợp điều kiện hiên nay và được điều chỉnh kịp thời khi điều kiện hạ tầng kỹ thuật cho phép.
Theo Bộ trưởng Đào Đình Bình, giao thông trên đường bộ VN là hỗn hợp, các phương tiện tự kiềm chế tốc độ của nhau vì không đi đúng phần đường, làn đường cho từng loại phương tiện. Số lượng ô tô, xe máy tăng rất nhanh, từ 1990 - 2000 tăng 6,2 lần. Mật độ tại một số đường quan trọng như QL1 thường gấp đôi lưu lượng thiết kế.
Bộ trưởng còn cho biết, thực tế tại các nước EU, người đi bộ va chạm với xe cơ giới tốc độ 50 km/h thì xác suất tử vong là 85%. Nếu phương tiện đó lưu thông với tốc độ 30km/h thì xác suất tử vong chỉ còn dưới 10%. Khi tăng tốc độ lưu thông lên 1km/h vượt tốc độ cho phép của đô thị thì thì số vụ tai nạn giao thông tăng 3%. Giảm 1km/h so với số liệu trung bình đó thì tai nạn giao thông giảm 2%. Đến nay tai nạn giao thông do vi phạm tốc độ đã giảm 22, 24%.
Hạn chế tốc độ cho phù hợp với điều kiện vật chất và dân trí là cần thiết, nhưng đây là vấn đề nhạy cảm, cần xem xét lợi ích của người vận tải với kiềm chế tai nạn giao thông. Bộ không đơn phương quy định mà đã phối hợp với Bộ công an, Tư pháp và các cơ quan liên quan, các địa phương nghiên cứu kỹ vấn đề này để điều chỉnh kịp thời.
Trả lời ý kiến nên cho tăng tốc độ vào ban đêm, Bộ trưởng cho r8àng điều này là không hợp lý vì ban đêm cũng có nhiều tình huống bất ngờ, nguy hiểm.
Tiếp theo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện đã trả lời chất vấn tại hội trường.
Tại kỳ họp này, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã nhận được chất vấn của 6 đại biểu QH, tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau: Việc chấp hành các quy định của pháp luật tố tụng về thời hạn xét xử đối với các vụ án?; Việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm?; Việc thực hiện Nghị quyết 388 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra?; Tại sao công dân ít khởi kiện vụ án hành chính?

ĐBQH chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện.
Về vấn đề tại sao công dân ít khởi kiện vụ án hành chính, theo ông Hiện là do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất do công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện Luật khiếu nại, tố cáo, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính chưa sâu rộng nên nhận thức, hiểu biết của các tầng lớp nhân dân đối với các quy địng của pháp luật về quyền khiếu nại, khởi kiện hành chính và thủ tục giải quyết các khiếu nại, khởi kiện hành chính còn rất hạn chế, dẫn tới nhiều người dân chưa thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Bên cạnh đó, việc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án thường có thủ tục phức tạp. Theo quy định của pháp luật tố tụng thì khi khởi kiện, người khởi kiện phải đứng tên và ký đơn khởi kiện, phải gửi kèm theo đơn kiện các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình; phải nộp tiền tạm ứng án phí; phải tham gia vào quá trình tố tụng tại tòa án ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm, thậm chí phải tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm nếu tòa án thấy cần thiết; đồng thời quá trình tố tụng tại tòa án mỗi cấp thường phức tạp và phải mất nhiều thời gian...
Ngoài ra, người dân nước ta chưa có thói quen hoặc ngại kiện các cơ quan hành chính Nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước tại tòa án; không ít người vẫn còn tâm lý chưa thật sự tin tưởng vào khả năng, hiệu quả giải quyết vụ án hành chính của thấm phán bởi do địa vị, quyền hạn của thẩm phán so với địa vị, quyền hạn của người bị kiện (thường là chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các sở, bộ, ban, ngành...). Tòa án hành chính lại không có thẩm quyền ra quyết định thay thế quyết định hành chính trái pháp luật bị khiếu kiện và việc thi hành quyết định của tòa án sẽ không dễ dàng nếu như quyết định của tòa án trái với quyết định hành chính của người bị kiện có chức vụ, quyền hạn ở địa phương.
Trả lời thắc mắc của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) về chất lượng các bản án mà TANDTC đã xét xử, những sai sót trong việc thiếu trách nhiệm, năng lực, của cán bộ toà án, Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện giải thích: Hiện nay, tỷ lệ các bản án bị sửa, hủy so với năm trước đã giảm hơn nhiều. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sai sót trong các vụ án như: yêú tố đầu tiên phải là con người, có phẩm chất tốt, có trình độ tốt và bản lĩnh chính trị mới làm được việc. Trong khi đó, nước ta trải qua thời gian chiến tranh quá dài, nên công tác tập trung đào tạo con người mới chỉ bắt đầu được quan tâm, sau năm 1975 chúng ta mới có trường đào tạo về luật. Nên phần đông, những con người làm công tác xét xử hiện nay về cơ bản thì được đào tạo nhưng cũng chưa giỏi đủ để đáp ứng được với một số lượng các vụ án khổng lồ như hiện nay.
Ông Hiện cho biết, ngành Tòa án đã xem xét đến năng lực, số vụ án bị sửa hủy cao hơn mức bình thường và sẽ sa thải các thẩm phán không hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, còn có một số trường hợp không những thiếu trách nhiệm mà còn vi phạm pháp luật và đã bị xử lý hình sự. Đây là điều đáng tiếc đối với ngành toà án. Đối với người thường vi phạm pháp luật đã đáng tiếc, đối với người trong ngành toà án còn đáng tiếc hơn vì có tội với nhân dân.
Theo ông Hiệu, hàng năm có tới trên dưới 10.000 đơn xin kiến thẩm, tái thẩm, ngành tòa án cũng quyết định tập trung giải quyết vấn đề này. Ngành đã tăng cường số lượng người làm cả ngày nghỉ để giải quyết số lượng đơn này theo đúng pháp luật. Một thẩm phán phải xét xử hàng trăm vụ án trong một năm, nên sự sai sót là chắc chắn xảy ra, nhưng nếu phát hiện thẩm phán đó vi phạm pháp luật, toà án sẽ xử lý kỷ luật.

Toàn cảnh phiên chất vấn sáng 26-11 tại Quốc hội.
Đại biểu Đinh Văn Oanh (Nghệ An) đặt vấn đề, từ khi có NQ 388 liệu khi xét xử các thẩm phán liệu có run tay, chùn tay mà bỏ lọt tội phạm?, Ông Nguyễn Văn Hiện đã giải thích, việc ban hành NQ 388 của UBTV Quốc Hội này là cần thiết, nếu thẩm phán nào, kiểm sát viên nào chùn tay, sự trách nhiệm sẽ chịu trách nhiệm. Việc ban hành Nghị Quyết này đã được rất nhiều người làm trong ngành toà án đồng tình, vì nó đảm bảo quyền và nghĩa vụ, nâng cao trách nhiệm của kiểm sát viên, điều tra viên.
Theo Chánh án Nguyễn Văn Hiện, thông thường, bất cứ người nào trong ngành toà án cũng sẽ có biểu hiện chùn tay, sợ trách nhiệm nếu vụ án chứng cớ còn yếu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chưa phát hiện được trường hợp nào có biểu hiện chùn tay, sợ trách nhiệm mà bỏ lọt tội phạm. Cũng có 1 số ít trường hợp toà án cấp dưới kết luận vô tội, nhưng lên toà án cấp trên kết luận có tội, nhưng đây là số ít. Ngành toà án luôn phấn đấu xét xử đúng người, đúng tội, không vì sợ mà xét xử sai người vô tội, hoặc bỏ lọt tội phạm.
Nếu thẩm phán nào vi phạm luật, TAND TC sẽ có những biện pháp như: Nếu kết án oan người không có tội, chánh án đó phải giải thích rõ về trách nhiệm của mình trong vụ án đó, về trình độ…sẽ bị thuyên chuyển, không được nắm vị trí chánh án.
Đại biểu Vi Đức Được (Lạng Sơn) thắc mắc về việc cách giải quyết một số vụ án kéo dài, oan sai…, Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện khẳng định, Toà án sẽ giải quyết rốt ráo các vụ án, nếu có oan sai, đều phải có trình tự của các cấp phúc thẩm. Các công dân phải có đơn, nhưng dù chúng tôi có cố gắng bao nhiêu chăng nữa cũng không giải quyết hết. Như vậy sẽ nảy ra bất cập, các công dân họ sẽ không cần nộp đơn để nhờ toà án phúc thẩm.
SGGP Online