Đề nghị giải quyết ngay chế độ phụ trội cho giáo viên mầm non

PV: Thưa bà, hiện nay các cơ sở MN đang trong tình trạng quá tải trầm trọng trong khi đó đội ngũ GV thì lại thiếu, nhiều GV không chịu nổi áp lực nên đã bỏ nghề, bà nghĩ sao về vấn đề này?
Đề nghị giải quyết ngay chế độ phụ trội cho giáo viên mầm non
  • Thiếu 300 giáo viên (GV) công lập và 2.000 GV khối ngoài công lập 
  • Mỗi năm có gần 300 GV mầm non nghỉ việc
Đề nghị giải quyết ngay chế độ phụ trội cho giáo viên mầm non ảnh 1
Một giáo viên mầm non phải phụ trách rất nhiều cháu. Ảnh chụp tại Trường Mầm non 19-5. Ảnh: HỒNG LIÊN

Ngay sau bài viết “Nhọc nhằn cơ sở mầm non” đăng trên Báo SGGP ngày 8-10 phản ánh về hàng loạt khó khăn đang bủa vây các cơ sở giáo dục mầm non (MN) tại TPHCM, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TPHCM, đã trao đổi với Báo SGGP về giải pháp “cứu nguy” thiết thực và nhanh chóng nhất cho bậc học này.

- PV: Thưa bà, hiện nay các cơ sở MN đang trong tình trạng quá tải trầm trọng trong khi đó đội ngũ GV thì lại thiếu, nhiều GV không chịu nổi áp lực nên đã bỏ nghề, bà nghĩ sao về vấn đề này?

- Bà NGUYỄN THỊ KIM THANH: Đúng là hiện nay các cơ sở MN đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn, có thể nói là khó khăn về mọi mặt.

- Bằng cách nào để giải quyết được những khó khăn này, thưa bà?

- Cái gốc của vấn đề vẫn là thu nhập của đội ngũ GV MN quá thấp, thấp nhất trong các bậc học khác dù GV MN phải chịu áp lực nhiều nhất về trách nhiệm chăm sóc giáo dục trẻ. Đặïc thù của ngành học MN là GV phải làm việc từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối mới được nghỉ, làm suốt 11 tháng trong một năm, chỉ được nghỉ nửa tháng hè. Bên cạnh đó, áp lực, trách nhiệm luôn đè nặng lên các cô nhưng thu nhập lại thấp nhất. Chính vì vậy cái gốc của vấn đề vẫn là tăng thu nhập cho các cô. Đây là một lý do hết sức chính đáng, phải làm ngay và đã có đủ cơ sở pháp lý để làm.

- Làm thế nào để tăng thu nhập?

- Trong điều kiện 10 năm qua, ngành giáo dục chưa được tăng học phí thì nhà nước cần phải có sự hỗ trợ để giữ chân GV. Đó là giải quyết chế độ phụ trội cho GV MN vì các bậc học và các ngành khác theo luật lao động đều được hưởng chế độ này nhưng riêng giáo dục MN từ năm 1990 đến nay GV không hề được hưởng.

- Bà cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Năm 1987 là thời điểm sáp nhập 2 ngành ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em với ngành giáo dục. Trước đó GV nhà trẻ vẫn được hưởng tiền phụ trội 2 giờ/ngày theo đặc thù của công việc, nhưng từ khi sáp nhập, các địa phương đã bỏ mất chế độ này. Ngành giáo dục yêu cầu nhà nước khôi phục lại chế độ này (thực chất là phải cho GV truy lãnh theo đúng luật lao động, làm thêm giờ phải có tiền phụ trội).

Sở GD-ĐT đã có văn bản đề nghị với UBND TPHCM giải quyết chế độ phụ trội cho GV MN khi làm thêm giờ theo hướng dẫn liên bộ của Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 5-1-2005 và văn bản mới nhất là số 50/2008 TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 9-9-2008 hướng dẫn về trả lương dạy thêm giờ cho GV, công lập nhưng đến nay còn vướng một vấn đề.

- Vấn đề gì, thưa bà?

Đề nghị giải quyết ngay chế độ phụ trội cho giáo viên mầm non ảnh 2
Được đánh giá có chất lượng tốt nên sĩ số học sinh Trường MN Bến Thành luôn ở mức cao.Ảnh: T.HÀ

- Theo Thông tư 17, GV chỉ được dạy thêm tối đa là 200 tiết/năm học, còn theo thực tế công việc ở trường MN, GV phải làm 10 giờ/ngày. Nếu chỉ tính 9 tháng thì thời gian làm việc quá quy định là 396 giờ. Đây chính là đặc thù lao động của GV MN, họ không muốn nhưng công việc bắt buộc họ làm, không lẽ tới 3 giờ chiều lại bỏ trẻ để ra về? Nhiều nước trên thế giới có các cách làm khác nhau để giải quyết vấn đề này.

Ví dụ như ở Pháp người ta thuê sinh viên trông trẻ buổi trưa và sau 5 giờ chiều, lấy tiền nhà nước để chi cho sinh viên. Còn ở Nga thì GV MN làm việc 2 ca, ca 1 từ 6 giờ sáng tới 12 giờ trưa, ca 2 làm từ 12 giờ trưa tới 6 giờ chiều.

Ở Việt Nam không đủ GV để làm 2 ca, nhưng cũng không dám thuê sinh viên như ở Pháp vì với sĩ số trẻ cao (gấp 1,5 tới 2 lần theo quy định) như vậy nếu không có chuyên môn dễ xảy ra nguy hiểm cho trẻ. Chúng tôi đề nghị nhà nước quan tâm giải quyết thỏa đáng cho GV MN vấn đề này. Thời gian làm việc thực tế như thế nào phải phụ cấp thêm giờ như thế đó, không nên tính như GV các bậc học khác vì GV MN không chỉ là GV mà còn là người mẹ để nuôi dạy trẻ suốt 10 giờ/ngày với áp lực làm việc rất cao. Nếu không sớm giải quyết chế độ này tôi e sự thiệt thòi cho trẻ em sẽ càng tăng lên.

- Ước tính đã có bao nhiêu GV MN nghỉ việc, thưa bà?

- Năm học 2007 - 2008, có gần 300 GV bỏ việc trong khi đội ngũ GV MN tới thời điểm này còn thiếu khoảng 300 GV ở các trường công lập và khoảng hơn 2.000 GV cho các cơ sở ngoài công lập.

- Nhiều trường có số học sinh tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu, kể cả các trường đạt chuẩn quốc gia, làm sao để giải quyết thưa bà?

- Trước mắt thành phố đã ra quyết định cho xây thêm 17 trường MN công lập ở những phường xã chưa có trường. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn phải xây thêm nhiều trường bằng mọi nguồn kinh phí: kinh phí nhà nước, kinh phí kích cầu. Đặc biệt phải có quy định ràng buộc chủ đầu tư các khu dân cư mới, khu công nghiệp phải xây trường MN, nhà trẻ khi thực hiện dự án (trước đây đã có quy định nhưng không thực hiện) để chia sẻ khó khăn với nhà nước .

LÊ LINH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục